|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Dư lượng thuốc BVTV ngáng đường xuất khẩu tiêu sang EU

17:43 | 13/05/2022
Chia sẻ
EVFTA đã mở ra cơ hội cho hồ tiêu Việt Nam khi cả lượng, kim ngạch xuất khẩu sang EU đều tăng mạnh. Tuy nhiên, ngành tiêu cần giảm lượng tồn dư thuốc BVTV theo quy định để giữ vững thị phần ở thị trường tiềm năng này.

Theo Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm, xuất khẩu hạt tiêu sang EU đạt 14 nghìn tấn, tương đương 73 triệu USD, tăng 16% về lượng và tăng 65% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Đáng chú ý, Đức và Hà Lan là hai thị trường nhập khẩu tiêu nhiều nhất trong khối EU, chiếm lần lượt 34% và 25% trong tổng lượng nhập khẩu.

(Số liệu: Tổng cục Hải quan, Biểu đồ: Hoàng Anh) 

Trước đó, năm 2021 xuất khẩu hạt tiêu sang EU đạt 130,5 triệu USD, tăng 47% so với năm 2020. Thị phần hạt tiêu của Việt Nam chiếm 29,75% trong tổng giá trị nhập khẩu của EU, cao hơn so với 25,98% trong năm 2020.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo trong năm 2022, nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu của EU tăng và lợi thế của hiệp định EVFTA sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hạt tiêu Việt Nam gia tăng thị phần ở thị trường này.

Đối với Hiệp định EVFTA, các nước EU cam kết xóa bỏ thuế quan đối với sản phẩm hồ tiêu (mã HS 0904) ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Đây là đòn bẩy tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu vào EU, đặc biệt là đối với các sản phẩm chế biến trước đây có mức thuế từ 5 - 9%.

Cục Xuất nhập khẩu kỳ vọng doanh nghiệp Việt Nam sẽ tận dụng cơ hội để phát triển ngành chế biến hồ tiêu khi các nhà đầu tư trong khối EU chuyển nhà máy chế biến về Việt Nam để tận dụng nguyên liệu và nhân công giá rẻ, tạo động lực thúc đẩy xuất khẩu hạt tiêu sang đa dạng các thị trường EU.

Những cơ hội EVFTA mang đến cho ngành tiêu Việt Nam là không thể phủ nhận. Song để xuất khẩu tiêu sang EU tăng trưởng tốt và bền vững, ngành tiêu cần giải quyết vấn đề gốc rễ là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Trao đổi về vấn đề này, bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết hàng rào lớn nhất của ngành tiêu ở thị trường EU là tiêu chí về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón. Nội dung của hai tiêu chí này ngày càng nhiều và chặt chẽ hơn.

"Nhận thức của nông dân trong sản xuất là gốc rễ của vấn đề tồn dư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong hồ tiêu vượt quá mức cho phép của EU. Chúng ta đang sản xuất theo thói quen mà chưa theo yêu cầu, định hướng của thị trường",  bà Liên nói.

Thực tế ở Việt Nam, có nhiều doanh nghiệp hồ tiêu đi theo hướng canh tác bền vững với các chuỗi liên kết sản xuất từ vùng nguyên liệu đến nhà máy. Tuy nhiên, doanh nghiệp chưa đủ mạnh về tài chính và năng lực xuất khẩu để có thể đồng hành với tất cả nông dân trong quá trình canh tác.

Ngoài ra, chủ tịch VPA cũng chỉ ra một rào cản khác ở thị trường EU là thương hiệu hạt tiêu của Việt Nam chưa đủ sức cạnh tranh so với các đối thủ.

“Thương hiệu hạt tiêu Việt Nam phải nằm ở cái gốc - chất lượng sản phẩm. Những thông tin về sản xuất bền vững cần được chuyển tải thành thông điệp, clip… và quảng bá rộng rãi.

Ngoài ra, doanh nghiệp, ngành hàng cần mang thương hiệu đến các hội thảo, sự kiện để khách hàng quốc tế có nhận thức về sản phẩm tiêu Việt Nam. Để xây dựng thương hiệu hạt tiêu mang tầm quốc tế, chúng ta cần ít nhất 3-5 năm”, bà Liên nhận định.

Hoàng Anh