|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Tín hiệu sống lại của ngành hàng không, dịch vụ, du lịch qua số liệu kinh doanh nửa đầu năm

10:15 | 24/08/2022
Chia sẻ
Cùng với sự sống lại của ngành hàng không, thể hiện qua sự tăng trưởng số lượng chuyến bay hay doanh thu so với cùng kỳ, các ngành dịch vụ du lịch và khách sạn cũng đồng loạt báo lãi nhờ vào nhu cầu di chuyển của người dân hồi phục sau những năm kìm hãm vì COVID-19.

Sau hai năm vật lộn với COVID-19, đến ngày 15/3, Chính phủ cho phép mở cửa du lịch và nối lại các đường bay quốc tế. Điều này khiến nhiều các công ty trong ngành du lịch gồm hàng không, khách sạn, cung cấp dịch vụ,… ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan hơn, nhất là trong quý II.

Theo thống kê của Tổng cục du lịch, trong 6 tháng đầu năm 2022, lượng khách du lịch nội địa đã đạt 60,8 triệu lượt người, đạt kế hoạch đề ra cho cả năm. Còn về thị trường khách quốc tế, 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đón hơn 602.000 lượt khách, tăng 6,8 lần so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt những tháng đầu năm có những dịp nghỉ lễ, ngành du lịch đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ. Nhiều trung tâm du lịch kín khách, công suất sử dụng phòng lưu trú đạt 90-95%.

Bức tranh kinh doanh các hãng hàng không đã tươi sáng hơn

Lượng khách du lịch tăng đột biến giúp doanh thu nhiều công ty trong ngành báo tăng trưởng so với cùng kỳ. Dễ thấy nhất là ngành hành không, bức tranh đã tươi sáng hơn nhiều trong vòng 3 năm gần đây.

 

Quý II vừa qua, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) ghi nhận doanh thu thuần đạt 18.323 tỷ đồng, cao gấp 2,8 lần cùng kỳ năm ngoái, tương ứng thu về trung bình 6.100 tỷ đồng mỗi tháng. Dù hãng hàng không này lỗ quý thứ 10 liên tiếp, nhưng doanh thu tăng đột biến so với mức thấp của cùng kỳ năm ngoái cũng là minh chứng cho sự hồi phục của ngành hàng không. 

Một ông lớn hàng không khác là CTCP Hàng không Vietjet (Mã: VJC) cho biết doanh thu thuần hợp nhất quý II đạt 11.590 tỷ đồng, tăng trưởng 227% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhân tố thúc đẩy chủ yếu là nhu cầu đi lại đang trên đà phục hồi mạnh, đặc biệt là các chặng nội địa tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2019 khi COVID chưa bùng phát. Trung bình mỗi tháng trong quý II, Vietjet đạt doanh thu gần 3.900 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, lượng khách du lịch nội địa đã đạt 60,8 triệu lượt người, đạt kế hoạch đề ra cho cả năm. Điều này giúp doanh thu của nhiều hãng hàng không tăng trưởng cao so với cùng kỳ. (Ảnh minh họa: Minh Hằng).

Còn lãnh đạo hãng Bamboo Airways cho biết hãng hàng không này vượt mốc doanh thu 1.000 tỷ đồng/tháng vào tháng 4 khi mới chớm hè. Sang các tháng 5, 6, 7 và dự kiến cả tháng 8, hãng bay mang thương hiệu cây tre này ghi nhận doanh thu gần 2.000 tỷ đồng/tháng. Tổng doanh thu nửa đầu năm nay của Bamboo Airwyays đạt hơn 7.000 tỷ, vượt khoảng 48% kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên trong số các hãng, Vietjet là hãng hàng không duy nhất kinh doanh có lãi trong quý II với 36 tỷ đồng. Lũy kế sáu tháng đầu năm, doanh thu vận tải hành khách của hãng đạt 14.696 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 76 tỷ đồng.

Một đơn vị có tiếng trong ngành dịch vụ lữ hành là Viettravel quý vừa rồi ghi nhận lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 48,9 tỷ đồng, tăng cao so với thời điểm trước dịch (quý II/2019) trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 29,5 đồng. Nhưng sau khi hợp nhất với các công ty con, công ty liên kết Vietravel lỗ hơn 6,9 tỷ đồng, chủ yếu đến từ mảng hàng không Vietravel Airlines khi doanh thu chưa đủ bù đắp chi phí.

Dịch vụ vận tải, khách sạn đồng loạt báo lãi

Khi dịch COVID-19 dần được kiểm soát, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải đường bộ cũng bắt đầu quay trở lại quỹ đạo. CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun - Mã: VNS), một trong những hãng taxi truyền thống có thị phần lớn nhất miền Nam -  tiếp tục ghi nhận quý thứ hai sau quý I/2022 có lãi, còn 8 quý liên tiếp trước đó đều thua lỗ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vinasun ghi nhận doanh thu thuần 411 tỷ đồng, tăng 10%. Công ty lãi ròng gần 69 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ hơn 95 tỷ đồng. Với hơn 69 tỷ đồng lãi sau thuế, VNS đã vượt gần 153% mục tiêu lợi nhuận đề ra cho năm 2022. 

Tàu cao tốc Superdong – Kiên Giang (Mã: SKG) là công ty vận tải du lịch biển đảo với 7 tuyến vận chuyển khai thác tại tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Thuận. Doanh nghiệp cho biết bước sang quý II, các hoạt động du lịch mở cửa trở lại nên tình hình kinh doanh trở nên khởi sắc hơn.

Cụ thể, các tuyến Hà Tiên – Phú Quốc tăng 236%, Rạch Giá – Phú Quốc tăng 84%, Rạch Giá – Nam Du tăng 89%, Rạch Giá – Lại Sơn tăng 145%, Phan Thiết – Phú Quý tăng 110% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tuyến Sóc Trăng – Côn Đảo vẫn chưa hoạt động hết công suất do hệ thống cầu cảng tại Công Đảo đang sửa chữa. Kết quả nửa đầu năm, công ty lãi 36 tỷ, gấp 4 lần cùng kỳ.

 Nhiều doanh nghiệp trong ngành dịch vụ báo doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng gấp nhiều lần so với cùng kỳ.

Một số doanh nghiệp trên sàn cũng có kết quả chuyển biến tích cực gấp nhiều lần cùng kỳ. Và cũng có nhiều doanh nghiệp chuyển từ lỗ cùng kỳ năm ngoái sang có lãi nửa đầu năm nay nhờ doanh thu tăng trưởng, bù đắp giá vốn.

Riêng CTCP Tập đoàn Khách sạn Đông Á (Mã: DAH) báo doanh thu giảm sút mạnh đến 95% so với cùng kỳ  về 6 tỷ đồng do không thúc đẩy được các dịch vụ chính là kinh doanh khách sạn. Thế nhưng nhờ đầu tư vốn nhàn rỗi vào trái phiếu khiến doanh nghiệp có lãi sau thuế 37 tỷ, gấp 23 lần cùng kỳ, Đông Á giải trình.

Minh Hằng