Mặt trái thương mại điện tử: Càng mua online, càng làm hại môi trường
Nguồn: dailydot.com
Khi bàn đến tác động xấu của thương mại điện tử (TMĐT) tới môi trường, ta thường nghĩ ngay đến khâu giao hàng vì liên quan đến xe cộ chạy trên đường và khí thải.
Tuy nhiên, khâu đóng gói cũng góp phần gây ô nhiễm vì gói hàng thông thường bao gồm hộp cactông, bao bì nilông và màng xốp hơi (bubble wrap). Những thứ này sẽ thành rác thải sau khi người dùng nhận hàng và mở ra sử dụng.
Mua càng nhiều càng hại môi trường
Trước hết, thử nhìn lại vì sao nói mua hàng qua mạng thì tốt cho môi trường hơn mỗi người tự mình mua sắm tại các cửa tiệm trong đời thực?
Theo phân tích trong nghiên cứu tác động môi trường của TMĐT ở Mỹ do Trung tâm nghiên cứu vận tải và hậu cần thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), để mua một món hàng thường có (nhưng không nhất thiết phải đủ) ba khâu: tìm hàng - mua hàng - trả hàng.
Với mua hàng "offline", chúng ta có thể sẽ phải di chuyển nhiều lần, ghé nhiều tiệm khác nhau tìm sản phẩm, ngắm nghía, so sánh giá cả rồi mới quyết định mua.
Mang về lỡ hư hỏng hay không thích lại phải mang đổi trả. Mỗi lần di chuyển là một lần làm tăng khí thải xe máy hay xe hơi vào không khí. Mua hàng trực tuyến sẽ giải quyết các khâu trên mà ta không phải đi đâu cả, nghĩa là phát thải khí thải bằng "zero".
Tuy nhiên, nghiên cứu nói trên nhấn mạnh "các ưu điểm bảo vệ môi trường từ việc ngồi nhà mua sắm dần dần bị xói mòn khi chúng ta mua hàng nhiều hơn".
Nguyên nhân là vì trước đây, khi chưa có TMĐT, ta không thể mua sắm nhiều vì phụ thuộc vào việc các cửa hàng nơi ta sống có gì thì mua đó. Nếu có đi mua chỗ khác thì cũng ít khi đi quá xa nơi mình đang ở.
Giờ thì ta có thể ngồi nhà và mua hàng từ khắp thế giới. Ngoài sự tiện lợi, hậu quả của việc này là gì? Theo trang Vox, nhiều đơn hàng được vận chuyển đồng nghĩa với nhiều xe giao hàng phải di chuyển trên đường, điều này lại đồng nghĩa với khả năng tăng kẹt xe, tăng tiếng ồn và tăng ô nhiễm.
Vẫn theo Vox, từ năm 2016, giao thông vận tải đã thay thế các nhà máy sản xuất để trở thành nguồn phát thải CO2 nhiều nhất ở Mỹ.
Gần 1/4 "dấu chân carbon" của ngành vận tải là do xe tải hạng vừa và hạng nặng - vốn tham gia chính vào khâu giao hàng chặng cuối (từ kho của nhà bán hàng đến tay người dùng) ở Mỹ - gây ra. Trong trường hợp Việt Nam là xe máy và độ ô nhiễm thì khỏi phải bàn.
Theo tác giả Elizabeth Segran trên trang Fast Company, món hàng ta mua qua mạng dù được "vận chuyển miễn phí" nhưng thật ra chúng mang một chi phí vô hình: tác hại môi trường.
Nếu ngày xưa xe tải chỉ chở hàng từ cảng, kho hàng đến trung tâm mua sắm hay các cửa hàng rồi thôi thì ngày nay chúng phải đi thêm các đoạn đường xa hơn đưa hàng đến tay người mua.
"Chúng ta đã đổi việc tự mình lái xe hơi (ít ô nhiễm hơn) đến các trung tâm thương mại để mua sắm thành việc ngồi chờ xe tải và các phương tiện khác chạy đến khu phố của mình và dừng trước cửa nhà mình" - Segran viết.
Tác động xấu đến môi trường của mua hàng trực tuyến không chỉ ở số lượng đơn hàng, mà là ở thời gian giao hàng.
Người mua ngày nay thích nhận hàng càng sớm càng tốt và các trang TMĐT cũng luôn có các gói giao hàng nhanh, chẳng hạn nhận ngay trong ngày hoặc sau 1-2 ngày, để chiều lòng thượng đế.
"Khách muốn nhanh thì "sẽ có nhiều xe giao hàng hơn, di chuyển nhiều hơn và có thể sẽ có nhiều khí thải hơn" - Vox dẫn lời chuyên gia nghiên cứu vận tải bền vững Miguel Jaller, hiện là phó giáo sư Đại học California.
Từ góc nhìn người trong cuộc, Patrick Browne, giám đốc phụ trách bền vững toàn cầu Công ty giao nhận UPS, khẳng định thời gian xe giao hàng di chuyển trên đường có liên hệ trực tiếp với các ảnh hưởng lên môi trường.
"Tôi không cho rằng người tiêu dùng hiểu tác hại lên môi trường của việc nhận hàng sau một hoặc hai ngày - Browne nói với Vox - Quý vị càng cho đơn vị giao nhận (như UPS) càng nhiều thời gian thì càng tốt cho môi trường".
Tác giả Madeline Barone trên trang The Rising ngày 19-7 cũng chỉ ra một bất tiện khác: do mua sắm trên Internet quá dễ dàng và một số trang có thu phí trọn gói một lần để được giao hàng miễn phí cho mọi đơn hàng, nhiều người có thói quen mua lẻ tẻ từng món, thay vì gom lại mua một lần.
Giả sử bạn mua 3 quyển sách bằng 3 đơn hàng khác nhau sẽ tốn gấp 3 lần lượt vận chuyển thay vì gom lại mua chung 1 đơn.
Lãng phí tài nguyên vì bao bì
Đó là về vận chuyển hậu cần giao nhận, còn bao bì thì sao? Đài CNN ngày 16-7 dẫn số liệu từ trang phân tích Fastmarkets cho biết mua sắm trực tuyến tốn lượng giấy cactông nhiều gấp 7 lần so với việc người mua tự đến cửa hàng. Chỉ riêng ở Bắc Mỹ năm 2018, ngành TMĐT đã sử dụng 1,3 triệu tấn giấy cactông.
Lượng tiêu thụ hộp cactông càng nhiều cũng có nghĩa phải khai thác nhiều hơn nguyên liệu thô để làm ra giấy cactông: cây xanh. Theo Fast Company, khoảng 165 tỉ gói hàng được vận chuyển ở Mỹ mỗi năm sử dụng số lượng giấy cactông tương đương hơn 1 tỉ cây xanh.
Thói quen mua lẻ tẻ, mỗi đơn hàng chỉ có một món cũng gây lãng phí giấy để làm hộp cactông.
Ngoài ra, người bán cũng luôn muốn hàng đến tay người mua trong tình trạng hoàn hảo nhất, sinh ra hiện tượng "đóng gói quá kỹ", hàng được quấn hai ba lớp giấy và bao nilông, chèn thêm màng xốp hơi rồi mới cho vào hộp.
Tạp chí Forbes dẫn thông tin từ ANAMA, dịch vụ kiểm định đóng gói hàng hóa ở Mỹ, cho biết mỗi gói hàng trên quá trình giao nhận sẽ bị đánh rơi 17 lần, vì thế người bán luôn cẩn thận, gói ghém thật kỹ. "Điều này hiệu quả nhưng lãng phí" - Forbes bình luận.
Lãng phí bao bì còn đến từ việc những món hàng nhỏ thường được cho vào hộp lớn hơn mức cần thiết và "lấp đầy" khoảng trống bằng nilông, mút xốp.
Đài ABC 7 vào tháng 5-2019 thí nghiệm đặt hàng và quan sát cách các sản phẩm kích thước nhỏ được đóng gói. Kết quả cho thấy một hộp dao cạo râu nhỏ được đựng trong hộp to quá khổ, còn một vỉ pin tiểu được chứa trong hộp cỡ vừa nhưng chèn đầy nilông hay màng xốp.
Các trang TMĐT ý thức rằng họ có thể thay đổi để mua sắm online vẫn tiện dụng cho người dùng và ít tổn hại cho môi trường. Chẳng hạn Amazon đang tìm cách để việc đóng gói hàng không lãng phí thùng cactông và chuyển sang dùng 100% bao bì có thể tái chế được.
Các nhà bán lẻ trực tuyến cũng có thể thêm hình thức để khuyến khích khách hàng chịu khó chờ giao hàng chậm nhưng ít hại môi trường, thay vì đẩy mạnh quảng bá hình thức giao hàng ngay và luôn để cạnh tranh với nhau.
Các nhà sản xuất cũng có thể phối hợp với bên bán lẻ để hàng hóa của họ được vận chuyển cho người mua qua mạng bằng chính hộp đựng gốc, thay vì phải thêm một lớp đóng gói của nhà bán lẻ trực tuyến.
Chẳng hạn hàng điện tử của nhà sản xuất luôn có sẵn bao bì và các lớp bảo vệ khi vận chuyển cần thiết, bên bán lẻ chỉ cần dán chồng nhãn thông tin lên là cho đi giao, thay vì phải bỏ vào hộp mới.
Về phía người tiêu dùng, có thể cân nhắc thay đổi thói quen mua sắm, chấp nhận giảm sự tiện lợi vốn có của việc mua qua mạng nhưng lại giúp ích cho môi trường.
Không cần chờ đến khi hàng mua qua mạng được giao bằng xe chạy bằng điện hay thiết bị bay không người lái - vốn ít ô nhiễm hơn xe tải và xe máy, ta có thể biến việc mua sắm online "xanh hơn" so với tự chạy xe ra cửa hàng bằng 3 việc đơn giản sau: lên kế hoạch kỹ và gom nhiều món lại mua trong một đơn hàng; tránh chọn giao hàng nhanh, ngay cả khi miễn phí và cuối cùng là mua sắm ít đi.
Trong bài viết trên trang Environmental Defense Fund ngày 16-7, tác giả Aileen Nowlan cho biết để dễ hình dung tác động của việc mua hàng qua mạng với ô nhiễm không khí vì khí thải xe tải, có thể áp dụng công thức đơn giản hóa như sau:
Mỗi đơn hàng được đặt, hàng sẽ được đóng gói trong kho và chuyển đi giao bằng xe tải. "Thử nhân quy trình này với 1,92 tỉ lần - số người dự kiến mua thứ gì đó trên mạng trong năm nay và hình dung xem cần bao nhiêu xe và lượt vận tải để giao hết số hàng trên?" - tác giả đặt vấn đề.
Mới đây, vào dịp Prime Day - đợt mua sắm siêu giảm giá lớn nhất trong năm của gã khổng lồ bán lẻ Amazon, đã có 100 triệu người dùng đặt mua trên 175 triệu món hàng, theo số liệu của trang Inc.com.
Tác động môi trường của đợt đại mua sắm trực tuyến này chắc chắn không nhỏ.