Tòa án tuyên chấm dứt sử dụng nhãn hiệu Asanzo, CEO Asanzo nói gì?
CTCP Asanzo Việt Nam hiện đang vướng 'lùm xùm' liên quan tới nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Không chỉ vậy, công ty còn vướng vào kiện tụng với doanh nghiệp cùng ngành liên quan tới sở hữu trí tuệ, trong đó Asanzo là bị đơn.
Asanzo phải chấm dứt sử dụng nhãn hiệu đang lưu hành
Theo hồ sơ vụ tranh chấp thương mại, ngày 25/8/2008, nguyên đơn Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Đông Phương được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 107919 đối với nhãn hiệu Asano.
Ngày 7/3/2014, bị đơn Công ty Cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 221067 đối với nhãn hiệu Asanzo. Tuy nhiên, trên thực tế công ty Asanzo VN lại sử dụng nhãn hiệu Asanzo có dấu móc ở cuối trên giao diện website công ty và các sản phẩm điện tử do mình cung cấp.
Tại kết luận giám định sở hữu công nghiệp số NH335-15YC/KLGĐ ngày 18/8/2015 của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học Công nghệ xác định: Dấu hiệu Asanzo được gắn trên giao diện website có địa chỉ asanzo.com.vn, sản phẩm tivi, nồi cơm điện, nồi áp suất, bình đun siêu tốc, biển hiệu và trên xe tải có dấu hiệu trùng hoặc tương tự, là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu Asano của Công ty Đông Phương.
Nhãn hiệu Asano của Đông Phương được Cục sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận năm 2008 còn nhãn hiệu Asanzo của Asanzo VN được cấp năm 2014.
Tại văn bản số 3374/SHTT-TTKN ngày 6/5/2016, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ xác định: ‘‘Tuy có sự khác biệt ở màu sắc, các chữ cái là phụ âm (thêm chữ z) và chữ A được trình bày đủ nét, nhưng kết hợp chữ và hình trên vẫn tạo thành tổng thể có khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được bảo hộ’’.
Từ đó Cục Sở hữu trí tuệ kết luận hành vi của Asanzo Việt Nam là xâm phạm quyền nhãn hiệu theo Điều 129, Luật Sở hữu trí tuệ.
Theo đó, tòa cấp sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty Đông Phương, buộc Asanzo VN chấm dứt sử dụng nhãn hiệu Asanzo hình có dấu móc và bồi thường cho nguyên đơn 100 triệu đồng.
Hai bên sau đó đều kháng cáo. Phía Đông Phương yêu cầu bồi thường 500 triệu đồng như đơn khởi kiện. Còn phía Asanzo VN cho rằng việc Đông Phương gửi đơn thư tố cáo tới nhiều đơn vị, tổ chức gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh của công ty nên yêu cầu Đông Phương phải xin lỗi, cải chính công khai 3 số liên tiếp trên các báo.
HĐXX phúc thẩm xét thấy tòa sơ thẩm giải quyết vụ án phù hợp với quy định pháp luật. Kháng cáo của 2 bên đều không có căn cứ chấp nhận, cần giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Theo đó tòa cấp phúc thẩm tuyên buộc Công ty Asanzo VN chấm dứt hành vi xâm phạm, cụ thể là chấm dứt sử dụng nhãn hiệu hình Asanzo có dấu móc dán trên giao diện trang web có địa chỉ asanzo.com.vn, biểu hiện và các sản phẩm thuộc nhóm 7,9,11 đang lưu hành trên thị trường. Xóa bỏ nhãn hiệu đã dán trên toàn bộ sản phẩm thuộc nhóm trên đang lưu hành trên toàn lãnh tổ Việt Nam. Có trách nhiệm thanh toán cho Công ty Đông Phương số tiền 100 triệu đồng.
Tòa cũng tuyên CTCP Điện tử Asanzo VN phải xin lỗi, cảnh chính công khai trên 3 số liên tiếp của Báo Thanh niên với nội dung là ‘‘Chúng tôi CTCP Điện tử Asanzo VN địa chỉ… gửi lời xin lỗi đến Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Đông Phương, địa chỉ… vì đã có hành vi xâm phạm và sử dụng nhãn hiệu số 107919 của Công ty Đông Phương. Chúng tôi cam kết chấm dứt ngay hành vi vi phạm kể từ thời điểm lời xin lỗi này được đăng tải’’.
Hiện trên website asanzo.com.vn vẫn sử dụng nhãn hiệu Asanzo có dấu móc mà tòa phúc thẩm tuyên buộc công ty phải ngừng lưu hành - Ảnh chụp màn hình chiều ngày 5/7.
"Tòa không thể có chuyên môn bằng Cục Sở hữu trí tuệ"
Về phía bị đơn là Công ty Asanzo Việt Nam, trả lời BizLIVE, ông Phạm Văn Tam, Tổng giám đốc công ty cho biết nhãn hiệu Asanzo đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng, công ty sẽ làm việc với cục này.
‘‘Cục Sở hữu trí tuệ sẽ phải tự giải trình với tòa, tôi cũng không quan tâm việc đấy. Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng thì họ sẽ không thể hủy nhãn hiệu của công ty tôi’’, ông Tam cho biết.
Trả lời câu hỏi, tòa phúc thẩm đã tuyên án và không có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, tức bản án đã có hiệu lực pháp lý, công ty có động thái gì không? Ông Tam cho biết bên Asanzo VN đang kết hợp với Cục Sở hữu trí tuệ làm việc này nhưng ông vẫn khẳng định bằng do cục cấp còn thời hạn nên công ty không lo.
‘‘Tòa không thể có chuyên môn bằng bên Cục Sở hữu trí tuệ, cục sẽ phải làm đơn cùng với bên tôi có thể gửi lên Tòa án Tối cao để ra phán quyết cuối cùng. Bên tôi đầu tư biết bao tiền của cho thương hiệu đó làm sao nói bỏ là bỏ được. Tòa đã phán quyết thì giờ công ty phải lôi cục Sở hữu trí tuệ vô, cùng công ty đi giải trình’’, CEO Asanzo VN cho biết.
Ông Tam cũng cho rằng Cục Sở hữu trí tuệ là bên có chuyên môn về sở hữu trí tuệ duy nhất tại VN, tòa chỉ đi thu thập một phía từ Asano không thu thập từ bên khác, trong khi bên Asanzo VN chưa được giải trình.
‘‘Tòa phán quyết vội vàng. Bên công ty đi chứng minh nhưng họ không chấp nhận chứng minh của công ty thì giờ chúng tôi sẽ đưa lên cấp cao hơn. Bên công ty và Cục sở hữu trí tuệ chắc chắn sẽ phải kết hợp trong việc này’’, ông Tam cho biết.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/