Chuyện vận động chính trường của các hãng dược Mỹ và cuộc chiến với giá thuốc của Tổng thống Donald Trump
Số liệu từ chính phủ liên bang Mỹ cho thấy, các hãng dược phẩm đã chi khoảng 27,5 triệu USD cho các hoạt động vận động chính trị trong năm 2018, theo CNN.
Đây là con số kỉ lục đối với Hiệp hội Các tổ chức nghiên cứu và nhà sản xuất dược Mỹ (PHRMA) - tổ chức đại diện cho các hãng dược lớn nhất Mỹ - bao gồm Pfizer, Sanofi, Merck, Johnson & Johnson và Gilead Sciences.
Núi tiền các hãng dược chi để vận động hành lang
Kỉ lục chi phí vận động hành lang trước đó của ngành dược Mỹ là hơn 25 triệu USD, khi ngành chống Đạo luật Chăm sóc sức khỏe toàn dân của cựu tổng thống Barack Obama vào năm 2009.
Giảm giá thuốc là một trong những lời hứa của tổng thống Donald Trump với cử tri Mỹ. Ảnh: Pivot
OpenSecrets, một tổ chức nghiên cứu độc lập về chính trường Mỹ, khẳng định tổng số tiền mà ngành dược Mỹ đã chi cho hoạt động vận động chính trị đạt 194,3 tỉ USD tính tới ngày 24/10/2018, lớn hơn rất nhiếu so với con số mà PHRMA công bố.
3 hãng dược chi nhiều tiền nhất trong danh sách của OpenSecrets là Pfizer, Amgen và Biotechnology Innovation Organization. Trong số đó, Biotechnology Innovation Organization là tổ chức vận động hành lang đại diện cho các doanh nghiệp dược vừa và nhỏ ở Mỹ.
Nỗ lực giảm giá thuốc của chính phủ Mỹ
Hồi đầu năm nay, Nhà Trắng đã thực hiện hàng loạt động thái để hạn chế quyền tăng giá thuốc của các hãng dược.
Hạ viện Mỹ và chính quyền của tổng thống Donald Trump tiếp tục thúc đẩy kế hoạch khống chế giá thuốc. Nỗ lực của họ trở nên mạnh hơn sau khi một báo cáo khẳng định giá insulin đã tăng gần gấp đôi ở Mỹ từ năm 2012 tới 2016.
Báo cáo của Viện Chi phí Y tế, một tổ chức nghiên cứu độc lập nhận tài trợ từ 4 công ty bảo hiểm y tế, phát hiện các cá nhân mắc tiểu đường loại 1 chi trung bình 5.705 USD/người cho insulin trong năm 2016, tăng 2.841 USD mỗi người so với năm 2012.
"Giá của mọi loại insulin và sản phẩm insulin đều tăng, với mức tăng giá tại các điểm bán gần gấp đôi trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến 2016", Viện Chi phí Y tế nhấn mạnh. Để thực hiện báo cáo, tổ chức này đã phân tích dữ liệu của hơn 50 triệu khách hàng bảo hiểm.
Tổng thống Donald Trump từng cam kết giảm giá thuốc trong quá trình tranh cử, và hồi tháng 5, ông bắt đầu thực hiện cam kết. Các động thái ban đầu của ông là thỏa thuận về giá thuốc trong bảo hiểm y tế và xử lí nạn lấy cắp sở hữu trí tuệ trong ngành dược.
Ông Alex Azar, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ con người Mỹ, từng bình luận rằng, bất chấp một số tiến triển tích cực trong cách ấn định giá của ngành dược, các hãng dược vẫn còn phải nỗ lực hơn rất nhiều.
"Từ tháng 5 tới tháng 12 năm ngoái, các hãng dược tăng giá ít hơn 57% đối với các loại thuốc đắt tiền so với cùng kì năm 2017", Alex bình luận.
Ngài bộ trưởng cũng khen ngợi các hãng dược Amgen, Merck và Gilead vì giảm giá niêm yết đối với một số loại thuốc của họ. Ông nhấn mạnh rằng mức tăng giá thuốc trong năm 2019 đã thấp hơn, với tần suất thưa hơn so với năm 2018.