Thuế giá trị gia tăng với ngành phân bón và những vấn đề đặt ra
Hội thảo “Thuế giá trị gia tăng với ngành phân bón: Từ không chịu thuế sang thuế suất 5%” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức diễn ra vào chiều 16/7.
Tham dự Hội thảo có Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội), nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; các chuyên gia kinh tế;…
Thông tin từ hội thảo cho biết, tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua, Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu vào dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Quá trình thảo luận cho thấy, đa số đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết phải sửa luật này để giải quyết các bất cập trong thực tiễn cũng như hoàn thiện chính sách thu.
Bên cạnh đó, sau một thời gian thực hiện Luật Thuế giá trị gia tăng đã bộc lộ những bất cập, hạn chế nhất định, nhiều nội dung không còn phù hợp với thực tế, cần được sửa đổi, bổ sung. Trong đó, đáng chú ý là phạm vi các đối tượng không chịu thuế tương đối rộng, dẫn đến nhiều trường hợp không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, làm tăng chi phí sản xuất và ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng mà các hàng hóa là đầu vào cho sản xuất nông nghiệp là trường hợp điển hình.
Thời gian qua, doanh nghiệp phân bón sản xuất trong nước phản ánh: Do phân bón không thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng nên doanh nghiệp không được khấu trừ thuế đầu vào cho nguyên vật liệu, máy móc và dịch vụ. Điều này không chỉ làm tăng giá phân bón mà còn khiến các doanh nghiệp phân bón nội địa mất lợi thế cạnh tranh so với hàng nhập khẩu, vốn được khấu trừ thuế giá trị gia tăng ở nước xuất xứ.
Vì vậy, sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng lần này, Chính phủ đề xuất chuyển các hàng hóa là đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, trong đó có phân bón, từ đối tượng không chịu thuế VAT sang đối tượng chịu thuế 5%.
Theo Chính phủ, chính sách này sẽ góp phần tránh hiệu ứng tăng giá thành sản phẩm, tạo thuận lợi cho ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh cạnh tranh với hàng nhập khẩu, hỗ trợ tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp.
Thảo luận tại hội trường Quốc hội, các đại biểu có ý kiến khác nhau về vấn đề này. Một số đại biểu đề nghị đánh giá kỹ việc chuyển đổi phân bón sang đối tượng chịu thuế với thuế suất 5% và đề xuất giữ nguyên như quy định hiện hành do lo ngại việc áp thuế sẽ làm giá phân bón tăng và ảnh hưởng đến người nông dân.
Một số đại biểu nhất trí đưa mặt hàng này vào diện chịu thuế nhưng với thuế suất 0%, như vậy doanh nghiệp vẫn được khấu trừ thuế đầu vào và không ảnh hưởng đến giá thành phân bón.
Một số đại biểu khác lại cho rằng áp thuế 5% là phù hợp và bảo đảm hài hòa lợi ích cho cả Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích về tác động của 3 phương án theo quan điểm nêu trên ở các góc độ: tác động đến sự phát triển của ngành sản xuất, kinh doanh phân bón; tác động đến giá thành phân bón, đến thu nhập của nông dân và hiệu quả cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; tác động đến ngân sách nhà nước…
Các phân tích, nhận định, chia sẻ của các đại biểu tại thảo luận là nguồn thông tin tham khảo hữu ích đối với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội cũng như với Chính phủ trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật này, đặc biệt là hoàn thiện chính sách thuế giá trị gia tăng với mặt hàng phân bón.