Tiền mặt đang trở lại
Độ mở của chứng khoán Việt Nam với bên ngoài đã rất rộng. Ngay sau đó, khi đợt bán tháo qua đi, VN-Index dần phục hồi, ông đã dần dần bán hết danh mục đầu tư, chỉ giữ tiền mặt và gửi tiết kiệm. Ông nói: “Bản thân tôi bị thử thách mạnh trong thời điểm cuối tháng 3 đầu tháng 4-2018 khi VN-Index lên 1.200 điểm. Nhưng cuối cùng tôi vẫn quyết định đứng ngoài thị trường. Đến giờ, tôi thấy quyết định của mình không sai”.
Quyết định giữ tiền mặt (cash out) của nhà đầu tư trên đang ngày càng tỏ ra là phương án tối ưu so với sở hữu cổ phiếu. Đến nay, lượng tiền nắm giữ của các quỹ nội địa bắt đầu tăng lên. Tính đến ngày 31-10-2018 tỷ lệ tiền nắm giữ của VFMVF1 là 24,2%; của VFF là 38%. VFF thậm chí chỉ còn 0,9% cổ phiếu trong danh mục. VCBF-TBF cũng đã nâng tỷ trọng tiền mặt lên 29,5% danh mục, trong khi tỷ lệ tiền của ENF là 36,7%.
Các quỹ đầu tư nội thường chỉ sở hữu những cổ phiếu cơ bản và có thanh khoản cao như ngân hàng, VNM, FPT, HPG, VIC. Rất ít quỹ chạy theo xu hướng thị trường, chẳng hạn giải ngân vào cổ phiếu thủy sản, dệt may thời gian qua. Khẩu vị rủi ro của họ khác xa nhà đầu tư cá nhân và dường như một số quỹ ngày càng “bảo thủ” hơn trong chọn lựa cổ phiếu. Dẫu vậy, việc nâng tỷ lệ nắm giữ tiền mặt là dấu hiệu của sự thận trọng trước biến động thị trường.
Không hẹn mà gặp. Ngân hàng Đầu tư Goldman Sachs ngày 20-11-2018 vừa công bố đánh giá nhận định thị trường chứng khoán Mỹ năm 2019. Ngân hàng này không còn cảm thấy tự tin về một thị trường giá lên nữa và cảnh báo khách hàng là các quỹ tương hỗ, các quỹ hưu trí nên gia tăng nắm giữ tiền mặt. Theo Goldman Sachs, lần đầu tiên trong nhiều năm trở lại đây tiền mặt được nhìn nhận là thứ tài sản đầy cạnh tranh so với cổ phiếu. Với các nhà đầu tư khác, Goldman Sachs cho rằng họ chỉ nên mua các cổ phiếu thuộc các lĩnh vực phòng thủ và những cổ phiếu có thể lấn lướt sự e ngại về suy thoái kinh tế đang dần lan rộng. Một điều đáng ngại khác của thị trường là việc Mỹ có thể áp thuế 25% lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Nếu mức thuế 25% được áp dụng cho toàn bộ hàng Trung Quốc, thì tác động lên lợi nhuận của các cổ phiếu sẽ lớn và điều này có thể loại trừ mọi sự tăng trưởng lợi nhuận năm tới.
Hai ngày đầu tuần này, thị trường thế giới chứng kiến sự lao dốc thảm hại của giá dầu thô, giá cao su thiên nhiên và hàng hóa nông sản, sự bán tháo các cổ phiếu công nghệ bùng phát và Dow Jones rớt gần 1.000 điểm cả thảy. Tại thị trường Việt Nam, chứng khoán cơ sở có nhịp phục hồi từ vùng đáy quanh 900 điểm, nhưng chứng khoán phái sinh lại thể hiện rõ tâm lý bi quan khi khối lượng hợp đồng giao dịch trong ngày giảm về tầm 100.000 đơn vị và mức chiết khấu của các hợp đồng luôn thấp hơn gần 10 điểm so với VN30. Từ nhiều tháng nay diễn biến trên thị trường phái sinh thường phản ánh chính xác biến động của VN-Index và mức chiết khấu cao bất thường đầu tuần này là không thể bỏ qua.
Có lẽ đã đến thời điểm nhà đầu tư, nếu còn ở trong thị trường, cân nhắc thiết lập một danh mục các cổ phiếu phòng thủ như hàng hóa tiêu dùng, dược phẩm, điện, nước, xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là các sân bay, bến cảng, cầu đường... Khác với các nền kinh tế khác nơi sự tăng trưởng dựa chủ yếu vào sức mua và tiêu dùng nội địa, sự tăng trưởng GDP hàng năm của Việt Nam có sự đóng góp lớn của xây dựng cơ sở hạ tầng và xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, xuất nhập khẩu không phải là nhóm cổ phiếu chủ đạo trên thị trường chứng khoán. Bất động sản và ngân hàng mới là nhóm cổ phiếu áp đảo trên sàn.
Nhóm cổ phiếu điện, cả thủy điện và nhiệt điện, hầu hết đều có tăng trưởng lợi nhuận ở mức hai con số trong bốn quí gần nhất và trả cổ tức tiền mặt đều đặn hàng năm. Nhóm này từ đầu năm đến nay không nhận được mối quan tâm của nhà đầu tư và thị giá của chúng đang thấp hơn tương đối so với giá trị thực. Các doanh nghiệp điện niêm yết cũng ít tăng vốn, nên độ pha loãng cổ phiếu rất thấp. Trong khi đó, dòng tiền vẫn còn tập trung vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất chấp sự tăng vốn nhằm pha loãng giá trị cổ phiếu vừa qua. Dòng tiền chỉ rời khỏi cổ phiếu ngân hàng khi vấn đề chất lượng tài sản theo chu kỳ quay trở lại. Những tín hiệu về chất lượng tài sản đang hiện ra thông qua sự gia tăng số tuyệt đối nợ xấu mới, nhất là nợ nhóm 5 của một số ngân hàng gần đây. Những ngân hàng mua mạnh trái phiếu doanh nghiệp (như Techcombank) càng nên được đánh giá cẩn trọng.