|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tìm hiểu hoạt động vận tải, hậu cần của Trung Quốc

21:21 | 09/10/2020
Chia sẻ
Kể từ khi thành lập Khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) vào năm 2002, thương mại giữa Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN đã phát triển nhanh chóng.

Theo Dự án Hỗ trợ Hợp tác Kinh tế Khu vực tại Châu Á (SRECA) thuộc Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), giai đoạn 2002 - 2018, Trung Quốc nhập khẩu các loại sản phẩm theo mã 08 HS (trái cây và các loại hạt ăn được; vỏ trái cây hoặc dưa) từ các nước thành viên ASEAN đã tăng hơn 16 lần, từ trên 216 triệu USD một chút lên đến gần 3,8 tỉ USD.

Vận chuyển hàng hóa bằng đường biển đến các cảng phía Đông lớn nhất Trung Quốc vẫn là phương thức vận chuyển phổ biến nhất của các nhà xuất khẩu trái cây tươi. 

Biên giới đất liền phía Nam và Tây Nam của Trung Quốc với Việt Nam, Lào và Myanmar cũng là điểm nhập khẩu cho một khối lượng lớn trái cây từ các nước này và các nước thành viên ASEAN khác.

Các lô hàng từ ASEAN nhập vào Trung Quốc được miễn thuế nhập khẩu nhưng vẫn phải chịu thuế VAT hoặc các loại thuế khác tùy thuộc vào cảng nhập và chế độ nhập khẩu.

Vận tải đường biển

Vận tải đường biển có chi phí tương đối thấp hơn so với các hình thức vận chuyển khác, và thường vào Trung Quốc thông qua các cảng gần chợ bán buôn, chợ tiêu dùng lớn nhất cho trái cây tươi.

Thâm Quyến, Thượng Hải và Thiên Tân là những điểm nhập khẩu phổ biến nhất cho hàng trái cây tươi đến bằng đường biển do rất nhiều các nhà nhập khẩu và phân phối hàng đầu đều hoạt động tại các thị trường bán buôn gần đó. Từ đây, sản phẩm có thể được bán và phân phối nhanh chóng tại địa phương, đến các vùng và các điểm tiêu thụ khắp Trung Quốc.

Nhược điểm lớn nhất của vận tải đường biển là thời gian vận chuyển có thể dài hơn đáng kể so với vận tải đường bộ. Ngoài ra, các lô hàng trái cây từ Đông Nam Á đến Trung Quốc bằng đường biển phải chịu thuế VAT 9% của Hải quan Trung Quốc. Mức thuế này cao hơn so với một số lô hàng nhập khẩu bằng đường bộ.

Thương mại tiểu ngạch tại Quảng Tây

Thương mại xuyên biên giới giữa Việt Nam và vùng Quảng Tây của Trung Quốc đã được thiết lập từ đầu những năm 1980 nhưng chỉ trở nên sôi động hơn khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ vào những năm 1990.

Sau khi thành lập Khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) vào đầu những năm 2000, thông thương giữa hai bên tiếp tục phát triển nhanh chóng.

Quảng Tây có một vị trí địa lí đặc biệt thuận lợi cho thương mại xuyên biên giới với các nước thành viên ASEAN: có biên giới trên đất liền dài với Việt Nam kéo dài 1.020 km, có 12 cảng nhập khẩu bao gồm cả cảng biển và đất liền, có 26 trung tâm hợp tác để cư dân biên giới thực hiện giao dịch với các đối tác phía Việt Nam.

Ngoài ra, mạng lưới đường cao tốc chạy qua Việt Nam tận biên giới Trung Quốc giúp cho việc vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan đến cảng nhập khẩu đường bộ tại Quảng Tây nhanh hơn nhiều so với vận tải đường biển.

Có bốn cửa khẩu tên đất liền của Quảng Tây được chỉ định để chuyên nhập khẩu trái cây tươi: Bằng Tường, Long Bang, Đông Hưng và Thủy Khẩu. Ngoài ra, trái cây tươi được phép nhập khẩu qua các cảng biển của Khu thương mại tự do Phòng Thành Cảng, Tần Châu, sân bay Quế Lâm. Bằng Tường là cảng quan trọng nhất ở Quảng Tây cho các lô hàng trái cây tươi. Có 4 điểm nhập khẩu thuộc quyền quản lí của cảng Bằng Tường:

Ga Bằng Tường

Thương mại thông thường (với qui mô rất nhỏ)

Nam Quan (Hữu nghị quan)

Thương mại thông thường

Pò Chài (Bồ Trại)

Thương mại biên giới qui mô nhỏ; Buôn bán tiểu ngạch

Nông Yao

Buôn bán tiểu ngạch

Trong khi một số cảng biên giới khác ở Quảng Tây chỉ được phép nhập khẩu trái cây Việt Nam thì các điểm nhập cảng ở Bằng Tường lại được phép nhập khẩu gần như tất cả  loại trái cây từ các nước thành viên ASEAN đã được chính thức cấp phép vào Trung Quốc.

Điều này khiến Bằng Tường trở thành một trong những cảng nhập cảnh quan trọng nhất cho các nước bán trái cây tươi của ASEAN. Các lô hàng nhập cảng vào Trung Quốc thông qua các điểm này thường theo một trong ba phương thức sau:

Các cơ chế nhập khẩu đường bộ thông dụng

Thương mại

thông thường

Thương mại biên giới

qui mô nhỏ

Buôn bán

tiểu ngạch

Các lô hàng do các nhà nhập

khẩu được cấp phép củaTrung Quốc làm thủ tục nhập khẩu. Trái cây tươi bị áp thuế VAT 9%, tương tự như với các lô hàng vào Trung Quốc qua đường biển theo phương thức thương mại thông thường.

Các lô hàng do các công ty có đăng kí chính thức tại khu vực biên giới nhập khẩu. Mức thuế VAT là 3%.

Công dân Trung Quốc sống gần biên giới được phép nhập khẩu hàng hóa miễn thuế VAT có trị giá đến 8.000 NDT (1.139 USD) mỗi ngày. Chính quyền địa phương thu phí thông quan từ 7.500 - 12.000 NDT (từ 1.068 - 1.709 USD) cho mỗi container. Hải quan Trung Quốc không thu phí này.

Thương mại thông thường là chế độ thương mại phổ biến nhất đối với hàng nhập khẩu tại tất cả cảng Trung Quốc. Tuy nhiên, các lô hàng sử dụng vận tải đường bộ và nhập cảnh theo chế độ thương mại biên giới thường có thời gian vận chuyển nhanh hơn và chi phí tổng thể có thể thấp hơn.

Ngoài ra, chuỗi cung ứng lạnh của các lô hàng vào Trung Quốc thông qua phương thức buôn bán tiểu ngạch với cư dân biên giới có nhiều khả năng bị phá vỡ, làm giảm giá trái cây nhập khẩu.

Cơ chế thương mại tiểu ngạch vốn được ban hành nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương và sinh kế của cư dân ở khu vực biên giới.

Trên thực tế, thương mại tiểu ngạch đã trở thành một kênh có khối lượng giao dịch lớn để tránh mức thuế VAT cao.

Hơn nữa, do Hải quan Trung Quốc không thu thuế thương mại tiểu ngạch nên tổng khối lượng và giá trị thương mại theo cơ chế này không được tính vào thống kê hải quan cấp quốc gia, vốn chỉ bao gồm thương mại thông thường, thương mại biên giới khối lượng nhỏ và các chế độ nhập khẩu khác.

Một số chuyên gia ước tính nhập khẩu trái cây tươi qua đường tiểu ngạch có thể cao hơn gấp 10 lần khối lượng nhập khẩu theo cơ chế thương mại biên giới qui mô nhỏ, hàm ý rằng số liệu thống kê quốc gia về thương mại biên giới thấp hơn nhiều so với khối lượng thương mại thực tế đối với một số sản phẩm.

Xe tải nhập cảnh Trung Quốc qua Hữu nghị quan

Xe tải nhập cảnh Trung Quốc qua Hữu nghị quan. Nguồn: Trung tâm WTO/Dự án Hỗ trợ Hợp tác Kinh tế Khu vực tại Châu Á (SRECA) thuộc Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ).

Thương mại biên giới tại Vân Nam 

Tại tỉnh Vân Nam, các cửa khẩu có khối lượng thương mại biên giới lớn đối với trái cây tươi bao gồm Hà Khẩu (Trung Quốc - Việt Nam), Ma Hàm (Trung Quốc - Lào) và Ruili (Trung Quốc - Myanmar).

Một cửa khẩu nhỏ, cửa khẩu Thiên Bảo cũng liên kết Trung Quốc với Việt Nam. Tuy nhiên lượng trái cây đi qua cửa khẩu này có xu hướng ít hơn trong những năm gần đây do đường cao tốc đến các khu vực khác của tỉnh Vân Nam và phần còn lại của Trung Quốc còn hạn chế.

Nhìn chung, các cửa khẩu ở vùng lân cận Quảng Tây có cơ sở hạ tầng phát triển hơn và có nhiều tuyến liên kết vận chuyển trực tiếp hơn giữa Việt Nam và Trung Quốc so với Hà Khẩu ở Vân Nam. Tuy nhiên, Hà Khẩu có thể thu hút một số giao dịch thương mại từ Quảng Tây bằng cách áp phí nhập khẩu thấp hơn chỉ 2.000 NDT cho mỗi container theo chế độ thương mại tiểu ngạch.

Mức phí này thấp hơn đáng kể so với mức phí từ 7.500 - 12.000 NDT tại cảng Bằng Tường của Quảng Tây. Song tiết kiệm được phí nhập khẩu tại Hà Khẩu thì lại phải chịu chi phí vận chuyển cao hơn đến các thị trường tiêu dùng hàng đầu tại các thành phố hạng nhất và hạng hai trên khắp Trung Quốc.

Cửa khẩu Ma Hàm thuộc khu tự trị Tây Song Bản Nạp (Xishuangbanna) tỉnh Vân Nam ở biên giới Trung Quốc - Lào là một phần của tuyến giao thương đường bộ được tổ chức khá tốt nối Thái Lan với Trung Quốc qua Lào.

Một lượng lớn long nhãn, sầu riêng và các loại trái cây tươi khác từ Thái Lan được nhập khẩu vào Trung Quốc qua tuyến đường này. Lào cũng chuyển một khối lượng chuối đáng kể qua Ma Hàm nhưng theo cơ chế thương mại khác với các chuyến hàng từ Thái Lan.

Tìm hiểu hoạt động vận tải, hậu cần của Trung Quốc - Ảnh 3.

Chuối Lào đã đóng gói để xuất khẩu sang Trung Quốc tại cửa khẩu Ma Hàm. Nguồn: Trung tâm WTO/Dự án Hỗ trợ Hợp tác Kinh tế Khu vực tại Châu Á (SRECA) thuộc Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ).

So với qui trình nhập khẩu trái cây từ Lào, qui trình vận chuyển trái cây bằng đường bộ từ Thái Lan sang Trung Quốc tương đối chuẩn hóa và hoàn thiện hơn. Tất cả trái cây Thái Lan được vận chuyển trong container lạnh và hàng loạt công ty hậu cần của Thái Lan và Trung Quốc phải cạnh tranh để cung cấp dịch vụ này.

Ngày càng nhiều công ty hoạt động ở cả Thái Lan và Trung Quốc hoặc có thỏa thuận chia sẻ container với đối tác ở nước kia, tức là container lạnh có thể được chuyển từ xe tải Thái Lan sang xe tải Trung Quốc ngay tại cửa khẩu Ma Hàm để tiếp tục vận chuyển đến điểm cuối cùng mà không phải phá vỡ chuỗi cung ứng lạnh khi phải dỡ toàn bộ lô hàng từ xe tải này sang xe tải khác.

Ngược lại, chuối Lào được chất lên xe tải không có khoang lạnh và khuân từ xe tải này sang xe tải khác tại trung tâm thương mại Ma Hàm, tương tự như cách nhập hàng tiểu ngạch tại cửa khẩu Bằng Tường của tỉnh Quảng Tây.

Phần lớn chuối Lào nhập khẩu vào Trung Quốc là do các công ty Trung Quốc trồng tại Lào. Tuy nhiên, với ,giá thấp 2,5 NDT/kg FOB đến Ma Hàm vào tháng 12/2019, chuối Lào không được xem là hàng cao cấp tại Trung Quốc.

Kênh xám

Khái niệm "kênh xám" thường được dùng để chỉ phương thức phân phối hàng hóa nằm ngoài các kênh được cấp phép hoặc phê duyệt chính thức.

Trong bối cảnh nhập khẩu vào Trung Quốc, kênh xám thường dùng để chỉ tình trạng buôn lậu hàng hóa bất hợp pháp qua biên giới Trung Quốc để tránh thuế nhập khẩu, thuế VAT, kiểm dịch thực vật hoặc các hạn chế khác.

Hong Kong, nhờ có tư cách là một cảng miễn phí, không đánh thuế đối với hàng hóa nhập khẩu cũng như có mối quan hệ địa lí, kinh tế và văn hóa chặt chẽ với Trung Quốc, từ lâu đã trở thành một trung tâm chính cho hàng hóa đi theo kênh xám.

Độ "khủng" của phương thức thương mại này có thể dễ dàng nhận thấy qua số liệu thống kê của Hải quan Hong Kong, theo đó khối lượng nhập khẩu lớn hơn nhiều so với mức tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất của Hong Kong.

Ngoài Hong Kong, thương mại kênh xám cũng diễn ra dọc theo đường biên giới phía nam Trung Quốc. Tuy nhiên, qui mô ở đây khó ước tính hơn.

Khi Trung Quốc ngày càng nghiêm khắc hơn trong việc xử lý tham nhũng và buôn lậu, mức độ rủi ro cho nhập khẩu kênh xám cũng tăng lên, thu giữ sản phẩm, phạt tiền, phạt tù đối với người nhập khẩu bất hợp pháp, gây tổn hại đến quan hệ thương mại với Hải quan Trung Quốc.

Các nhà xuất khẩu trái cây tươi sang Trung Quốc được khuyến nghị cân nhắc các hình phạt này và tránh giao dịch kênh xám càng nhiều càng tốt.

Ánh Dương