Thua lỗ và quá hạn trả nợ hàng nghìn tỉ, kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của PVX
Kiểm toán từ chối đưa ý kiến đối với báo cáo tài chính (BCTC) bán niên 2019, nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của PVX
Ngay phần đầu tiên trong BCTC hợp nhất 6 tháng đầu năm 2019 đã soát xét của Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC, mã: PVX), đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Deloitte Việt Nam đã có ý kiến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của PVX.
Cụ thể, tại ngày 30/6, lỗ lũy kế của PVX là 3.746 tỉ đồng, trong khi nợ phải trả ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn 351,8 tỉ đồng. Tổng công ty cũng đang thiếu hụt vốn lưu động để thanh toán các khoản nợ đến hạn, cùng với đó nợ quá hạn thanh toán đã lên tới 1.122 tỉ đồng.
Deloitte cho rằng, khả năng hoạt động liên tục của PVX phụ thuộc vào kế hoạch thu hồi các khoản công nợ, tái cơ cấu các khoản đầu tư, hoàn thành và quyết toán các công trình dở dang để thu hồi tiền, các hỗ trợ tài chính từ cổ đông và các chủ nợ.
Tuy nhiên, đến ngày lập BCTC giữa niên độ này, tổng công ty vẫn chưa có nguồn tiền để đảm bảo khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn và quá hạn, phía kiểm toán không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp về khả năng trả nợ của PVX do đó không thể xác định liệu BCTC được lập với giả định PVX vẫn hoạt động liên tục có phù hợp hay không.
Bên cạnh đó, Deloitte cũng từ chối đưa ra ý kiến đối với BCTC của PVX do một loạt vấn đề mà phía kiểm toán không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp liên quan.
Thứ nhất, thành phẩm bất động sản tồn kho của PVX tính đến ngày 30/6 tại công trình Chung cư thuộc dự án Khách sạn Dầu khí Thái Bình có giá trị ghi sổ khoảng 38 tỉ đồng, tuy nhiên tổng công ty chưa đánh giá được sự suy giảm giá trị cũng như ước tính giá trị thuần có thể thực hiện được của công trình này.
Thứ hai, tương tự đối với một số khoản vốn góp vào các đơn vị khác với tổng giá trị ghi sổ 49,7 tỉ đồng và giá trị dự phòng 18,2 tỉ đồng, tổng công ty cũng chưa đánh giá được hết sự suy giảm giá trị các khoản đầu tư nêu trên.
Thứ ba, số dư chi phí sản xuất kinh doanh dở dang của dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 và Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 có giá trị gốc lần lượt 249,7 tỉ đồng và 25,8 tỉ đồng.
Tại ngày lập BCTC, tổng công ty vẫn đang làm việc với các cơ quan liên quan để điều chỉnh giá trị phát sinh chưa lường hết, do đó chưa thể nghiệm thu và quyết toán chi phí cho các khoản này.
Thứ tư, PVX đã thực hiện hoàn nhập dự phòng nghĩa vụ nợ phải trả liên quan đến thư bảo lãnh cho CTCP Xây lắp Dầu khí Sài Gòn (PVC SG) vay vốn với số tiền gần 100 tỉ đồng trong năm 2016. Tại ngày lập BCTC hợp nhất giữa niên độ, tổng công ty vẫn đang làm việc với PVC SG và tổ chức tín dụng để giải tỏa nghĩa vụ bảo lãnh.
Ngoài ra, PVX cũng đang có số dư khoản cho CTCP Khách sạn Lam Kinh vay để hỗ trợ vốn sản xuất kinh doanh với số tiền 200 tỉ đồng và số dư trích lập dự phòng 124,4 tỉ đồng.
Đối với 5 vấn đề này, phía kiểm toán không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp liên quan, do đó không thể xác định liệu có cần thiết phải điều chỉnh các số liệu liên quan hay không.
Bên cạnh những tồn đọng tại công ty mẹ, kiểm toán cũng đặt ra dấu hỏi với hàng loạt vấn đề tại các công ty con của PVX, đặc biệt là khả năng hoạt động liên tục của CTCP Bất động sản Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC Land) có thể ảnh hưởng đến việc hợp nhất BCTC.
Cụ thể, theo số liệu trong BCTC của PVC Land, tại ngày 30/6 tổng tài sản của đơn vị này là 1.115 tỉ đồng, nợ phải trả 1.097 tỉ đồng, tổng lỗ sau thuế 6 tháng khoảng 3,5 tỉ đồng.
Giống như công ty mẹ PVX, nợ phải trả ngắn hạn của PVC Land cũng vượt quá tài sản ngắn hạn khoảng 264 tỉ đồng, cùng với lỗ lũy kế khoảng 232 tỉ đồng ảnh hưởng tới khả năng hoạt động liên tục của công ty.
Tuy nhiên, PVX vẫn chưa đánh giá được mức độ ảnh hưởng của các yếu tố trên, phía kiểm toán cũng không thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp nên không thể xác định liệu có cần thiết phải điều chỉnh số liệu tại PVC Land hay không.
Trong khi đó, một đơn vị khác là CTCP Dầu khí Mỹ Phú (chủ đầu tư dự án Chung cư cao tầng Mỹ Phú) chưa tiến hành phân bổ giá trị tầng hầm để xe thuộc khu chung cư vào giá vốn của hàng hóa bất động sản đã bán ra trong các năm tương ứng với diện tích tầng hầm sở hữu chung của cả tòa chung cư.
Tại ngày 30/6, khoản này vẫn đang được ghi nhận vào chi phí SXKD dở dang với số tiền khoảng 58,9 tỉ đồng, tuy nhiên kiểm toán không thể thu thập được bằng chứng thích hợp về diện tích tầng hầm nên không đủ cơ sở để xác định số liệu cần thiết phải điều chỉnh cho các khoản mục hàng tồn kho và lỗ lũy kế của công ty.
Đối với CTCP Dầu khí Đông Đô, đơn vị này có khoản đầu tư góp vốn vào dự án Dolphin Plaza với giá trị 37,1 tỉ đồng, kiểm toán cũng chưa thu thập được các bằng chứng thích hợp để đánh giá liệu có cần thiết phải trích lập dự phòng cho khoản đầu tư này hay không do dự án chưa bán được hết các căn hộ và chưa được quyết toán để phân chia kết quả đầu tư.
Do tầm quan trọng của các vấn đề đã nêu ở trên, cùng với việc không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp để làm cơ sở đưa ra kết luận về BCTC hợp nhất giữa niên độ, phía kiểm toán đã không đưa ra kết luận nào về BCTC hợp nhất giữa niên độ của PVX.
Về phía PVX, sau khi nhận được báo cáo kiểm toán từ Deloitte, công ty đã có văn bản giải trình về việc đơn vị kiểm toán từ chối đưa ý kiến kết luận đối với BCTC của công ty. Tuy nhiên, phần lớn giải trình của PVX chỉ nhắc lại ý kiến của kiểm toán.
Lỗ sau thuế 6 tháng hàng trăm tỉ đồng, nâng lỗ lũy kế lên 3.746 tỉ đồng
Về kết quả kinh doanh của PVX, doanh thu thuần sau soát xét được điều chỉnh tăng 27,2 tỉ đồng lên 1.105 tỉ đồng, giá vốn hàng bán cũng tăng thêm gần 10 tỉ đồng lên mức 1.126 tỉ đồng. Theo đó, lỗ gộp giảm đáng kể xuống còn 21,3 tỉ đồng, thay vì mức lỗ 39 tỉ đồng trong báo cáo trước soát xét.
Do số liệu điều chỉnh tại công ty con, các khoản mục liên quan đến hoạt động tài chính của PVX cũng có sự thay đổi khi chi phí tài chính tăng từ 11,4 tỉ đồng lên 18,7 tỉ đồng; lỗ ghi nhận từ các công ty liên doanh liên kết cũng tăng từ 0,6 tỉ đồng lên 6,8 tỉ đồng. Ngược lại, chi phí quản lí doanh nghiệp giảm từ 109,8 tỉ đồng xuống còn 101,4 tỉ đồng.
Đối với các hoạt động còn lại, thu nhập khác giảm gần 6 tỉ đồng trong khi chi phí khác chỉ giảm 1,5 tỉ đồng, dẫn đến lợi nhuận khác cũng giảm gần 4,5 tỉ đồng.
Kết quả, lỗ sau thuế của PVX giảm hơn 8 tỉ đồng sau soát xét, xuống mức 111,9 tỉ đồng. Trong đó, phần lỗ thuộc về công ty mẹ là 58 tỉ đồng.
Với việc tiếp tục thua lỗ trong nửa đầu năm 2019, tổng lỗ lũy kế chưa phân phối tính đến cuối quí II/2019 đã tăng lên trên 3.746 tỉ đồng.
Nợ phải trả chiếm tới 82,4% tổng nguồn vốn, nguồn trả nợ chủ yếu nằm ở phải thu và hàng tồn kho
Cũng do kinh doanh thua lỗ, tổng nguồn vốn của PVX tính đến ngày 30/6 đã giảm 667 tỉ đồng so với thời điểm đầu năm, xuống mức 10.001 tỉ đồng. Đáng chú ý, vốn chủ sở hữu chỉ còn chiếm 17,6% với 1.756 tỉ đồng, trong khi nợ phải trả chiếm tỉ trọng lên tới 82,4%.
Trong cơ cấu nợ, các khoản nợ ngắn hạn cũng chiếm giá trị khá lớn với 7.965 tỉ đồng, trong đó phải trả người bán ngắn hạn 3.259 tỉ đồng, người mua trả trước ngắn hạn 1.379 tỉ đồng và vay 1.575 tỉ đồng.
Việc duy trì nợ ngắn hạn ở mức cao đã đẩy PVX rơi vào tình trạng mất cân đối tài chính, khi công ty đang dùng 352 tỉ đồng nguồn vốn ngắn hạn để tài trợ cho tài sản dài hạn. Cụ thể, tại ngày 30/6, tài sản ngắn hạn ở mức 7.613 tỉ đồng, tài sản dài hạn đạt 2.387 tỉ đồng.
Chưa dừng lại ở đó, khả năng thanh toán của công ty cũng đang bị đe dọa khi các tài sản có tính thanh khoản cao như tiền mặt và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn chỉ ở mức 603 tỉ đồng và 145 tỉ đồng.
Trong khi đó, các tài sản có tính thanh khoản thấp hơn như hàng tồn kho và các khoản phải thu có giá trị lần lượt 3.587 tỉ đồng và 3.112 tỉ đồng, trong đó nợ xấu cũng lên đến trên 1.200 tỉ đồng.
Tương lai nào cho "ông lớn" ngành xây lắp dầu khí?
Từ những khó khăn về hoạt động kinh doanh, đặc biệt là tình hình mất cân đối tài chính, ban lãnh đạo PVX đã đưa ra những định hướng và giải pháp khắc phục. Cụ thể, PVX cho biết đang rà soát những vấn đề còn tồn đọng nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn, khôi phục và ổn định hoạt động SXKD.
PVX cho biết trong thời gian tới sẽ quyết liệt trong công tác điều hành thi công các công trình, dự án đang thực hiện, đặc biệt dự án tại các đơn vị thành viên. Bên cạnh đó, công ty cũng tích cực tham gia tiếp thị, đấu thầu để tìm kiếm và bổ sung nguồn việc.
Theo định hướng phát triển hoạt động xây lắp, PVX có kế hoạch thoái toàn bộ vốn tại các đơn vị không thuộc chuỗi hoạt động ngành nghề chính để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
Bên cạnh đó, ban lãnh đạo công ty xây dựng kế hoạch chi tiết việc thu hồi, xử lí công nợ theo từng tháng, từng quí nhằm thu hồi vốn cho hoạt động SXKD, đồng thời giảm chi phí tài chính do bị chiếm dụng vốn.
Ngoài ra, PVX cũng chủ động làm việc với ngân hàng, các tổ chức tín dụng để cơ cấu lại các khoản nợ, đàm phán giảm lãi suất vay vốn và thu xếp đủ vốn phục vụ hoạt động SXKD.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/