Bkav và hành trình chinh phục chiếc điện thoại Việt
Chủ tịch Bkav Nguyễn Tử Quảng nói như vậy với các phóng viên vài ngày trước khi Bphone 3 ra mắt.
Những người được tiếp xúc trực tiếp nhận xét chưa từng thấy ai khát khao làm điện thoại, say mê khi nói về điện thoại như Nguyễn Tử Quảng. Những buổi trao đổi với phóng viên báo chí, chuyên gia, những người quan tâm về chiếc điện thoại Bphone có thể diễn ra xuyên trưa, xuyên tối, kéo dài từ chiều đến đêm. Dốc tâm sự về khát vọng làm điện thoại, ông cũng sẵn sàng dành hàng tiếng đồng hồ lắng nghe những phản hồi, đánh giá của người đối diện về sản phẩm.
Chen chân từ bảo mật sang điện thoại
Bkav khởi đầu từ một doanh nghiệp chuyên cung cấp các dịch vụ an ninh mạng từ năm 1995, với sản phẩm được hàng triệu người Việt Nam biết đến là phần mềm diệt virus Bkav.
Tại thị trường trong nước, Bkav chiếm ưu thế áp đảo so với các phần mềm diệt virus của nước ngoài, với 73,95% doanh nghiệp lựa chọn sử dụng. Đây là kết quả xếp hạng các thương hiệu phần mềm được doanh nghiệp ưa chuộng, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện. Bkav cũng là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam lọt danh sách các công ty hấp dẫn tại các thị trường mới nổi trên toàn cầu do Gartner, hãng tư vấn công nghệ thông tin hàng đầu thế giới công bố. Công ty đã thành lập Bkav Singapore và Bkav USA đặt tại Thung lũng Silicon (Mỹ).
Nhưng với bước ngang sang SmartHome (nhà ở thông minh), và mới đây là Bphone, tham vọng lớn của Bkav bộc lộ rõ ràng hơn: trở thành nhà sản xuất các thiết bị di động, thông minh hàng đầu không phải chỉ tại Việt Nam.
Bỏ gần 1000 tỷ đồng để làm Bphone
Kể về những ngày đầu bắt tay vào dự án Bphone, ông Nguyễn Tử Quảng cho biết: "Đó là vào năm 2009, khi cả thế giới bắt đầu có cơn sốt điện thoại iPhone, chúng tôi đã cùng nhau phân tích và đưa ra dự đoán rằng, chắc chắn smartphone sẽ là sản phẩm phổ biến trong tương lai, thay thế máy tính và các thiết bị khác, người dùng sẽ làm việc học tập trên smartphone. Vì thế chúng tôi quyết định sẽ tham gia nghiên cứu sản xuất smartphone".
Bphone trở thành bước thay đổi mạnh mẽ trong chiến lược phát triển của Bkav. Ảnh: Bkav |
Không kể lể chi tiết những khó khăn trong suốt 8 năm qua, CEO của Bkav cho biết cái khích lệ ông và cộng sự để kiên trì con đường này là khát vọng chứng minh Việt Nam có thể làm được smartphone không thua kém những nhà sản xuất thế giới. "Tôi tự hào là người Việt Nam, và tự hào bao nhiêu thì tôi càng muốn làm sản phẩm tương xứng với tình yêu đó. Những gì chúng tôi đã đầu tư cho Bphone có thể là nhiều nhưng vẫn là ít cho một khát vọng, cho sứ mệnh đem lại niềm tin cho mọi người. Chừng nào còn có thể thì chúng tôi còn làm".
Tính đến nay sắp tròn 10 năm, tổng số tiền mà Bkav đổ vào chiếc điện thoại mang thương hiệu Việt đã lên tới hơn 40 triệu đôla.
Để đi đến lễ công bố chiếc điện thoại đầu tiên năm 2015 là quá trình 5 năm nghiên cứu và phát triển. Dù khiến dư luận dậy sóng và được đánh giá là cú đột phá về công nghệ của ngành sản xuất Việt, Bkav thừa nhận sản phẩm chưa hoàn thiện như nhiều người nhận xét. Đó là lý do Tập đoàn dành đến hai năm để nghiên cứu, cải tiến cho chiếc điện thoại tiếp theo vào năm 2017. Và khi chiếc điện thoại thế hệ mới nhất ra mắt ngày 10/10/2018, vị CEO không giấu được sư nghẹn ngào trên sân khấu.
"Năm nay, tôi tin những tràng pháo tay là thật, khác với những tràng pháo tay hồi 2015", ông Nguyễn Tử Quảng nói đùa trong sự xúc động.
Không cần những lời đao to búa lớn với rất nhiều chữ "nhất" như năm 2015. Không cần câu slogan nổi tiếng "Không thể tin được". Chiếc Bphone thế hệ mới nhất vẫn khiến đám đông dưới khán phòng như bị mê hoặc với những tính năng vượt trội và mới mẻ. Sức hút tiếp tục được kiểm chứng sau đó khi hàng nghìn chiếc điện thoại được đặt mua ngay lập tức chỉ sau ít ngày. Hầu hết phản hồi của khách hàng đã mua và sử dụng trong tháng đầu tiên là tích cực.
CEO Nguyễn Tử Quảng trực tiếp có mặt tại buổi bán hàng Bphone 3 để tư vấn và trả lời những thắc mắc của khách hàng. Ảnh: Anh Vũ |
Bphone và lối đi riêng của Bkav
Bước chân đầu tiên của Bkav vào thị trường smartphone đã gặp trở ngại lớn, bởi không có chip thì không thể làm điện thoại. Tháng 9/2010, Bkav gặp gỡ đại diện Qualcomm đề nghị họ cung cấp bộ vi xử lý cho Bphone nhưng không được chấp thuận. Công ty cũng soạn email gửi cho nhiều hãng như Intel, MediaTek... đều có kết quả tương tự. Đơn vị duy nhất đồng ý cho Bkav dùng thử chip là Freescale thì lại không tương thích trên di động. Vì vậy, các kỹ sư của Bkav quyết định lấy chip vốn được thiết kế cho thiết bị công nghiệp để sử dụng cho điện thoại.
Không có kinh nghiệm về khung vỏ, nhưng Bkav vẫn quyết định mua máy CNC về tự mày mò nghiên cứu, thiết kế kiểu dáng. Vì hướng tới sản phẩm chất lượng cao, ngay từ đầu, Bkav đã tìm kiếm những đối tác từng làm việc cho Apple và Samsung. Có được thỏa thuận với đối tác uy tín đầu tiên, họ sẽ dùng hợp đồng đó để làm cơ sở đi đàm phán với những bên tiếp theo. Nhờ đó, Bkav xây dựng được mạng lưới hàng trăm đối tác đến từ Mỹ, Nhật, Đức... và chỉ 0,9% là từ Hong Kong và Trung Quốc cho những chi tiết không quan trọng.
CEO của Bkav chia sẻ nếu muốn đi nhanh và thành công sớm như những hãng điện thoại Trung Quốc, Bphone chỉ cần từ 2 cho đến 3 năm bỏ tiền mua phần mềm, thuê nhà xưởng. Không phải tốn đến 9 năm nghiên cứu và chi phí khổng lồ cho chiếc điện thoại này. Tuy vậy, điều Bkav mong muốn là chiếc smartphone hoàn toàn của người Việt.
Bkav muốn trở thành một Apple, Sam Sung của Việt Nam. Ảnh: Bkav |
Nhiều chuyên gia nhận xét điều khiến CEO Bkav cùng đội ngũ của mình trụ vững tới ngày hôm nay đó là khát vọng - trở thành nhà sản xuất smartphone hàng đầu như cách Samsung, Apple đã làm. Nhưng Bphone sẽ đi theo con đường của riêng đó là ngày càng gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong việc sản xuất một chiếc điện thoại.
"Chỉ khi người tiêu dùng Việt Nam tin chúng tôi, thì BKAV mới làm được. Còn sau này, khi đã chinh phục được người tiêu dùng rồi, Bphone sẽ mở rộng sang nhiều phân khúc khác. Tôi muốn mọi người Việt đều có thể tự hào khi cầm trên tay chiếc điện thoại của người Việt", vị CEO khẳng định.
Xem thêm |