'Thủy sản Việt Nam sẽ không còn lợi thế độc tôn tại khu vực châu Mỹ'
Theo Bộ Công Thương, sau hơn ba năm thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), xuất khẩu thủy sản sang khối này đã chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của thủy sản của Việt Nam trong những năm qua.
Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết tính đến nay, thị phần của thủy sản Việt Nam tại một số thị trường trong khối CPTPP đã có những thay đổi rất rõ ràng. Đặc biệt, những thị trường ở khối Mỹ La tinh.
“Trước khi có Hiệp định CPTPP, Canada chiếm 2,7% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam, đến thời điểm này, Canada đã chiếm 3,7%. Tỷ trọng của Mexico đã tăng từ 1% lên 1,3 % và tỷ trọng của Australia trong khối CPTPP cũng tăng từ 2,7% lên 3,2%”, bà Lê Hằng dẫn chứng.
Đại diện VASEP cho biết thêm so với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), CPTPP được các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam tận dụng nhiều hơn cả.
Thực tế ở thị trường EU, các doanh nghiệp vẫn vướng phải những rào cản như thẻ vàng, IUU... trong khi CPTPP hoàn toàn rộng mở với doanh nghiệp thủy sản Việt Nam.
Ví dụ như thị trường Mexico ở khu vực Nam Mỹ là thị trường nhập khẩu cá tra số ba của Việt Nam sau Trung Quốc và Mỹ.
“Trong bối cảnh biến động tiền tệ, tiền tệ của Mexico khá là ổn định, những biến động kinh tế ít tác động đến thị trường này hơn so với các thị trường khác. Vì vậy, đây là thị trường tiềm năng đối với thủy sản Việt Nam không chỉ bây giờ và cả những cái năm tới”, bà Lê Hằng cho biết.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho rằng với CPTPP, Việt Nam đang có nhiều lợi thế xuất khẩu sang châu Mỹ so với nhiều quốc gia châu Á chưa có FTA. Tuy nhiên, các nước vẫn tiếp tục đàm phán FTA với ASEAN.
Ví dụ, sắp tới, FTA Canada - ASEAN sẽ được tái khởi động và hàng Việt sẽ không còn lợi thế độc tôn tại khu vực này. Chưa kể, một số nước cũng đang có kế hoạch tham gia CPTPP.
“Lợi thế FTA vẫn đang là một trong những ưu điểm của Việt Nam ở thị trường Bắc Mỹ, nhưng điều đó sẽ không kéo quá dài. Vì thế, các doanh nghiệp Việt phải nhanh chân tận dụng CPTPP một cách tối ưu nhất”, bà Trang nói.
Bên cạnh tiềm năng, lợi thế, Hiệp định CPTPP cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các doanh nghiệp thủy sản, cả về hàng rào kỹ thuật hay tiêu chuẩn chất lượng, về quy tắc xuất xứ. Tuy nhiên theo bà Lê Hằng đây không phải là thách thức lớn với doanh nghiệp bởi thủy sản đã chinh phục được những thị trường khó tính như là Mỹ, EU, Nhật Bản, Australia.
Khó khăn thực sự trong CPTPP là các điều khoản liên quan đến lao động, môi trường và phát triển bền vững, thẻ vàng IUU…
“Đối tác CPTPP là Nhật Bản cũng bắt đầu áp dụng những quy định xuất xứ đối với một số loài thủy sản khai thác, sau này có thể là những thị trường khác tiếp theo nối quy định. Do đó, doanh nghiệp phải quan tâm và có những điều chỉnh cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong CPTPP”, bà Lê Hằng lưu ý.