|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tiêu thụ thủy sản của Trung Quốc có thể giảm hơn 50% do dịch COVID-19

08:03 | 21/08/2020
Chia sẻ
Theo khảo sát của UndercurrentNews, 1/5 các nhà điều hành thủy sản Trung Quốc lo ngại tiêu thụ thủy sản của nước này có thể giảm hơn 50% sau hàng loạt tin cho rằng thủy sản nhập khẩu có liên quan đến dịch COVID-19.

Nếu những dự đoán trên trở thành hiện thực, tiêu thụ thủy sản toàn cầu có thể giảm đáng kể bởi qui mô dân số Trung Quốc lớn cũng như mức tiêu thụ thủy sản đầu người cao.   Tháng 6, dịch COVID-19 được phát hiện trên thớt chế biến cá hồi tại một chợ đầu mối ở Bắc Kinh.  

Tháng 7, các nhà chức trách Trung Quốc báo cáo rằng mẫu virus trên bao bì bên ngoài của tôm nhập khẩu từ Ecuador có kết quả dương tính với COVID-19.

Ngày 21/7,  một nhân viên của công ty chế biến và bảo quản lạnh Dalian Kaiyang Seafood có trụ sở tại Đại Liên được báo cáo là đã nhiễm COVID-19. 

Trong những ngày tiếp theo, 30 nhân viên khác cùng người thân của họ cũng có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.

Trong số 65 thành viên ngành thủy sản đã hoàn thành bài khảo sát trực tuyến của UndercurrentNews ngày 3/8, có 71% tin rằng người tiêu dùng Trung Quốc đang mất niềm tin vào thủy sản nhập khẩu khi nhiều báo cáo cho rằng dịch COVID-19 phần nào liên quan đến thủy sản nhập khẩu. 

44% số người tham gia khảo sát dự đoán tiêu thụ thủy sản của Trung Quốc sẽ giảm 20-50% so với năm 2019 trong khi 1/5 số người lại cho rằng mức giảm sẽ hơn 50%.

Để so sánh, không ai trong số các thành viên tham gia khảo sát cho rằng tiêu thụ thủy sản của Trung Quốc sẽ tăng. Chỉ 3% số người cho rằng mức tiêu thụ sẽ ngang bằng với năm 2019.

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc, Trung Quốc là nước tiêu thụ thủy sản lớn nhất thế giới. 

Trung bình một người Trung Quốc tiêu thụ 41kg thủy sản mỗi năm, nhiều hơn gấp 5 lần so với mức trung bình của người Mỹ, mặc dù nhiều người cho rằng những con số này đã bị thổi phồng.

Theo số liệu của hải quan Trung Quốc, nước này đã nhập khẩu thủy sản trị giá 15,5 tỉ USD vào năm 2019 và sản xuất khoảng 70 triệu tấn thủy sản mỗi năm, chủ yếu là thủy sản nuôi. 

Cuộc khảo sát cho thấy 30% các nhà điều hành được khảo sát xác định tôm thẻ chân trắng nhập khẩu là một trong những sản phẩm dự kiến sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch COVID-19 trong khi đó 24% các nhà điều hành khác xác định cá biển nhập khẩu, chẳng hạn như cá tuyết và cá hồi là các sản phẩm bị ảnh hưởng nhiều nhất. 

Ngược lại chỉ có 6% cho rằng các loài thủy sản nuôi trong nước bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Khi được hỏi về nguyên nhân của sự bùng phát dịch COVID-19 tại nhà máy chế biến thủy sản Đại Liên, 2/3 các nhà điều hành ngành được khảo sát cho rằng thủy sản nhập khẩu không phải là nguyên nhân. 

Trong khi đó số người tin rằng sự bùng phát ở Đại Liên là "do hải sản nhập khẩu bị ô nhiễm, lây truyền sang người" chiếm 1/3 số người tham gia khảo sát.

Tiêu thụ thủy sản của Trung Quốc có thể giảm hơn 50% do dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Nguồn: UndercurrentNews.

Ngược lại, 28% số người tham gia khảo sát cho rằng virus "có thể đến từ một nơi khác ở Trung Quốc, nơi các bệnh nhiễm trùng không triệu chứng vẫn chưa được phát hiện".

Sau đó, 34% cho rằng đợt bùng phát là do những người đi du lịch từ nước ngoài về đã truyền virus cho nhân viên của công ty Đại Liên trước khi họ được chẩn đoán.

Tuy nhiên các nhà điều hành thủy sản của Trung Quốc lại nghi ngờ về báo cáo virus COVID-19 có nguồn gốc từ chuỗi cung ứng nước ngoài.

17% đồng ý rằng “các công ty thủy sản ở các khu vực bị ảnh hưởng ở nước ngoài đã không đảm bảo sản xuất an toàn" trong khi 14% cho rằng thủy sản bị nhiễm virus trong quá trình chế biến.

 20% khác cho rằng thủy sản bị nhiễm virus trong quá trình vận chuyển, chẳng hạn như trong quá trình đóng gói xuất khẩu.

Để so sánh, 14% số người tham gia khảo sát cho rằng thủy sản nhập khẩu bị nhiễm virus ở chính Trung Quốc. 17% số người khác cho biết không thể xác định thủy sản bị nhiễm bệnh ở Trung Quốc hay nước ngoài do các bằng chứng khoa học còn hạn chế.

Các cơ quan chức năng của Trung Quốc đã vào cuộc điều tra về việc có hay không virus COVID-19 lây truyền từ thủy sản nhập khẩu sang người và cuộc điều tra đã trở thành tâm điểm nghi ngờ của truyền thông nước này.

Tuần trước, Wu Zunyou, người đứng đầu cơ quan dịch tễ học tại CDC trả lời phỏng vấn CCTV rằng đợt bùng phát ở Đại Liên "có nhiều khả năng do thủy sản nhập khẩu bị nhiễm bệnh" hơn là do lây truyền tại địa phương.

Một công ty nhập khẩu cá hồi lớn nhất Trung Quốc gần đây cho biết nhu cầu về cá hồi của người tiêu dùng nước này “đang ở mức thấp lịch sử”.

Dennis Cai, giám đốc điều hành công ty nhập khẩu và chế biến cá hồi Chuner Group ước tính nhập khẩu cá hồi tươi của Trung Quốc sẽ giảm ít nhất 40 nghìn tấn so với năm ngoái.

H.Mĩ