Thủ tướng: Trong tuần tới phải có kịch bản phục hồi nền kinh tế
Theo Cổng thông tin Chính phủ, tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng nêu rõ, trong thời điểm hiện nay, chúng ta quyết tâm chống dịch, thực hiện tốt Chỉ thị 16.
Theo đó, cần tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội nghiêm túc, tuy nhiên không ngăn sông cấm chợ, không ngăn cản vận chuyển hàng hóa, vật tư, thiết bị, vẫn tổ chức sản xuất nhưng phải bảo đảm khoảng cách để không lây nhiễm trong cộng đồng.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chủ trì cùng các bộ, ngành khẩn trương xây dựng các kịch bản để phục hồi, đưa nền kinh tế bật dậy nhanh sau dịch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tuần tới, nhất là địa bàn trọng điểm, ngành trọng điểm phải có trách nhiệm đóng góp vào vấn đề này.
Đồng thời, Bộ KH&ĐT chủ trì cùng Văn phòng Chính phủ tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp để đưa vào nghị quyết của Chính phủ.
Phát biểu trong cuộc họp, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Trong đó, kiến nghị 3 nhóm giải pháp với 33 nhiệm vụ cụ thể.
Về kịch bản đón đầu phục hồi kinh tế sau đại dịch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khăn, thiệt hại đối với các nền kinh tế trên thế giới, nhưng lại là cơ hội cho những nền kinh tế nếu biết tận dụng từ việc điều chỉnh, xắp xếp lại cục diện kinh tế, thương mại toàn cầu. Do đó, việc chuẩn bị trước các kịch bản và dự kiến sớm các giải pháp để vực dậy nền kinh tế sau khi dịch kết thúc là cần thiết.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng vốn đầu tư công nguồn NSNN được phép thực hiện trong năm 2020 là gần 700.000 tỉ đồng, gấp 2,2 lần số vốn thực giải ngân trong năm 2019 (312.000 tỉ đồng).
Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư khu vực tư nhân giảm sút thì việc phấn đấu giải ngân hết nguồn lực đầu tư công trong năm 2020 sẽ góp phần quan trọng kích cầu đầu tư xã hội, duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế. Bộ Tài chính cam kết bảo đảm đủ nguồn đáp ứng đầy đủ, kịp thời theo tiến độ giải ngân nhiệm vụ đầu tư công nêu trên.
Phát biểu tại điểm cầu Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết Thành uỷ sẽ chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo để rà soát tất cả các điểm nghẽn để đẩy nhanh giải ngân vốn. Hà Nội có khoảng 37.000-40.000 tỷ đồng vốn đầu tư công cần giải ngân trong năm nay.