|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tiếng nói từ nghị trường về dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông

10:07 | 04/11/2019
Chia sẻ
Dự án tiến độ "rùa” này là một ví dụ điển hình được nhiều đại biểu Quốc hội thảo luận về tình trạng đội vốn và gây lãng phí thời gian qua.

Dự án đường sắt trên cao Cát Linh- Hà Đông (Hà Nội) đội vốn “khủng” và liên tục chậm tiến độ, lỡ hẹn đến cả chục lần, nhưng đến nay vẫn chưa rõ ngày “cán đích”. Mới đây, đơn vị tổng thầu đề xuất mốc thời gian hoàn thành công tác nghiệm thu, chuyển giao dự án vào cuối tháng 12 tới, nhưng Bộ GT-VT cho rằng việc này không khả thi. 

Tại kỳ họp thứ 8 đang diễn ra, “Dự án tiến độ rùa” này là một ví dụ điển hình được nhiều đại biểu Quốc hội  thảo luận về tình trạng đội vốn và gây lãng phí thời gian qua.

Tiếng nói từ nghị trường về dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông - Ảnh 1.

Đường sắt Cát Linh- Hà Đông dự án "rùa", dự báo mỗi năm bù lỗ 14,5 tỷ đồng.

Được kỳ vọng giải quyết đáng kể tình trạng ùn tắc giao thông trên nhiều tuyến phố của Hà Nội, thế nhưng gần 10 năm qua kể từ khi khởi công, dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông vẫn chưa thể vận hành. Mục tiêu ban đầu là năm 2015, công trình sẽ được khai thác chính thức. 

Thế nhưng, dự án này liên tiếp phải điều chỉnh tiến độ tới cả chục lần, với mốc thời gian vận hành lần lượt được dời sang năm 2016, 2017, 2018. Hoàn thành đến 99% hạng mục và dự kiến vận hành trong tháng 4/2019, tuy nhiên đến nay dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông tiếp tục trễ hẹn.

Thất vọng về một “dự án tiến độ rùa” giữa lòng Thủ đô, đại biểu Quốc hội Sùng Thìn Cò, đoàn Hà Giang, Phó Tư lệnh Quân khu 2 “xót xa” khi thấy người dân Thủ đô gần chục năm ròng rã phải chấp nhận một thực tế là tình trạng giao thông tắc nghẽn hơn khi có một đại công trường trên nhiều tuyến phố nơi dự án đi qua. 

“Chúng tôi mong muốn Đảng, Nhà nước, cơ quan chức năng và thành phố Hà Nội phải vào cuộc quyết liệt, phải làm rõ trách nhiệm và sớm đưa dự án vào khai thác sử dụng để đồng bào Thủ đô và cả nước tin tưởng. Một dự án nằm giữa trung tâm Thủ đô mà để kéo dài như thế thì rất ảnh hưởng đến tư tưởng của người dân” .

Không chỉ chậm tiến độ, dự án đường sắt trên cao Cát Linh Hà Đông còn là một điển hình về tình trạng “đội vốn khủng”. Kiểm toán Nhà nước cho biết, Bộ GT-VT đã lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 8.769 tỷ đồng lên trên 18 nghìn tỷ đồng, tăng tương đương 205%. 

Ông Nguyễn Quang Khai, nguyên Đại sứ Việt Nam tại các nước Trung Đông dẫn chứng dự án đường sắt của Ethiopia do nhà thầu Trung Quốc thi công có chiều dài của cả hai tuyến là 31,6 km. Thời gian xây dựng 3 năm và tổng vốn 475 triệu đô la Mỹ. Còn dự án đường sắt Cát Linh Hà Đông chỉ bằng 1/3 chiều dài nhưng có thời gian xây dựng gấp 3 lần và đội vốn lên gấp 4 lần.

Kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cho rằng, vẫn còn một số vấn đề về kỹ thuật, đăng kiểm, nghiệm thu và bàn giao chưa thống nhất giữa chủ đầu tư Bộ GT-VT và tổng thầu của dự án, nên tiến độ bàn giao, vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông liên tục bị chậm so với cam kết của chủ đầu tư và tổng thầu.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội, đây là dự án điển hình với các cơ sở pháp lý, thiết kế dự án chưa rõ ràng đã làm tăng vốn của dự án, đồng thời không có ràng buộc chặt chẽ để nhà thầu thực hiện các yêu cầu của nhà đầu tư?. 

“Chúng ta biết rằng hiện nay 99% hạng mục đầu tư của dự án đã hoàn thành nhưng khâu mấu chốt nhất là những vấn đề liên quan đến kiểm định về an toàn. Nếu kiểm định an toàn không được xác nhận thì dự án vẫn treo đấy. 

Theo báo cáo mới nhất của Bộ GT-VT đây là vấn đề tồn tại do nhà thầu Trung Quốc chưa cung cấp được các văn bản chứng chỉ chứng nhận về sự an toàn, từ toa xe đến các hạng mục công trình. Chính vì thế cơ quan kiểm định an toàn quốc tế mà chúng ta thuê chưa thể đưa ra chứng nhận do kiểm định.”

Báo cáo kiểm toán cũng cho thấy, quyết định điều chỉnh tăng vốn dự án vào tháng 2/2016, Bộ GT-VT không báo cáo Thủ tướng để trình Quốc hội thông qua chủ trương là chưa thực hiện đúng nghị quyết 49 của Quốc hội, trái với quy định của Luật đầu tư công. 

Đồng thời đã tiến hành phê duyệt đấu thầu, trúng thấu trước khi được Chính phủ cho phép sử dụng nguồn vốn vay Trung Quốc để thanh toán cho gói thầu này. 

Hệ quả là đã lựa chọn nhà thầu thiếu kinh nghiệm, năng lực kém, làm đội vốn, chậm tiến độ. Đáng lưu ý là chủ đầu tư chưa chứng minh được hiệu quả kinh tế xã hội khi tăng vốn dự án, dẫn tới chi phí lãi vay của dự án lên tới 2 tỷ đồng mỗi ngày.

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, thành phố Hà Nội sẽ phải phải bù lỗ 14,5 tỷ đồng mỗi năm khi vận hành công trình này. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai, đoàn Tiền Giang cho rằng: “Báo chí đã nói nhiều và dư luận rất bức xúc. 

Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với Bộ GT-VT, truy trách nhiệm đến cùng từng vấn đề một, chậm tiến độ do đâu, ai chịu trách nhiệm. Tôi thấy Thủ tướng rất quyết liệt vấn đề này vì không chỉ chậm tiến độ mà còn đội vốn lên rất nhiều.”

Giờ đây, vấn đề được các đại biểu Quốc hội và người dân quan tâm nhiều hơn là độ an toàn khi công trình được vận hành. Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ vừa diễn ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ GT-VT phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét đưa vào sử dụng nếu bảo đảm tuyệt đối an toàn. Những sai phạm phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật... 

Dư luận cử tri cả nước đang trông chờ sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo Bộ GT-VT giai đoạn này.

Văn Hải

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.