|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thực hư về báo cáo của Tổ chức Liêm chính tài chính toàn cầu

15:20 | 11/10/2019
Chia sẻ
Ngày 3-10-2019, trước câu hỏi của phóng viên về việc Việt Nam được đánh giá là quốc gia nhận dòng tiền bất hợp pháp lớn nhất thế giới, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phản hồi rằng báo cáo của Tổ chức Liêm chính tài chính toàn cầu (Global Financial Integrity - GFI) không chính xác, không phản ánh đúng thực tế và quyết tâm của Việt Nam trong phòng, chống rửa tiền.
Thực hư về báo cáo của Tổ chức Liêm chính tài chính toàn cầu - Ảnh 1.

Việt Nam đã có khung pháp lý khá đầy đủ về phòng, chống rửa tiền.

Có gì trong báo cáo của GFI?

Từ năm 2008 đến nay GFI đã công bố tám báo cáo về các dòng vốn phi pháp (Illicit Financial Flows). 

Trong phiên bản mới nhất được công bố vào tháng 1-2019, báo cáo dựa vào số liệu trao đổi thương mại của 148 nước đang phát triển với các nước đã phát triển giai đoạn 2006-2015, từ đó ước tính lượng vốn phi pháp dịch chuyển ra - vào của từng quốc gia thông qua chênh lệch giá trị của các hóa đơn thương mại khai báo (misinvoicing) giữa từng cặp quốc gia.

Dữ liệu mà GFI dùng để ước lượng dựa trên hai nguồn: Direction of Trade Statistics (DOTS) của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Comtrade của Liên hiệp quốc (UN). Ngoài ra, việc ước lượng còn dựa trên các giả định về chênh lệch giữa giá bán sỉ và giá sản xuất (trade margins), phương pháp trọng số (weights) thay vì chênh lệch ròng. 

Chính vì vậy, kết quả ước lượng dòng vốn phi pháp dựa trên hai nguồn dữ liệu khác nhau cho kết quả khác nhau trong năm 2015.

Rõ ràng, theo ước lượng dựa trên dữ liệu của DOTS thì dòng vốn vào phi pháp (sai lệnh giá trị hóa đơn) ước tính của Việt Nam năm 2015 là 22,45 tỉ đô la Mỹ, thấp hơn nhiều nước như Trung Quốc, Mexico, Ba Lan, Nga, Ấn Độ như trong bản báo cáo.

 Nhưng có lẽ, do phóng viên chỉ đọc lướt phần báo cáo tóm tắt và có ví dụ Việt Nam là một trong những nước trong nhóm 30 nước dẫn đầu nên cho rằng Việt Nam là nước dẫn đầu.

Vì sao dòng vào lớn hơn dòng ra?

Thực hư về báo cáo của Tổ chức Liêm chính tài chính toàn cầu - Ảnh 2.

Theo GFI, chênh lệch giữa giá trị hóa đơn ước tính được xem như chỉ nằm ở các nước đang phát triển, vì các dòng vốn phi pháp tìm nơi trú ẩn ở những nơi vốn có thể dễ dàng chuyển sang tiền mặt, cất giấu, làm sạch và dịch chuyển dễ dàng. 

Số liệu từ bảng ở trên cho thấy các quốc gia này đều có dòng vốn vào lớn hơn dòng vốn ra (trừ duy nhất Thái Lan dựa trên dữ liệu Comtrade).

Điều này có thể giải thích được là vì các nước đang phát triển này đều là các nước nhận nhiều kiều hối và thu hút nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Như trường hợp của Việt Nam, chênh lệch ròng của dòng vốn vào năm 2015 là khoảng 10 tỉ đô la Mỹ theo dữ liệu của DOTS. Con số này khá trùng hợp với thống kê kiều hối Việt Nam nhận được trung bình những năm gần đây. 

Câu hỏi đặt ra là trong tổng số kiều hối nhận được, sau khi trừ một phần nhỏ kiều hối do lao động gửi về (ước tính hiện nay là 2,5-3 tỉ đô la Mỹ/năm) thì phần lớn còn lại đến từ đâu?

Giả thiết đầu tiên có thể nghĩ đến là do chính sách chạy đua thu hút FDI của Việt Nam thời gian trước cùng với việc kiểm soát dòng vốn vào lỏng lẻo, đã tạo cơ hội cho các dòng vốn phi pháp từ nước ngoài thâm nhập vào Việt Nam, sau đó được hợp thức hóa và chuyển ra lại nước ngoài.

Giả thiết thứ hai là các nguồn tiền bất hợp pháp ở ngay tại Việt Nam có được từ tham nhũng, tội phạm, hòa lẫn vào dòng kiều hối chính thức, hay “tạm xuất tái nhập” để trở thành các dự án đầu tư FDI, các thương vụ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A), vừa được hưởng các chính sách ưu đãi, vừa hợp thức hóa được nguồn tiền bất hợp pháp.

Việt Nam đã thực sự tích cực phòng chống rửa tiền?

Mặc dù Việt Nam đã có khung pháp lý khá đầy đủ về phòng, chống rửa tiền nhưng trên thực tế, việc thực thi (enforcement) vẫn còn chuyện phải bàn. 

Các giao dịch tiền mặt giá trị lớn vẫn còn phổ biến, việc kiểm soát dòng vốn ra khắt khe gấp nhiều lần so với dòng vốn vào, hay chưa thực hiện đến nơi đến chốn việc thu thuế thu nhập cá nhân... là những minh chứng cho thấy khoảng cách khá xa giữa văn bản và cuộc sống.

Thêm vào đó, trong danh sách 106 quốc gia và vùng lãnh thổ cam kết thực hiện việc trao đổi thông tin tài chính tự động theo CRS (Common Reporting Standard), Việt Nam vẫn chưa hiện diện trong danh sách này.

Qua câu chuyện về báo cáo của GFI, mặc dù Việt Nam không phải là nước dẫn đầu thế giới về dòng vốn vào phi pháp, nhưng cũng là một trong những nước trong diện phải lưu ý. 

Các cam kết trong quá trình hội nhập của Việt Nam cần chú trọng hơn đến thực chất trong việc thực thi. Vì nếu không như vậy, đến một lúc nào đó, nhiều khả năng Việt Nam sẽ bị đưa vào danh sách bị hạn chế trong các hoạt động thương mại, đầu tư với các nước phát triển.

Tài liệu tham khảo

• https://tuoitre.vn/cao-buoc-rua-tien-cua-to-chuc-liem-chinh-tai-chinh-toan-cau-khong-chinh-xac-20191003165219208.htm

• http://tapchitaichinh.vn/ngan-hang/moi-nam-luong-kieu-hoi-gui-ve-viet-nam-la-253-ty-usd-310565.html

• http://tapchitaichinh.vn/ngan-hang/nan-dong-kieu-hoi-312540.html

Võ Đình Trí