|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Tổ chức ĐHĐCĐ mùa dịch: Doanh nghiệp có thể tính đến e-voting và e-meeting

06:45 | 14/03/2020
Chia sẻ
Đây là hai hình thức họp cổ đông trực tuyến có khả năng đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp trong hoàn cảnh việc tập trung sự kiện đông người được khuyến cáo hạn chế vì dịch COVID-19.
Tổ chức ĐHĐCĐ mùa dịch: Doanh nghiệp có thể tính đến e-voting và e-meeting - Ảnh 1.

Cách thức tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2020 trong mùa dịch đang là vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp phải tính toán kĩ lưỡng

Cao điểm mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) của các doanh nghiệp đại chúng Việt Nam thường rơi vào thời điểm cuối tháng 3, và tháng 4 hàng năm; nhưng năm nay hoạt động này có thể bị lùi lại do những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19.

CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (Mã: FRT), CTCP Đầu tư Thế giới Di động (Mã: MWG), CTCP Thế giới số (Mã: DGW), hay mới đây nhất là CTCP Chứng khoán SSI (Mã: SSI) cùng nhiều doanh nghiệp lớn đã chính thức công bố lùi thời gian tổ chức ĐHĐCĐ để đối phó dịch. Đây là động thái hợp lí và dần trở thành xu hướng khi mà khuyến cáo từ các tổ chức y tế đều cho rằng không nên tổ chức sự kiện tập trung đông người trong giai đoạn nhạy cảm này. 

Trong các văn bản xin hoãn tổ chức ĐHĐCĐ, doanh nghiệp đều cho biết sẽ tổ chức thực hiện trước ngày 30/6, thời gian tối đa theo qui định của Luật Doanh nghiệp 2014. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu diễn biến tiêu cực của COVID-19 kéo dài đến hết quí II hay thậm chí lâu hơn? Các công ty đòi hỏi sẽ phải sớm có biện pháp giải quyết vấn đề trên. 

Hiệp hội kinh doanh chứng khoán (VASB) đã gợi ý doanh nghiệp thực hiện lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, đây là cách thức được sử dụng khá thường xuyên với các phiên họp cổ đông bất thường để thông qua số lượng ít vấn đề. Tuy nhiên nhược điểm của cách thức này là không có phần tương tác giữa cổ đông và ban lãnh đạo công ty, điều mà được đa phần công chúng chờ đợi.

Ở phía cơ quan quản lí, mới đây Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - Trần Văn Dũng cho biết đã trình lãnh đạo Bộ Tài chính để đưa lên Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp nhằm triển khai ngay dịch vụ biểu quyết điện tử phục vụ ĐHĐCĐ của các công ty đại chúng/quĩ đầu tư chứng khoán thay thế cho việc biểu quyết trực tiếp tại ĐHĐCĐ truyền thống.

Theo ông Dũng, điều này hi vọng sẽ tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp trên sàn tổ chức thành công ĐHĐCĐ, đồng thời cũng sẽ giúp cho các cổ đông, đặc biệt là các cổ đông nước ngoài tại các vùng chịu tác động của dịch bệnh có khả năng tham gia và thể hiện quyền lợi của mình thông qua lá phiếu điện tử. 

Bỏ phiếu điện tử được chia làm hai hình thức e-voting và e-meeting. Với e-voting, cổ đông đưa ra ý kiến của mình là đồng ý hay không đồng ý với từng vấn đề của doanh nghiệp. Đây là dịch vụ đã được Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) cung cấp. 

Còn đối với e-meeting, hình thức này cho phép cổ đông có thể nêu ý kiến, quan điểm với doanh nghiệp và ngược lại ngay tại ĐHĐCĐ trực tuyến. Dịch vụ này được VSD cho biết sẽ sớm cung cấp trong thời gian tới khi có nhiều tổ chức phát hành/quĩ đầu tư có nhu cầu.

Trên thị trường chứng khoán, nhiều công ty hiện đã có qui mô cổ đông lên tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn cá nhân, tổ chức trong và ngoài ngoài nước. Nhiều ý kiến cho rằng việc tổ chức bỏ phiếu điện tử nếu thành công không chỉ có tác dụng trong mùa dịch mà còn có thể tiết kiệm chi phí tổ chức đại hội, chi phí quản lí, đi lại của các cổ đông ở nhiều tỉnh thành khác nhau… đáng kể. Thậm chí, việc tham gia dễ dàng của các cổ đông qua hình thức trực tuyến còn có thể giúp đại hội ghi nhận được tỉ lệ tham dự, tỉ lệ biểu quyết cao hơn, thu được kết quả mang tính đại chúng hơn.

Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, chưa nhiều doanh nghiệp áp dụng hình thức bỏ phiếu này. Chia sẻ với báo giới thời gian gần đây, ông Nguyễn Sơn - Chủ tịch VSD cho rằng có thể là do đặc thù quản trị của từng công ty nên tổ chức phát hành có tâm lí ngại thay đổi, vẫn muốn duy trì hình thức bỏ phiếu truyền thống. Vì nếu áp dụng e-voting, doanh nghiệp sẽ phải sửa đổi điều lệ công ty cho phép sử dụng hình thức bỏ phiếu này và bổ sung các quy định hướng dẫn liên quan.

Tổ chức ĐHĐCĐ mùa dịch: Doanh nghiệp có thể tính đến e-voting và e-meeting - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Sơn - Chủ tịch VSD

“Chỉ cần một mùa ĐHĐCĐ không thông qua, thì có khi doanh nghiệp phải đợi thêm cả năm nữa mới có thể áp dụng e-voting, bởi phải đợi kỳ ĐHCĐ kế tiếp thông qua. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp còn e ngại trình độ công nghệ của cổ đông còn chưa đồng đều, không phải nhà đầu tư nào cũng tiếp cận với những ứng dụng mới.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp có tâm lý không muốn bên thứ ba can thiệp vào việc tổ chức ĐHCĐ, nên chưa lựa chọn sử dụng dịch vụ bỏ phiếu điện tử do bên thứ ba cung cấp”, ông Sơn nói.

Theo quan điểm của Chủ tịch VSD, khi trình độ ứng dụng công nghệ ngày càng phát triển thì hình thức e-voting sẽ ngày càng được các doanh nghiệp lựa chọn áp dụng. Ở Việt Nam, triển khai việc này trước hết phụ thuộc vào các doanh nghiệp lớn. Và COVID-19 có thể sẽ là yếu tố vô tình thúc đẩy các doanh nghiệp tổ chức ĐHĐCĐ theo hình thức này. 

Bạch Mộc