|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thương lái Việt Nam hạ giá tiêu, Campuchia muốn tìm kiếm khách mua trực tiếp

17:34 | 09/06/2022
Chia sẻ
Chủ tịch Liên đoàn Hồ tiêu và Gia vị Campuchia cho rằng giá tiêu nước này giảm giữa vụ thu hoạch do thương lái Việt Nam hạ giá. Doanh nghiệp, nông dân nước này muốn tìm kiếm các nhà xuất khẩu để mua tiêu trực tiếp từ người trồng.

Theo thương vụ Việt Nam tại Campuchia, 4 tháng đầu năm, Campuchia đã xuất khẩu 3.834 tấn hạt tiêu, tăng 79% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Việt Nam là nước nhập khẩu hạt tiêu lớn nhất của Campuchia với 3.540 tấn, tương đương 92%.

Tiêu ở Campuchia được thu hoạch bằng hình thức thủ công từ tháng 1 - 5, trước khi có gió mùa Tây Nam kéo theo mùa mưa từ giữa tháng 5. 

Tại thời điểm này, ông Mak Ny, Chủ tịch Liên đoàn Hồ tiêu và Gia vị Campuchia (CPSF) cho biết đến thời điểm này, nước này đã thu hoạch được 60-70% sản lượng. Nông dân ở một số khu vực vẫn chưa hoàn thành vụ thu hoạch do mưa lớn và thiếu lao động.

Trong mùa thu hoạch cao điểm, giá tiêu giảm xuống trung bình 13.000 riel (3,2 USD)/kg, từ mức 16.000 riel hồi tháng 1.

Trước việc giá tiêu giảm, Chủ tịch Liên đoàn Hồ tiêu và Gia vị Campuchia cho rằng nguyên nhân là thương lái Việt Nam hạ giá. Vì vậy, Liên đoàn đang liên kết các nông dân lại với nhau và tìm kiếm các nhà xuất khẩu để mua tiêu trực tiếp từ người trồng, mà không cần phải phụ thuộc vào các thương lái Việt Nam.

Ở phía Việt Nam, Hiệp hội Hồ tiêu (VPA) cho biết trong tháng 5,  giới đầu cơ liên tục bán ra, trong khi nhu cầu của thị trường nước ngoài vào thời điểm này không cao khiến giá tiêu đen cũng giảm khoảng 7 - 8%, dao động trong khoảng 70.000 - 73.000 đồng/kg.

Hiện vẫn đang là thời điểm giao nhận hàng đã ký từ năm ngoái nên khách hàng nước ngoài chưa ký hợp đồng mới. Điều đó dẫn đến việc các nhà xuất khẩu của Việt Nam không mua hàng tích trữ khiến giá hạt tiêu giảm. 

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định việc giá hạt tiêu tăng trở lại hay không sẽ phụ thuộc nhiều vào nhu cầu thu mua của thị trường Trung Quốc. Song chính sách Zero COVID và căng thẳng chính trị Nga – Ukraine tiếp tục khiến nhu cầu tiêu thụ toàn cầu giảm.

Hoàng Anh