|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

7.000 tỉ nâng cấp đường sắt sẽ được chi tiêu thế nào?

06:41 | 18/02/2020
Chia sẻ
Những gói thầu xây lắp đầu tiên sử dụng nguồn vốn 7.000 tỉ đồng sẽ được khởi công ngay trong năm 2020 và dự kiến hoàn thành năm 2021.
7.000 tỉ nâng cấp đường sắt sẽ được chi tiêu thế nào? - Ảnh 1.

Dự kiến tháng 10/2020 sẽ khởi công hai dự án cải tạo công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh và đoạn Nha Trang - Sài Gòn (Trong ảnh: Hành khách lên tàu tại ga Nha Trang). Ảnh: Quốc Nhựt

Mở mới, nâng cấp hàng loạt ga, đường tàu

Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, tuyến đường sắt quốc gia khu vực phía Nam thường xuyên có tình trạng tàu bị chậm giờ, hành trình kéo dài. Chậm nhất là ở các khu đoạn như: Sài Gòn - Quy Nhơn, Sài Gòn - Nha Trang, Sài Gòn - Quảng Ngãi.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tàu chậm giờ, nhưng ngoài lý do bất khả kháng như gặp sự cố, thiên tai, còn lại đều do các đoàn tàu phải dừng chờ ở một số ga để tránh đoàn tàu khác.

“Đường sắt là tuyến đường đơn, các đoàn tàu muốn chạy trong cùng một khu gian phải chờ dừng tránh, vượt nhau tại các ga trên dọc đường.

Tuy vậy, không phải ga nào cũng có hạ tầng cho tàu dừng đỗ được vì có ga chỉ có 2 đường ray hoặc đường ga ngắn, không đủ để chứa hết chiều dài đoàn tàu”, đại diện đơn vị này thông tin và liệt kê nhiều ga hạ tầng hạn chế như: Ngã Ba (TP Cam Ranh, Khánh Hòa), Long Khánh (TX Long Khánh, Đồng Nai)…

Không chỉ hạn chế hạ tầng các ga, nhiều đoạn ray trên tuyến còn có bán kính cong nhỏ, phần kết cấu trên mặt đường (ray, ghi, tà vẹt, đá ba lát) có chất lượng kém. Cùng đó, hàng chục cây cầu trên tuyến có tuổi đời gần 100 năm, tải trọng thiết kế thấp và đã xuống cấp.

Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, đây cũng là thực trạng chung của cả tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện nay. Vì vậy, các doanh nghiệp vận tải đường sắt mong hạ tầng tuyến sớm được cải tạo, nâng cấp, nhất là các chặng Hà Nội - Vinh và Nha Trang - Sài Gòn để tăng năng lực vận tải.

Ông Vũ Hồng Phương, quyền Giám đốc Ban QLDA đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, sắp tới những bất cập, hạn chế hạ tầng của tuyến đường sắt trên các đoạn Hà Nội - Vinh, Nha Trang - Sài Gòn sẽ được giải quyết bằng 4 dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu, với tổng nguồn vốn 7.000 tỷ đồng đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua. Bộ GTVT cũng đã phê duyệt vào cuối năm 2019.

Trong đó, Ban QLDA đường sắt tổ chức triển khai, quản lý 3 dự án: Cải tạo nâng cấp các công trình thiết yếu trên hai đoạn Hà Nội - Vinh, Nha Trang - Sài Gòn; Cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến, với tổng số hơn 120 cầu được cải tạo, nâng cấp.

“Đoạn Hà Nội - Vinh sẽ được nâng cấp, cải tạo nền và kết cấu tầng trên mặt của hơn 77km đường sắt và cải tạo cục bộ đường cong bán kính nhỏ tại 6 điểm, xây dựng 5,6km hàng rào, đường gom tại 12 đoạn để nâng cao an toàn công trình và đồng nhất dải tốc độ chạy tàu. Còn đoạn Nha Trang - Sài Gòn, nâng cấp khoảng 69km đường sắt, cải tạo 6 điểm bán kính cong.

Về hạng mục ga, sẽ mở mới thêm 7 ga; 5 ga hiện có hai đường tàu được làm thêm đường thứ 3; kéo dài đường tàu trong ga tại 17 ga. Sau khi hoàn thành, các đường tàu trong ga đảm bảo chiều dài tối thiểu 400m để chứa được các đoàn tàu dài hơn, an toàn khi chờ tránh nhau”, Ban QLDA cho biết.

Cùng đó, gần chục ga khác cũng được cải tạo, nâng cấp hệ thống thông tin, tín hiệu, mái che ke ga... để nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải. Theo đó, các ga được làm thêm đường ray gồm: Chợ Tía (Hà Nội), Cát Đằng (Nam Định), Yên Lý (Nghệ An), Ngã Ba (Khánh Hòa), Long Khánh (Đồng Nai).

Cùng với 3 dự án trên là dự án gia cố các hầm yếu và kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên mặt đường đoạn Vinh - Nha Trang, do Ban QLDA 85 làm đại diện chủ đầu tư.

Đảm bảo vận tốc khai thác trung bình 80 - 90km/h

4 dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM có tổng nguồn vốn đầu tư 7.000 tỉ đồng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 556/NQ-UBTVQH13 ngày 31/7/2018 về phương án sử dụng 15.000 tỉ đồng từ nguồn vốn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

Ban QLDA đường sắt và Ban QLDA 85 đều cho biết, cả 4 dự án đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, GPMB, chuẩn bị lựa chọn nhà thầu và khởi công tất cả các gói thầu trong năm nay và hoàn thành toàn bộ trong năm 2021.

“Khoảng tháng 8/2020 sẽ lựa chọn gói thầu xây lắp đầu tiên, ký hợp đồng và khởi công tháng 10/2020 hai dự án cải tạo công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh và đoạn Nha Trang - Sài Gòn. Dự kiến hoàn thành cả hai dự án trong năm 2021.

Còn dự án cải tạo các cầu yếu đang trong giai đoạn tổ chức đánh giá hồ sơ thầu tư vấn thiết kế bảo vệ thi công, tổ chức lựa chọn nhà thầu. Gói thầu đầu tiên sẽ được khởi công vào tháng 7/2020 và hoàn thành dự án trong năm 2021”, đại diện Ban QLDA đường sắt thông tin.

Theo Ban QLDA 85, dự kiến trong tháng 3/2020 lựa chọn xong nhà thầu tư vấn thiết kế. Từ tháng 8-11/2020 sẽ khởi công toàn bộ các gói thầu và hoàn thành xây lắp dự án Vinh - Nha Trang vào cuối năm sau.

Theo thiết kế, sau khi các dự án hoàn thành, hạ tầng tuyến đường sắt Bắc - Nam sẽ đồng nhất tải trọng 4,2T/m, đảm bảo an toàn và nâng cao tốc độ chạy tàu bình quân, đảm bảo khai thác với vận tốc trung bình 80 - 90km/h với tàu khách, 50 - 60km/h với tàu hàng.

Việc đồng nhất tải trọng sẽ làm tăng khả năng chuyên chở của các đoàn tàu bình quân khoảng 140 tấn (với đoàn tàu kéo 25 toa xe), tăng đáng kể năng lực chuyên chở, tận dụng năng lực sức kéo dư thừa của các đầu máy tiên tiến, đảm bảo tăng doanh thu và tăng hiệu quả của nguồn vốn đầu tư.

Đối với hệ thống ga trên tuyến, việc cải tạo, mở mới thêm đường thứ ba trong các ga giúp tăng năng lực thông qua từ 17 đôi tàu/ngày đêm như hiện nay lên 25 đôi tàu/ngày đêm, tạo điều kiện thuận lợi trong điều độ tổ chức chạy tàu.

Đồng thời, giảm thời gian đỗ đọng toa xe hàng, rút ngắn thời gian quay vòng toa xe, đáp ứng nhu cầu vận tải trên trục huyết mạch Bắc - Nam, nhất là các dịp lễ, Tết cao điểm về hành khách. Cùng đó, sau khi hoàn thành hệ thống hàng rào, đường gom sẽ xóa bỏ được các lối đi dân sinh tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn chạy tàu.

Huy Lộc