Thực hư chuyện nông dân trồng lúa lãi 100%, người trong cuộc nói gì?
Mức lợi nhuận 100% là rất khó
Trong báo cáo về xuất khẩu gạo năm 2022, phương hướng năm 2023, Bộ Công Thương cho biết giá thành sản xuất thóc bình quân là 3.219 đồng/kg. Trong khi, giá bán thóc trên thị trường khoảng 6.650 đồng/kg. Điều này có nghĩa việc trồng lúa đang mang lại lợi nhuận cho nông dân ở mức 100%. Qua trao đổi với một số hộ trồng lúa, doanh nghiệp sản xuất lúa gạo, mức lãi 100% là con số khó với tới.
Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Văn Nghị, một hộ đại điền tại xã Tân Hòa (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) khẳng định trồng lúa không thể đạt được lợi nhuận cao như vậy. Dù gia đình ông canh tác tới 20 ha lúa nhưng chi phí đầu vào cao, trong khi đầu ra chưa ổn định, chưa có hợp đồng bao tiêu lâu dài, giá cả bấp bênh theo thị trường.
“Cũng phải thừa nhận rằng lúa gia đình tôi trồng là loại hàng phân khúc tầm trung, phục vụ tiêu dùng của địa phương là chính, nên lợi nhuận chỉ ở mức 30%. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp chịu tác động của thời tiết, dịch bệnh… nên lãi 100% là con số mơ ước.
May ra làm theo mô hình cánh đồng mẫu lớn như đồng bằng sông Cửu Long và liên kết với doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới có mức lợi nhuận cao hơn.”, ông Nguyễn Văn Nghị nói.
Hộ đại điền này cho biết gia đình ông cũng muốn chuyển sang canh tác hữu cơ để tăng giá trị nhưng vẫn chưa biết bắt đầu từ đâu, chi phí cho sản xuất cũng rất cao, nhiều công chăm sóc, chưa có đầu ra nên ông vẫn còn chần chừ.
Còn về phía doanh nghiệp, trao đổi với người viết, bà Trần Thị Trà, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn ThaiBinh Seed cũng cho rằng ThaiBinh Seed có liên kết với nông dân trồng lúa khoảng 2.000 ha ở tỉnh Thái Bình nói riêng, còn quy mô cả nước là 7.000 ha. Doanh nghiệp này cũng thừa nhận rằng lợi nhuận của ngành lúa gạo vẫn thấp hơn so với các ngành khác.
“Lợi nhuận 100% là cực kỳ khó. Nông dân ở các vùng sản xuất lúa chất lượng cao, thu hoạch 8-9 tấn/ha, tính ra cũng không đáng bao nhiêu. Kể cả lợi nhuận 100% vẫn là thấp”, bà Trần Thị Trà nói.
Lãnh đạo ThaiBinh Seed cho biết giá trị sản xuất nông nghiệp hiện nay rất thấp, nông dân đồng bằng sông Cửu Long sản xuất quy mô lớn thì lợi nhuận ổn hơn, còn miền Bắc sản xuất nhỏ, thu nhập thấp, một vụ trồng lúa không bằng một tháng lương của công nhân dệt may.
Liên quan đến thông tin năm 2022 nông dân trồng lúa đạt lợi nhuận 100%, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cũng khẳng định: “Thông tin nông dân có lợi nhuận 100% khi trồng lúa là không phải, con số 30% là tốt lắm rồi”.
Giá gạo hữu cao hơn 200% so với gạo thông thường, lợi nhuận thu lại cũng chỉ khoảng 30%
Như vậy, cả phía nông dân – doanh nghiệp – cơ quan quản lý nhà nước đều khẳng định rằng mức lãi 100% là con số xa vời ở mặt bằng sản xuất chung.
Ngay cả ở một số mô hình sản xuất lúa hữu cơ, giá bán sản phẩm tăng 200% cũng chỉ đem lại mức lợi nhuận ban đầu cho người dân khoảng 30%.
Tại diễn đàn “Thúc đẩy mô hình sản xuất nông nghiệp đại điền”, ông Đỗ Đức Thiện, Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Cường (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) cho biết từ việc giá vật tư nông nghiệp tăng cao và không ổn định trong những năm vừa qua, vùng đất sản xuất lúa tại xã Nam Cường vốn là vùng chua mặn, canh tác lúa năm được năm mất, năng suất thu được bị phụ thuộc vào thời tiết nên nhân dân đang dần có tư tưởng bỏ ruộng.
Nhận thấy nông nghiệp tuần hoàn là hướng đi bền vững trong sản xuất, HTX Nam Cường đã đưa phân chuồng và tàn dư trên đồng ruộng vào sử dụng thay cho phân bón hóa học NPK và đã mang lại hiệu quả cao.
“Sử dụng cá ủ vi sinh thay thế hoàn toàn phân đạm ure giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng giá trị sản phẩm bán ra 200% so với sản xuất thông thường. Qua đó người nông dân đã cảm thấy yên tâm và hy vọng hơn vào phát triển lúa gạo của địa phương”, ông Đỗ Đức Thiện chia sẻ.
Vụ mùa năm 2022, HTX Nam Cường sản xuất khoảng 1,3 ha lúa hữu cơ, thu về 4 tấn thóc, tương đương 2,7 tấn gạo với giá bán 30.000 đồng/kg gạo. Sau khi trừ các chi phí sản xuất, phần lãi HTX thu về khoảng 30% trong vụ lúa đầu tiên. Ông Thiện kỳ vọng rằng ở những vụ lúa tiếp theo, kinh nghiệm sản xuất của các hộ dân nhiều hơn, lợi nhuận thu về sẽ cải thiện.
Giám đốc HTX Nam Cường cho rằng việc sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ tuy tốn công làm cỏ, tốn công bắt ốc bươu vàng nhưng với những biện pháp sản xuất tập trung, hiệu quả kinh tế cao vẫn đảm bảo cho HTX phát triển và nhân rộng mô hình.
Dự kiến năm 2023, HTX nam Cường sẽ tăng diện tích sản xuất lúa sạch lên gấp 5 lần, cung cấp gạo sạch cho nhu cầu của địa phương với tổng sản lượng dự kiến 30 tấn/năm. HTX cũng lên kế hoạch tuần hoàn lượng chất thải chăn nuôi của các thành viên nhằm tiết kiệm chi phí vận chuyển và tận dụng triệt để nguồn nguyên liệu sản xuất phân tại địa phương.
Sản xuất lúa chất lượng cao cho xuất khẩu, tăng giá trị trên cùng đơn vị diện tích
Có thể nói, lợi nhuận của ngành lúa gạo đang khá lép vế so với nhiều ngành nghề khác, do vậy muốn nông dân, đặc biệt là các hộ đại điền gắn bó với ngành nông nghiệp, cách duy nhất là tăng giá trị trên một đơn vị sản xuất.
Từ thực trạng lợi nhuận trồng lúa chưa cao, bà Trần Thị Trà kỳ vọng ThaiBinh Seed có thể phát triển vùng nguyên liệu lúa gạo chất lượng cao dành cho xuất khẩu.
Bà Trà dẫn chứng gạo TBR39 vừa đạt giải gạo ngon nhất Việt Nam năm 2022 của Thai Binh Seed đang bán giá 42.000 đồng/kg, mức khá cao so với mặt bằng chung, tuy nhiên so với giá gạo xuất khẩu sang Mỹ, EU, con số này vẫn chưa đạt kỳ vọng của doanh nghiệp.
“Chúng ta phải phân vùng thị trường. Dựa theo điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, giống… các tỉnh miền Bắc có thể phát triển vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao cho xuất khẩu. Xuất khẩu gạo ở miền Bắc sẽ hướng đến các thị trường cao cấp như Mỹ, EU, đây là thị trường ai cũng mơ ước và có thể tăng giá trị sản xuất cho ngành nông nghiệp”, bà Trà nói.
Theo lãnh đạo ThaiBinh Seed, để xây dựng vùng nguyên liệu, thương hiệu cho gạo xuất khẩu, chúng ta phải quay lại điểm xuất phát là tích tụ ruộng đất, sản xuất quy mô lớn. Sản xuất đại điền là đầu vào cho việc phát triển thương hiệu gạo. Ngược lại, thương hiệu gạo chính là đầu ra của các sản phẩm lúa gạo từ mô hình đại điền.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Đinh Vĩnh Thụy, Giám đốc Sở NN&PTNT Thái Bình cũng đồng tình rằng diện tích đất trồng lúa của tỉnh đang bị thu hẹp lại, do vậy muốn tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị sản xuất cần tập trung sản xuất các dòng lúa chất lượng cao.
Theo đó, Thái Bình là một trong những tỉnh có diện tích sản xuất lúa lớn trên cả nước, sản lượng thóc khoảng 1 triệu tấn, trong đó 600.000 tấn là thóc hàng hóa. Tỉnh đang xây dựng chủ trương sản xuất lúa gắn với xuất khẩu, tạo ra giá trị cao hơn cho ngành sản xuất lúa gạo.
Trước cơ hội từ thị trường quốc tế, Thái Bình đang tập trung chỉ đạo hướng đến cung cấp sản phẩm gạo cho khu vực và xuất khẩu. Ông Thụy khuyến cáo các hộ đại điền có thể liên kết, thành lập các hợp tác xã để có thể tận dụng tốt nhất các chính sách hỗ trợ của nhà nước.