|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tiền mua 11 tỷ kit xét nghiệm COVID đem lại cú hích 26 tỷ USD cho nền kinh tế Trung Quốc

06:30 | 15/06/2022
Chia sẻ
Các nhà nghiên cứu ước tính, chi phí để xét nghiệm COVID-19 ở Trung Quốc trong quý II bằng GDP cả năm của một số quốc gia nhỏ. Qua đó có thể thấy, chiến lược Zero COVID vẫn có thể tạo ra cú hích cho nền kinh tế tỷ dân.

Dân Bắc Kinh xếp hàng để xét nghiệm COVID-19 hôm 13/6. (Ảnh: Reuters).

Lợi ích bất ngờ

Giới phân tích ước tính chi phí cho các chiến dịch xét nghiệm COVID-19 từ tháng 4 đến tháng 6 của Trung Quốc còn lớn hơn GDP cả năm của những nước như Iceland và Campuchia. Khoản chi này sẽ đem lại cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cú hích quan trọng.

Trong lưu ý ngày 12/6, các nhà nghiên cứu của công ty chứng khoán Trung Quốc Soochow Securities ước tính Trung Quốc sẽ sử dụng 10,8 tỷ kit xét nghiệm COVID-19 trong quý II năm nay. Chi phí tổng cộng cho số kit này lên tới 174,6 tỷ nhân dân tệ (tương đương 26 tỷ USD).

Soochow dự đoán rằng khoản chi lớn sẽ giúp nâng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc lên thêm 0,62 điểm % trong quý II. Đồng thời, việc này cũng giúp bù đắp tác động của chi tiêu hộ gia đình sụt giảm tới GDP hàng quý.

Các nhà nghiên cứu chỉ ra: “Kể từ đầu tháng 6, chúng tôi đã nhấn mạnh rằng chúng ta có thể lạc quan hơn về tăng trưởng kinh tế quý II của Trung Quốc”.

Nghiên cứu của Soocow dẫn ra một loạt yếu tố tích cực như cuộc thanh tra của giới chức trung ương đối với tình hình kinh tế các tỉnh thành, sự phục hồi mạnh mẽ của xuất khẩu trong tháng 5 và sự linh động của các biện pháp chống dịch tại cấp địa phương. 

Các nhà nghiên cứu chỉ ra thêm: “Điều quan trọng khác cần nhắc đến là cú hích tới GDP từ chi tiêu chính phủ thông qua việc triển khai xét nghiệm COVID-19 hàng loạt trong quý II”. 

Ước tính của Soochow được công bố giữa lúc Trung Quốc nổ ra tranh luận về ưu và nhược điểm của việc dựa vào chiến dịch xét nghiệm thường xuyên và trên quy mô lớn để bảo vệ 1,4 tỷ dân khỏi biến thể Omicron. Và trên thực tế, việc kiên quyết gắn với chính sách Zero COVID đã tạo ra thiệt hại không nhỏ tới kinh tế Trung Quốc trong những tháng gần đây.

Hiện giờ, một số chuyên gia nhận định rằng các cơ sở xét nghiệm hàng loạt thường xuyên – bao gồm các quầy và bộ kit xét nghiệm – đã trở thành một kiểu cơ sở hạ tầng mới ở Trung Quốc. Các quan chức chính phủ cũng nhắm đến việc thành lập mạng lưới xét nghiệm rộng lớn tại các thành phố lớn.

Số khác thì lo ngại về nguy cơ hình thành các nhóm lợi ích bao gồm các nhà cung cấp kit xét nghiệm. Họ cũng sợ rằng khoản chi lớn cho kit test sẽ đặt ra áp lực quá nặng nề lên chính quyền địa phương hoặc quỹ bảo hiểm y tế quốc gia.

Gánh nặng đặt lên vai ai?

Cuối tháng 5, Cục An ninh Y tế Quốc gia Trung Quốc tuyên bố chính quyền các tỉnh, thành nên chi trả cho mọi chương trình xét nghiệm COVID-19 bằng nguồn tiền địa phương, thay vì quỹ bảo hiểm sức khỏe cơ bản.

Và tuần trước, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc nhấn mạnh rằng việc xét nghiệm “không nên trở thành lệ thường” tại những khu vực không phát sinh ca nhiễm gần đây và  những nơi không có rủi ro gặp ca nhiễm nhập khẩu.

Tuy nhiên tháng vừa rồi, ủy ban y tế lại đặt mục tiêu có ít nhất một quầy xét nghiệm trong bán kính 15 phút đi bộ tại mọi thành phố lớn.

Tuần trước, các nhà phân tích thuộc ngân hàng Nomura đã hạ dự báo tăng trưởng GDP quý II của Trung Quốc từ 1,8% xuống 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Các lý do được nêu ra bao gồm sự ngần ngại của Bắc Kinh trong việc chuyển hướng khỏi chiến lược Zero COVID, gánh nặng của việc xét nghiệm virus thường xuyên, sự sụt giảm rõ rệt của ngành bất động sản và nguy cơ xuất khẩu giảm tốc.

Từ giữa tháng 5, các nhà kinh tế tại Standard Chartered đã ước tính rằng chỉ riêng việc xét nghiệm COVID-19 cũng có thể chiếm hơn 0,7% GDP danh nghĩa của Trung Quốc năm 2022. 

Trong lưu ý cuối tuần trước, các nhà nghiên cứu tại Soochow Securities nói rằng cú thúc tiềm năng tới GDP đến từ xét nghiệm hàng loạt tương tự như tác động của chi tiêu chống COVID-19 lên tăng trưởng kinh tế Trung Quốc hồi quý I/2020. Tuy nhiên, GDP quý I/2020 của Trung Quốc vẫn giảm 6,8% so với năm trước đó, đánh dấu quý tăng trưởng âm đầu tiên kể từ năm 1976.

Trong bối cảnh làn sóng dịch bệnh bắt đầu dịu đi, Soochow ước tính số kit test COVID-19 Trung Quốc sử dụng sẽ giảm xuống còn 2,4 tỷ trong tháng 6, thấp hơn hẳn con số 3,8 tỷ hồi tháng 3 và 4,6 tỷ tháng 4.

Gần đây, khá nhiều tỉnh ở Trung Quốc đã nới lỏng hoặc dỡ bỏ yêu cầu cung cấp kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính. Nhưng Bắc Kinh và Thượng Hải vẫn nối lại việc xét nghiệm hàng loạt tại một số quận sau khi phát hiện ổ dịch mới trong cộng đồng.

Giang

Dragon Capital: Tiến trình nâng hạng, triển khai KRX sẽ thu hút thêm sự quan tâm của NĐT chứng khoán
Theo Dragon Capital, dù các yếu tố bên ngoài vẫn tiềm ẩn rủi ro nhưng các động lực tăng trưởng nội tại của Việt Nam và nỗ lực hiện đại hóa của Chính phủ lại cho thấy triển vọng thị trường chứng khoán tích cực.