|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Từ hiện tượng Asanzo, giá trị gia tăng của công nghiệp điện tử Việt Nam ở đâu trên biểu đồ 'Đường cong nụ cười' của nhà sáng lập Acer?

15:08 | 05/07/2019
Chia sẻ
Gần đây, vụ việc Asanzo bị quy kết “bán hàng Tàu đội lốt hàng Việt” đã làm dấy lên rất nhiều ý kiến trái chiều.

Bài viết này sẽ phân tích dưới góc độ kinh tế của sự việc, từ đó để có cái nhìn tổng thể về xu hướng phát triển ngành công nghiệp điện tử Việt Nam trên chuỗi giá trị toàn cầu qua biểu đồ "Đường cong nụ cười" của Stan Shih - nhà sáng lập tập đoàn Acer.

Nếu nhìn dưới góc độ về thị trường và người tiêu dùng, Asanzo đang cực kỳ bất lợi và có nguy cơ bị người tiêu dùng tẩy chay. Trong bài viết này, chúng ta tạm gác lại vấn đề dưới góc độ thị trường và người tiêu dùng, cùng bàn luận dưới góc độ kinh tế của sự việc, từ đó có cái nhìn tổng thể về xu hướng phát triển ngành công nghiệp điện tử Việt Nam.

Dưới góc độ kinh tế, có 2 luồng ý kiến về Asanzo. Một số nói Asanzo chỉ là công ty thương mại, mua hàng Trung Quốc về Việt Nam bán lại, hưởng chênh lệch chứ không làm tăng giá trị gì, thậm chí còn gây thiệt hại cho những công ty sản xuất chân chính trong nước.

Một số khác lại cho rằng đây mới là cách làm ăn trong thời đại toàn cầu hoá, tận dụng gia công giá rẻ tại Trung Quốc, còn công ty hưởng những khâu giá trị cao hơn như thương hiệu và hậu mãi - giống như cách Apple thuê gia công ở Trung Quốc hay Samsung thuê gia công ở Việt Nam.

Từ hiện tượng Asanzo, giá trị gia tăng của công nghiệp điện tử Việt Nam ở đâu trên biểu đồ 'Đường cong nụ cười' của nhà sáng lập Acer? - Ảnh 1.

Từ hiện tượng Asanzo cần cái có nhìn tổng thể về xu hướng phát triển ngành công nghiệp điện tử Việt Nam. (Ảnh minh họa: Internet)

Công nghiệp điện tử toàn cầu qua biểu đồ “Đường cong nụ cười” của nhà sáng lập Acer

Để đánh giá được 2 nhận định, hãy cùng tìm hiểu chuỗi giá trị toàn cầu qua biểu đồ “Đường cong nụ cười” của Stan Shih - nhà sáng lập tập đoàn Acer.

Trong ngành công nghiệp điện tử, toàn bộ khâu sản xuất có thể chia vào 3 giai đoạn lớn:

Nghiên cứu và thiết kế sản phẩm: Giai đoạn bên trái đường cong nụ cười, bao gồm: nghiên cứu phát triển, thiết kế, chuẩn hoá - cần rất nhiều chất xám, mang lại giá trị lớn. Những doanh nghiệp này được gọi là ODM (Nhà thiết kế sản phẩm gốc)

Chế tạo sản phẩm: Giai đoạn dưới đáy đường cong gồm: gia công và lắp ráp... cần rất nhiều công sức, nhưng mang lại giá trị thấp. Những doanh nghiệp này được gọi là OEM (Nhà sản xuất thiết bị gốc)

Bán hàng và dịch vụ hậu mãi: Giai đoạn bên phải đường cong, gồm: Marketing, bán hàng, thương hiệu, dịch vụ hậu mãi... cũng cần rất nhiều chất xám, mang lại giá trị lớn. Những doanh nghiệp này được gọi là OBM (Nhà sản xuất thương hiệu gốc)

Càng đi xuống đáy của đường cong nụ cười thì phần giá trị gia tăng, hay nôm na có thể hiểu là lợi nhuận mang về càng thấp.

Từ hiện tượng Asanzo, giá trị gia tăng của công nghiệp điện tử Việt Nam ở đâu trên biểu đồ 'Đường cong nụ cười' của nhà sáng lập Acer? - Ảnh 2.

Hãy thử lấy một ví dụ: Việt Nam hiện nay có 2 nhà máy sản xuất smartphone của Samsung, gia công khoảng 1/3 số điện thoại thông minh trên toàn thế giới.

Có thể đơn giản hoá quy trình sản xuất một chiếc điện thoại như sau: Samsung là người nghiên cứu và thiết kế những model smartphone mới, phát triển phần mềm, chuẩn hoá chất lượng, dây chuyền sản xuất, chất lượng thành phẩm (ODM). Sau đó, họ sẽ chuyển khâu gia công, lắp ráp sang Việt Nam, các công nhân của ta làm việc ngày đêm, đảm bảo đạt được những tiêu chuẩn đã chuẩn hoá (OEM). Gia công xong, ta sẽ chuyển lại cho Samsung để họ làm thương hiệu, marketing, phân phối, bán hàng và làm các dịch vụ hậu mãi (OBM).

Vì người Việt Nam rất chăm chỉ, chịu khó, những người công nhân tăng ca làm 12 tiếng mỗi ngày, được trả tầm 23.000 VNĐ một giờ, để làm ra những chiếc điện thoại sau này bán với giá 23.000.000 VNĐ. Những chiếc điện thoại này khi đến tay người dùng, họ sẽ trầm trồ: “Năng lực Samsung, năng lực Hàn Quốc thật đáng nể”, đẩy vốn hoá công ty lên hơn 300 tỷ USD và tạo ra trên dưới một chục tỷ phú USD. Còn những người công nhân Việt chìm vào vòng xoáy làm việc xong là hết ngày, về ký túc xá ngủ và ngày mai lại lặp lại, cuộc đời không đi đến đâu cả.

Chưa kể, nơi nào chấp nhận làm khâu gia công, mặc định nơi đó chấp nhận hy sinh môi trường và sức khoẻ người dân đổi lấy những đồng bạc lẻ.

Đó là ý nghĩa của chuỗi giá trị toàn cầu. Bất kỳ quốc gia, bất kỳ công ty nào cũng muốn chiếm lĩnh những công đoạn phía trên của "đường cong nụ cười". Còn ở phía dưới "đường cong nụ cười", thì dù có chăm chỉ như thế nào, năng suất lao động bình quân của quốc gia đó cũng chỉ có thể đứng nhóm cuối hoặc trung bình trên thế giới.

Asanzo đang ở đâu trên biểu đồ "đường cong nụ cười"?

Như vậy thì Asanzo đang ở đâu trên "đường cong nụ cười"? Với những thông tin hiện tại có thể kết luận: Asanzo sở hữu khâu OBM, thuê ngoài Trung Quốc khâu OEM, còn khâu ODM thì chưa đủ thông tin để kết luận. Tuy nhiên, với những sản phẩm tivi thuộc phân khúc bình dân của Asanzo, có thể nói khâu này không có gì nổi bật.

Ở một góc nhìn nào đó, đây là một điểm sáng trong ngành điện tử Việt Nam. Vì dù nói gì, khâu làm thương hiệu, phân phối, bán hàng và hậu mãi chắc chắn đòi hỏi nhiều chất xám và mang lại giá trị gia tăng hơn khâu chế tạo linh kiện. Doanh nghiệp Việt thoát ra khỏi cái mác OEM để trở thành OBM là một bước tiến cũng nên ghi nhận.

Nhưng cũng phải lưu ý rằng ngành điện tử là một ngành đặc biệt, ngành mà muốn làm thương hiệu phải sở hữu khâu công nghệ, nghiên cứu và thiết kế - hay muốn có OBM phải có ODM.

Đó là cách mà các ông khổng lồ công nghệ như Apple, Samsung, Huawei, Microsoft, Dell, HP... đều đi theo. Những mẫu điện thoại, những mẫu laptop mới so kèo với nhau từng công nghệ một. Hễ anh nào có một công nghệ, thiết kế hay trải nghiệm đột phá, các anh còn lại phải gấp rút đuổi kịp nếu không muốn mất điểm trong mắt người tiêu dùng.

Trên thực tế, Asanzo hiểu điều này. Họ đã cố tình sử dụng những cụm từ như "đỉnh cao công nghệ Nhật Bản" để làm thương hiệu cho sản phẩm.

Có thể nhận xét, Asanzo đã có bước tiến đi từ OEM đến OBM, nhưng cái sai là sau khi đã có đủ nguồn lực, có đủ tích lũy rồi mà lại không đầu tư phát triển tiếp ODM như cái mác họ gắn vào mình. Như vậy, thương hiệu chỉ có cái vỏ chứ không có cái ruột, khó có thể phát triển bền vững được.

Make in Việt Nam: Doanh nghiệp Việt phải tìm cách chinh phục được khâu nghiên cứu và thiết kế sản phẩm

Phát triển ODM cũng là bài toán mà Bộ TT&TT đặt ra cho doanh nghiệp công nghệ Việt - khẩu hiệu "Make in Vietnam" thể hiện khát vọng người Việt chủ động sáng tạo, nghiên cứu, thiết kế, và phát triển các sản phẩm công nghệ cao. Khi chinh phục được khâu ODM, doanh nghiệp Việt mới sẵn sàng đem thương hiệu của mình đi chinh phục thị trường toàn cầu.

Nhìn vào thực trạng ngành điện tử nước ta, có thể nói hầu như chưa có một OBM hay một ODM nổi bật nào trên thế giới. Tuy nhiên, một vài năm gần đây có nổi lên một vài doanh nghiệp dám vươn lên chinh phục "đường cong nụ cười", định hướng chiến lược đầu tư phát triển và trở thành những tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ, có thể kể tên như Viettel, BKAV và VinGroup...

Vsmart thuộc tập đoàn Vingroup mới ra mắt cũng phần nào đó giống như Asanzo - làm chủ khâu làm thương hiệu và các công đoạn thiết kế giá trị gia tăng cao. Tập đoàn cũng chú trọng đầu tư vào khâu nghiên cứu, thiết kế thông qua hình thức hợp tác và mua lại các công đoạn này của đối tác nước ngoài. Vsmart có một chiến lược rõ ràng đem công nghệ nước ngoài về Việt Nam để chính người Việt làm chủ.

Bphone của BKAV thì từ ngày mới ra mắt đã tự chủ được cả khâu nghiên cứu, thiết kế lẫn khâu làm thương hiệu và chỉ thuê ngoài khâu gia công.

Tất nhiên, hai thương hiệu trên còn đang rất vất vả trong cuộc chiến dành thị phần nhưng giống như mọi hành trình, nếu không có những bước đi đầu tiên, sẽ không bao giờ nhìn thấy được vạch đích. Vsmart và Bphone có thể nói là những người đang khai phá vùng đất mới, để đưa ngành công nghiệp điện tử Việt Nam lên vị thế cao hơn trên chuỗi giá trị toàn cầu, để đưa nhân lực Việt Nam thoát khỏi cảnh làm cho người khác hưởng. Vậy còn những doanh nghiệp khác thì sao, liệu có theo kịp tiếng gọi 'Make in Vietnam' không? Hay lại chỉ đầu tư chớp nhoáng qua việc làm thương hiệu như Asanzo?

Nguyễn Hoàng Phi

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.