Thuốc trị COVID-19 đang thử nghiệm, nhà sản xuất đã bí mật tăng giá gấp đôi
Financial Times đưa tin tập đoàn Rising Pharmaceuticals ở bang New Jersey, Mỹ đã lặng lẽ tăng gấp đôi giá của chloroquine - loại thuốc chữa bệnh sốt rét đang trong quá trình thử nghiệm để điều trị SARS-CoV-2.
Giá thuốc chloroquine tăng lên 7,66 USD (97,85%) với liều 250 mg và 19,88 USD với liều 500 mg. Sau khi thông tin xuất hiện trên Financial Times, Rising Pharmaceuticals khẳng định việc tăng giá là “tình cờ” và cam kết khôi phục mức giá cũ.
Dù vậy, Công ty nghiên cứu thị trường Elsevier khẳng định đến thời điểm hiện tại, Rising Pharmaceuticals vẫn chưa giảm giá thuốc chloroquine, với lập luận rằng họ không quảng cáo thuốc là phương pháp điều trị COVID-19.
Không quảng cáo, song số lượng đơn đặt hàng mà hãng nhận đã tăng gấp 5 lần so với mức bình thường.
Ông Michael Rea, CEO RxSavings Solutions, phê phán hành vi trục lợi của Rising Pharmaceuticals.
"Mọi công ty muốn kinh doanh lâu dài không nên tăng giá thuốc trong giai đoạn nhạy cảm như hiện nay", Rea nói với Financial Times.
Hôm 19/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã chấp thuận chloroquine trở thành thuốc điều trị Covid-19. Tuy nhiên, ngay sau đó FDA bác bỏ, nói rằng họ chỉ chỉ đang xem xét kỹ hơn loại thuốc ấy.
Bác sĩ Stephen Hahn, Ủy viên hội đồng FDA, giải thích rằng FDA phải thử nghiệm chloroquine với một số lượng lớn bệnh nhân Covid-19 trước khi đưa ra kết luận cuối cùng. FDA cũng thông báo sẽ phối hợp với các cơ quan chính phủ và tổ chức nghiên cứu để xác định loại thuốc đó có thể trị Covid-19 không.
Ở Mỹ, chi phí khám chữa bệnh rất cao, đặc biệt với những người không có bảo hiểm y tế. Business Insider thu thập dữ liệu từ FAIR Health về chi phí trung bình cho các lần khám thông thường tại Mỹ, bao gồm khám ngoại trú và khẩn cấp - công đoạn trước khi xét nghiệm nCoV chủng mới.
Dữ liệu cũng bao gồm các khoản chi cho xét nghiệm máu hay các bệnh cúm virus thông thường. Trong số 27 triệu dân Mỹ, những người không có bảo hiểm sẽ phải chi trả 100% chi phí khám bệnh, bất kể trường hợp nào.
Nếu một người đến bệnh viện trong tình trạng khẩn cấp rồi xét nghiệm cúm virus A, B và xét nghiệm máu CMP. Nếu không có bảo hiểm, bệnh nhân sẽ phải trả chi phí khám là 1.295 USD, trong khi chi phí là 491 USD nếu đóng bảo hiểm y tế. Lúc này, người bệnh chỉ phải trả 20% số tiền, tức 98 USD.
Tạp chí Sức khỏe Cộng đồng Mỹ chỉ ra rằng tới 66,5% các vụ phá sản cá nhân tại Mỹ liên quan đến các vấn đề y tế. Thủ phạm chính là chi phí chăm sóc sức khỏe tại Mỹ quá cao, vượt quá khả năng chi trả của người lao động.
Báo cáo còn tiết lộ rằng tới 530.000 gia đình ở Mỹ nộp đơn xin bảo hộ phá sản do các vấn đề y tế hoặc hóa đơn liên quan tới y tế.