|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tiếp cận vốn ngân hàng: Còn nỗi lo rào cản 'cố hữu'

07:48 | 28/04/2018
Chia sẻ
Tài sản thế chấp không đủ điều kiện, chi phí lót tay, lãi cao, rồi sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp (DN)… vẫn là những rào cản “cố hữu” khiến DN phải xoay sở tìm nguồn vốn khác ngoài ngân hàng (NH).
tiep can von ngan hang con noi lo rao can co huu 6 điểm yếu cố hữu trong việc tiếp cận của các doanh nghiệp SME
tiep can von ngan hang con noi lo rao can co huu Nút thắt nào đang cản trở DN tư nhân tiếp cận vốn ngân hàng?
tiep can von ngan hang con noi lo rao can co huu
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành. Ảnh: TN

Top 30 thế giới về chỉ số tiếp cận tín dụng nhưng…

Theo đánh giá của NH Thế giới (WB), môi trường kinh doanh Việt Nam năm 2017 tăng 14 bậc, từ 82 lên 68.

“Chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam nằm trong top 30 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Và Việt Nam hiện cũng chỉ có 2 chỉ số nằm trong top này”, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thông tin.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương bình luận, rất hiếm có chỉ số nào của Việt Nam nằm trong top 40 của các nền kinh tế trên thế giới. So với năm 2017, chỉ số tiếp cận tín dụng đã tăng 5 điểm, cải thiện 3 bậc.

“Đây là kết quả của rất nhiều nỗ lực bền bỉ. Từ năm 2008 đến nay, chúng ta đã cải thiện liên tục, đặc biệt là những thay đổi tích cực trong khung khổ pháp lý liên quan đến việc mở rộng diện tài sản thế chấp và hoàn thiện hệ thống thông tin tín dụng”, ông Thành nhấn mạnh.

Số liệu thống kê của VCCI cho thấy, trong số hơn 500.000 DN hiện nay ở Việt Nam, 97% là nhóm DN nhỏ và vừa. Trong số này, có đến 85 - 90% là những DN nhỏ và siêu nhỏ. Nguồn vốn NH đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của DN nhỏ và vừa.

Nhìn rộng và sâu hơn, vẫn còn đó không ít nỗi trăn trở, lo âu và đằng sau là những vấn đề chính sách, thực thi.

“Chỉ nhìn thị trường tài chính vẫn có nhiều vấn đề như về quyền của người cho vay”, ông Thành phân tích, điểm số tiếp cận tín dụng 75 là khá tốt, vẫn còn xa so với chuẩn 100 điểm và thua nhiều thông lệ, chuẩn mực tốt (như Malaysia), nhất là tiêu chí về độ phủ thông tin tín dụng của các cơ quan chính thức chỉ đạt 19,7%.

Song song với đó là những rào cản “cố hữu” trong tiếp cận tín dụng ở Việt Nam. Tỷ lệ DN nhỏ và vừa coi tiếp cận tín dụng là trở ngại lớn nhất còn cao (trên 20%; cao hơn nhiều so với ở Malaysia 0,9%, Thái Lan 4,9%, Indonesia 6,3%).

Có hàng nghìn ha đất trồng trọt vẫn không vay được vốn

“Có DN nói với tôi rằng chúng tôi có hàng nghìn ha đất trồng trọt, sản xuất, nhưng quy định yêu cầu phải có nhà xưởng thế chấp để được vay vốn, chứ không thể thế chấp cánh đồng, cây cối”, Chủ tịch VCCI kể.

Nguyên nhân lớn nhất DN từng bị NH thương mại từ chối hoặc chỉ được giải ngân một phần là tài sản thế chấp không đủ điều kiện. Cơ cấu tài sản thế chấp được yêu cầu trong hồ sơ vay vẫn là đất, nhà (38,5%), máy móc thiết bị (26,5%).

“Chi phí lót tay, quà tặng, chi trả lãi cao cũng là rào cản tiếp cận vốn vay của DN, nhất là DN nhỏ và vừa. Quá trình xử lý các hồ sơ vay vẫn có sự phân biệt đối xử giữa DN nhỏ và vừa với các DN lớn, giữa các DN tư nhân và DN Nhà nước”, ông Thành nêu.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp Hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội còn chỉ ra, DN nhỏ và vừa khó tiếp cận được nguồn vốn tín dụng là do dễ bị tác động bởi sự thay đổi của thị trường, khả năng kinh doanh còn yếu kém.

“Các DN nhỏ và vừa vẫn còn rất hạn chế về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, kỹ năng quản trị và tiếp thị, thậm chí còn kinh doanh theo kinh nghiệm hay chụp giật", ông Quốc Anh nói.

Theo các chuyên gia, cần có những biện pháp tháo gỡ khung khổ pháp lý, ngành NH có biện pháp thúc đẩy cho DN, nhất là DN nhỏ và vừa vay vốn.“Làm thế nào để thay đổi phương thức cho vay để các nhà nông nghiệp có thể thế chấp vay vốn bằng chính mảnh đất của mình để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh”, ông Lộc đặt vấn đề.

Xoay quanh vấn đề này, TS Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NH Nhà nước cho biết, xu hướng đặt ra là tăng cường minh bạch hóa các chỉ số hành chính trong tiếp cận tín dụng của DN và NH, không chỉ riêng gì các DN IPO, DN lên sàn…

“Không phải là quan hệ như trước đây là một người cần đi vay và một người xem xét cho vay, mà nay là quan hệ bình đẳng giữa người cần cho vay và người xem xét để đến vay vốn”, TS Đào Minh Tú nhấn mạnh, hiện đã tạo dựng được một hành lang pháp lý để quan hệ tín dụng thực sự bình đẳng giữa DN và NH.

Cần đa dạng tài sản thế chấp

Cũng theo lãnh đạo NH Nhà nước, để tạo điều kiện cho DN tiếp cận vay vốn, sử dụng các dịch vụ, riêng năm 2016, 2017, ngành đã rà soát, đơn giản hóa, ban hành theo thẩm quyền các thông tư bãi bỏ 22 thủ tục hành chính, ban hành phương án sửa đổi 48 thủ tục hành chính, cắt giảm hơn 20% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, theo TS Võ Trí Thành, cần tập trung vào sự đa dạng của tài sản thế chấp, ngoài tài sản bất động, còn có tài sản động; mở rộng các công cụ định chế hỗ trợ; quan tâm đến hỗ trợ nông nghiệp và sáng tạo khởi nghiệp.

“Tôi cho rằng đây là một cái mới và tôi biết NH Nhà nước đang làm, hoạt động hỗ trợ tiếp cận tín dụng khu vực này cần được gia tăng”, ông Thành nhấn mạnh, cần thích ứng và bắt nhịp với xu thế mới, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cách nhìn về tiếp cận tín dụng cũng vậy.

Ở góc độ hiệp hội, ông Mạc Quốc Anh đề xuất, các tổ chức tín dụng tiếp tục rà soát để cải tiến, đơn giản hóa thủ tục vay vốn. “Chú trọng phát triển đa dạng các sản phẩm tín dụng đặc thù cho đối tượng DN nhỏ và vừa cũng như các sản phẩm về ngoại tệ, các công cụ phòng ngừa rủi ro lãi suất và tỷ giá nhằm giúp DN chủ động về vốn, tăng cường khả năng phòng ngừa rủi ro", ông Quốc Anh đề xuất.

Còn với DN, theo các chuyên gia, phải chuyển động, cơ cấu lại hoạt động, quản trị, nâng cao khả năng tài chính, minh bạch, tạo dựng niềm tin để các tổ chức tín dụng yên tâm cấp tín dụng.

Thảo Nguyên