|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Bamboo Airways gần chạm 2.000 tỷ đồng doanh thu/tháng, các hãng khác đang ở đâu?

18:51 | 01/08/2022
Chia sẻ
Trong các tháng 5, 6 và 7, doanh thu của Bamboo Airways gần đạt ngưỡng 2.000 tỷ đồng mỗi tháng nhờ nhu cầu hồi phục. Các hãng hàng không còn lại cũng ghi nhận những tín hiệu khả quan.

Vietnam Airlines và Vietjet có đội tàu bay lớn hơn nên số chuyến khai thác cũng như quy mô doanh thu hiện đều lớn hơn Bamboo Airways. (Ảnh minh họa: Song Ngọc).

Ông Nguyễn Mạnh Quân, tân Tổng Giám đốc Bamboo Airways vừa cho biết hãng hàng không này vượt mốc doanh thu 1.000 tỷ đồng/tháng vào tháng 4 khi mới chớm hè. Sang các tháng 5, 6, 7 và dự kiến cả tháng 8, hãng bay mang thương hiệu cây tre này ghi nhận doanh thu gần 2.000 tỷ đồng/tháng, ông Quân cho hay.

Trước đó vào đầu tháng 7, một lãnh đạo khác của Bamboo Airways là Tổng Giám đốc Đặng Tất Thắng cho biết tổng doanh thu nửa đầu năm nay đạt hơn 7.000 tỷ, vượt khoảng 48% kế hoạch đề ra.

Ông Thắng khi đó còn cho biết load factor (hệ số tải, bằng số vé bán được chia cho tổng số ghế trên tàu bay) đạt hơn 80% với các chuyến bay nội địa và 65% với các chuyến quốc tế. Riêng tháng 6, hệ số tải với mạng bay nội địa và quốc tế lần lượt là 89% và 71%.

Ngày 29/7 vừa qua, ông Đặng Tất Thắng từ nhiệm và giao chức Tổng Giám đốc Bamboo Airways lại cho ông Nguyễn Mạnh Quân.

Các hãng hàng không khác cũng đưa ra những nhận định tích cực về hoạt động vận tải hành khách trong thời gian gần đây.

CTCP Hàng không Vietjet (Mã: VJC) cho biết doanh thu thuần hợp nhất quý II đạt 11.590 tỷ đồng, tăng trưởng 227% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhân tố thúc đẩy chủ yếu là nhu cầu đi lại đang trên đà phục hồi mạnh, đặc biệt là các chặng nội địa tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2019 khi COVID chưa bùng phát.

Trung bình mỗi tháng trong quý II, Vietjet đạt doanh thu gần 3.900 tỷ đồng.

Vietjet Air báo lãi sau thuế 181 tỷ đồng trong quý II/2022. (Ảnh minh họa: Song Ngọc).

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) báo cáo doanh thu thuần 18.324 tỷ đồng, cao gấp 2,8 lần quý II/2021 và tương ứng với trung bình 6.100 tỷ đồng mỗi tháng.

Doanh nghiệp này lỗ quý thứ 10 liên tiếp, nhưng cho rằng môi trường kinh doanh đã có một số tín hiệu khởi sắc.

Lần đầu tiên kể từ khi COVID-19 bùng phát, Vietnam Airlines ghi nhận có lãi trong nhiều ngày cao điểm hè tháng 7/2022. Mùa du lịch hè nội địa kéo dài đến tháng 8, các thị trường quốc tế tiếp tục nới lỏng nhập cảnh, nhu cầu du lịch phục hồi, vì vậy Vietnam Airlines kỳ vọng sẽ thu được dòng tiền lớn trong giai đoạn tới.

Doanh thu của Vietnam Airlines quay lại gần mức trước dịch COVID-19.

Theo ông Nguyễn Mạnh Quân, tỷ lệ lấp đầy (load factor) của Bamboo Airways tại các chặng quốc tế đường dài tới Anh, Australia, Đức đạt trung bình 70-74%.

Hãng dự định đưa đội máy bay lên con số 35 chiếc vào cuối năm nay, 42 chiếc năm 2023, và 100 chiếc năm 2028. Bamboo Airways cũng tiếp tục phủ rộng mạng bay quốc tế, với các đường bay đến Pháp, Italy, Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ... sắp tới.

Theo số liệu của airfleets.net, Bamboo Airways hiện nay đang khai thác 29 tàu bay. Trong khi đó, Vietjet có 77 chiếc và Vietnam Airlines có 96 chiếc.

Sự khác biệt về quy mô đội bay có thể phần nào giải thích cho chênh lệch về doanh thu đã nói ở trên. Số chuyến bay mà các hãng thực hiện cũng rất khác nhau.

Theo thống kê từ Cục Hàng không Việt Nam, trong nửa đầu năm nay, Vietnam Airlines thực hiện 54.700 chuyến bay và chiếm 38,2% thị phần toàn ngành, giảm nhẹ so với con số 39% của cả năm ngoái. Nếu gộp cả hai hãng thành viên là Pacific Airlines và Vasco thì Vietnam Airlines Group đang chiếm 46,1% thị phần.

Vietjet Air đứng ngay sau với 51.483 chuyến bay, tương đương 36% số chuyến toàn ngành. Biểu đồ bên dưới cho thấy Bamboo Airways xếp vị trí số 3 với hơn 23.600 chuyến trong 6 tháng.

Khi xét về tỷ lệ cất cánh đúng giờ, Bamboo Airways liên tục dẫn đầu trong các năm 2019, 2020, 2021 cũng như nửa đầu 2022.

Vietnam Airlines dẫn đầu về số chuyến, Bamboo Airways là số 1 về tỷ lệ cất cánh đúng giờ.

Cựu Tổng Giám đốc Đặng Tất Thắng cho biết Bamboo Airways sắp được chuyển giao cho nhà đầu tư mới, đồng thời tin tưởng vào người kế nhiệm Nguyễn Mạnh Quân.

Ông Thắng cho biết ông đã phải ba lần gặp, tâm sự mới thuyết phục được ông Quân gia nhập Bamboo Airways vào tháng 6/2020. Vị cựu CEO coi việc chiêu mộ ông Quân “có lẽ là một trong những quyết định đúng đắn nhất” của ông trong suốt 6 năm, từ khi ấp ủ Bamboo Airways như một dự án trên giấy cho tới nay.

Nói về nhà sáng lập và cựu Chủ tịch Bamboo Airways Trịnh Văn Quyết, ông Thắng cho rằng ông Quyết là một người sếp, người thầy, người anh của cá nhân mình, đồng thời là một “kỳ tài của đất nước”.

Từ trái qua phải: Ông Đặng Tất Thắng, ông Nguyễn Mạnh Quân và ông Trịnh Văn Quyết. (Ảnh: Bamboo Airways).

Ông Trịnh Văn Quyết đang bị tạm giam với cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán. Ông Đặng Tất Thắng mong muốn Đảng, Nhà nước và Chính phủ xem xét có cơ chế cho những người sai phạm về án kinh tế được khắc phục bằng kinh tế và có cơ hội tại ngoại để làm lại, tiếp tục cống hiến cho đất nước.

Bamboo Airways hiện có vốn điều lệ 18.500 tỷ đồng, tương đương với 1,85 tỷ cổ phiếu BAV. Ông Trịnh Văn Quyết từng có kế hoạch đưa Bamboo Airways lên niêm yết ở Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) nhưng chưa thành công.

Các cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines và VJC của Vietjet đã niêm yết ở HOSE trong nhiều năm qua. Như biểu đồ bên dưới cho thấy, VJC đi ngang trong khoảng ba tháng qua, còn HVN giảm sâu.

Giá VJC hiện nay tương đương mức đầu năm, HVN giảm đi đáng kể.

Đức Quyền