Thương mại điện tử đang ‘bóp nghẹt’ các trung tâm mua sắm tại Trung Quốc
Giống như ở nhiều quốc gia khác, các trung tâm thương mại tại Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn do làn sóng mua sắm online do Alibaba và các tập đoàn Internet khác dẫn dắt.
Bức tranh ảm đạm của các trung tâm mua sắm
Khách hàng tại Saite Shopping Center, một trung tâm mua sắm mở cửa vào năm 1992, đón tháng 6 với một biển quảng cáo "sale dọn kho" đến cuối tháng.
Saite là liên doanh giữa một đối tác địa phương và Yaohan, hãng bán lẻ Nhật Bản đã phá sản vào năm 1997.
Ngay cả khi Yaohan rút khỏi thương vụ vào năm 1994, những cửa hàng của liên doanh vẫn phát triển và cung cấp cho thị trường nhiều mặt hàng từ các thương hiệu nước ngoài vốn rất khó mua ở Trung Quốc thời điểm đó.
Saite Shopping Center trong đợt sale dọn kho của mình. (Ảnh: Nikkei)
Thế nhưng khi sự cạnh tranh nóng lên, lượng khách hàng và doanh số bắt đầu giảm khiến công ty vận hành trung tâm hiện tại, Wangfujing Group, quyết định từ bỏ.
Wangfujing Group sẽ bán Saite cho một công ty bất động sản để tìm sự hợp tác cùng một đối tác vận hành khác, theo Nikkei.
Tianqiao Department Store là một cái tên khác cho thấy sự khốc liệt trong lĩnh vực thung tâm thương mại tại Trung Quốc. Tòa án đang rao báo nó để thanh toán các khoản nợ ngân hàng.
Bắt đầu hoạt động vào năm 1953, Tianqiao Department Store trở thành công ty cổ phần đầu tiên tại Trung Quốc năm 1984. Với số tiền tối thiểu 65 triệu USD, nhiều nhà đầu tư đang ngần ngại với quyết định mua Tianqiao Department Store.
Thay đổi hay chết
Một số trung tâm thương mại khác vẫn đang tiếp tục nỗ lực cạnh tranh. Ito-Yokado, hãng bán lẻ Nhật Bản từng mở cửa hàng đầu tiên tại Bắc Kinh vào năm 1998, đang định hình lại toàn bộ chiến lược kinh doanh tại Trung Quốc.
"Chúng tôi sẽ không thể đánh bại các đối thủ thương mại điện tử nếu vẫn vận hành các cửa hàng chỉ bán hàng hóa", một nhân sự cấp cao nói. "Chúng tôi cần biến cửa hàng thành nơi khách hàng có thể tận hưởng các hoạt động khác bên cạnh việc mua sắm."
Sau khi mở thành công 9 cửa hàng ở thủ đô, Ito-Yokado bắt đầu gặp khó khăn và phải đóng toàn bộ chi nhánh, trừ một cửa hàng vào năm 2017. Số lượng khách hàng giảm xuống còn khoảng từ 5.000 đến 6.000 khách một ngày, 60% trong số này ở độ tuổi 40 đến 50.
Để xoay chuyển tình hình, nhà bán lẻ này đang biến cửa hàng thành một nơi giải trí thay vì một cửa hàng truyền thống với các khu vực như đồ uống hay gym. 480 ghế nghỉ chân cũng được lắp đặt trong trung tâm thương mại để cải thiện trải nghiệm mua sắm khách hàng.
Những định hướng mới này có thể làm giảm diện tích mặt sàn của Ito-Yokado tới 40% nhưng lượng khách hàng lại tăng gấp đôi.
Điều quan trọng là Ito-Yokado đang thu hút tệp người dùng trẻ hơn với 65% khách hàng thuộc độ tuổi từ 20 đến 30 tuổi. Doanh số bán hàng của Ito-Yokado cũng tăng 10%.
Mặc dù tình hình hiện tại đang cải thiện, bức tranh tổng thể lại khá u ám: Một nửa trong số 20.000 khách tới trung tâm thương mại mỗi ngày không mua hàng.
"Chúng tôi cần nỗ lực hơn nữa để khách hàng bước vào các cửa hàng", một người đại diện của Ito-Yokado nói.
Việc Ito-Yokado có thể chặn tình trạng "chảy máu" do các đối thủ thương mại điện tử gây ra hay không sẽ quyết định số phận của nhiều trung tâm thương mại và bán lẻ truyền thống tại quốc gia tỉ dân.