|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Năng lượng sạch hút vốn ngân hàng

07:18 | 20/11/2018
Chia sẻ
Ngoài việc cung cấp nguồn vốn trung dài hạn để hỗ trợ các chủ dự án thì việc tư vấn an toàn kỹ thuật, theo các quy định của nhà tài trợ, hỗ trợ cung cấp chương trình tài chính cacbon, các chương trình đào tạo, bảo lãnh khoản vay… là một số công cụ có thể
nang luong sach hut von ngan hang [Phần 2] Kẻ thắng, người thua trong cuộc chiến năng lượng sạch

Phát triển bền vững với tăng trưởng xanh đang trở thành xu hướng phát triển chung của các quốc gia trên thế giới, bởi tăng trưởng xanh có thể giải quyết đồng thời những vấn đề giữa tăng trưởng và môi trường - xã hội, đảm bảo phát triển kinh tế song hành cùng bảo vệ môi trường - xã hội. Việt Nam cũng không nằm ngoài làn sóng này. Đơn cử cùng với Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030 với mục tiêu: Đạt tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo (không bao gồm nguồn thuỷ điện lớn, vừa và thuỷ điện tích năng) khoảng 7% vào năm 2020 và trên 10% vào năm 2030.

nang luong sach hut von ngan hang

Nhiều NH đã và đang rót vốn cho dự án năng lượng sạch/năng lượng tái tạo

Nắm bắt xu thế này, các ngân hàng cũng đang mạnh tay rót vốn cho các dự án năng lượng sạch/năng lượng tái tạo. Theo đó, Vietcombank vừa rót vốn tài trợ 785 tỷ đồng cho dự án nhà máy điện mặt trời BP Solar 1 tại Ninh Thuận; Agribank cũng tài trợ 950 tỷ đồng cho dự án điện mặt trời Long Thành (Đắk Lắk); VietinBank cấp tín dụng 1.000 tỷ đồng cho việc thực hiện dự án Nhà máy Điện mặt trời TTC số 1 (huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh).

Hay như mới đây, HDBank đã triển khai chương trình tài trợ dự án điện mặt trời kéo dài đến năm 2020 với quy mô khoảng 7.000 tỷ đồng. Theo đó, ngân hàng này ưu tiên các dự án trong quy hoạch phát triển điện mặt trời đã được phê duyệt bổ sung vào dự án điện quốc gia đến năm 2020, đặc biệt ưu tiên các dự án có khả năng đấu nối trước ngày 30/6/2019. Riêng các dự án tại Ninh Thuận, HDBank sẽ ưu tiên cho vay các dự án có công suất thiết kế lớn (2.000MW) đã được Chính phủ chấp thuận triển khai và có khả năng đấu nối trước ngày 31/12/2020.

Đặc biệt SHB còn được Tạp chí ABF trao giải thưởng “Ngân hàng tài trợ dự án tốt nhất 2018” với việc cho vay lại hai dự án: Dự án “Lưới điện thông minh - Hiệu quả trong truyền tải điện” (giai đoạn 1) trị giá 65 triệu EUR và Dự án “Lưới điện hiệu quả tại các thành phố nhỏ và vừa” (giai đoạn 1 và 2) trị giá 350 triệu EUR do Chính phủ Đức tài trợ thông qua Ngân hàng Tái thiết Đức.

Trao đổi với phóng viên, đại diện SHB chia sẻ: Hệ thống tài chính – ngân hàng với vai trò cung ứng vốn cho các chủ thể trong nền kinh tế sẽ tạo ra những tác động gián tiếp đến môi trường. Khi ngân hàng tăng cường quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cho vay sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất theo hướng sạch hơn. “SHB đã và đang triển khai, phát triển các sản phẩm/công nghệ liên quan đến sự bền vững để đáp ứng yêu cầu của khách hàng, quản lý khách hàng từ xa. Đồng thời nâng cao quản trị nguồn nhân lực và giảm thiểu tác động môi trường thông qua chuỗi giá trị để giảm các chi phí và tăng giá trị sản phẩm; các hoạt động vận hành phát triển bên vững; quản trị rủi ro như rủi ro hoạt động, rủi ro chính sách...”, vị này cho hay.

Một lợi ích khác không thể phủ nhận của ngân hàng xanh đối với khách hàng chính là việc được hưởng các mức lãi suất ưu đãi trong thời gian được tài trợ vốn. “Nếu không có hỗ trợ lãi suất, các khách hàng sẽ chưa có nhu cầu sử dụng sản phẩm tín dụng xanh của ngân hàng. Bởi các dự án chương trình tín dụng xanh rất cần Chính phủ và NHNN hỗ trợ gói lãi suất ưu đãi, với gói lãi suất ưu đãi thì các dự án này khi vay vốn mới tiết kiệm được chi phí và hoạt động tài chính hiệu quả hơn”, đại diện SHB nêu quan điểm.

Tất nhiên, ở khía cạnh khác, các dự án kinh doanh tham gia chính sách phải đáp ứng được các điều kiện khắt khe đối với bảo vệ môi trường và phải chấp nhận các thủ tục vay vốn khá phức tạp. Rủi ro môi trường - xã hội liên quan tới hoạt động tín dụng/đầu tư của TCTD phụ thuộc vào các yếu tố như điều kiện môi trường xã hội cụ thể liên quan tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng; lĩnh vực hoạt động của khách hàng, điều kiện địa lý và các yếu tố khác. Như vậy, việc các TCTD quản lý rủi ro này thế nào sẽ phụ thuộc vào mức độ rủi ro xác định được, hình thức tài trợ tín dụng và khả năng TCTD có thể yêu cầu các biện pháp giảm nhẹ từ phía khách hàng.

Trong cuốn sổ tay Hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đối với một số ngành sản xuất và kinh doanh do NHNN phối hợp với IFC ban hành cũng nhấn mạnh về bộ công cụ đánh giá rủi ro môi trường xã hội là một phần không thể thiếu trong quy trình thẩm định rủi ro của TCTD. Theo đó, với việc ra quyết định tín dụng, các TCTD sẽ thường bổ sung trong hợp đồng vay vốn: trách nhiệm và cam kết của khách hàng trong việc cải thiện quản lý rủi ro môi trường xã hội, một kế hoạch hành động và thời gian biểu để giảm thiểu rủi ro trước hoặc sau khi giải ngân khoản vay, những hành động của TCTD để giới hạn trách nhiệm liên quan tới môi trường xã hội do các giao dịch gây ra.

Đại diện một nhà băng nhận định, ngoài việc cung cấp nguồn vốn trung dài hạn để hỗ trợ các chủ dự án thì việc tư vấn an toàn kỹ thuật, theo các quy định của nhà tài trợ, hỗ trợ cung cấp chương trình tài chính cacbon, các chương trình đào tạo, bảo lãnh khoản vay… là một số công cụ có thể giúp nâng cao tính khả thi của việc tài trợ cho các lĩnh vực xanh và phát triển bền vững.

Xem thêm

Minh Khôi