|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thủ tướng: Sản xuất bằng được vắc xin COVID-19 để chủ động lo cho người dân

18:06 | 07/06/2021
Chia sẻ
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu xây dựng ngay chương trình quốc gia nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vắc xin, quyết tâm sản xuất bằng được vắc xin phòng COVID-19.

Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc sáng nay 7/6 với các nhà khoa học, đơn vị, doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng COVID-19 ở Việt Nam.

Thủ tướng: Sản xuất bằng được vắc xin COVID-19 để chủ động lo cho người dân - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc làm việc với các nhà khoa học, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng chống COVID-19 tại Việt Nam. (Ảnh: VGP).

Tại cuộc làm việc, theo báo Chính phủ, Thủ tướng nêu rõ hai trụ cột của chiến lược vắc xin, thứ nhất là phải huy động mọi nguồn lực, mọi khả năng, tiếp cận dưới mọi hình thức, bằng mọi cách để mua được vắc xin nhiều nhất, nhanh nhất có thể.

Thứ hai, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vắc xin trong nước. Cùng với đó, tiến hành bảo quản, triển khai tiêm vắc xin nhanh nhất, an toàn nhất, hiệu quả nhất cho người dân. 

"Tất cả những công việc này phải tiến hành nhanh chóng, "vừa chạy vừa xếp hàng.", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng khẳng định quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháo gỡ khó khăn là "3 không và 5 thật". "3 không" là "không nói không , không nói khó, không nói có mà không làm". "5 thật" là "nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thành quả thật".

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng phải thống nhất nhận thức, coi vắc xin là yếu tố có tính chất quyết định, chiến lược, lâu dài trong phòng chống dịch COVID-19.

Về nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng lưu ý công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải kịp thời, đúng hướng, quyết liệt, hiệu quả, bám sát thực tiễn. Trong nghiên cứu, thí điểm có thể có những rủi ro, nhưng nếu người thực hiện không có động cơ xấu, không vì tiêu cực, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm thì Đảng, Nhà nước phải bảo vệ.

“Phải lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện bằng được chương trình quốc gia nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vắc xin”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông yêu cầu các bộ, ngành bám sát và quyết tâm tháo gỡ bằng được vướng mắc về mặt pháp lý. Cùng với đó là việc huy động nguồn lực, kinh phí bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó hợp tác công - tư là chủ đạo, bảo đảm hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Chỉ đạo nghiên cứu rút ngắn thời gian thử nghiệm và đánh giá vắc xin, Thủ tướng lưu ý việc này phải vừa thận trọng, bảo đảm an toàn, vừa phù hợp với thực tiễn.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu rút gọn quy trình cấp phép vắc xin bảo đảm an toàn, kịp thời, hiệu quả.

Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ góp ý phải có ngay cơ chế, chính sách để tập hợp, huy động và nâng cao trình độ để các nhà khoa học có động lực nghiên cứu, chuyển giao công nghệ vắc xin.

Dự kiến đầu tháng 6, vắc xin phòng COVID-19 Nano Covax do Học viện Quân y phối hợp với Công ty Nanogen nghiên cứu phát triển sẽ bắt đầu giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng để đánh giá hiệu quả bảo vệ trước khi cấp phép lưu hành trong tình huống khẩn cấp, với số lượng tình nguyện viên tham gia dự kiến khoảng 13.000 người trên 10 tỉnh/TP trên cả nước.

Tính đến đầu giờ chiều ngày 7/6 đã có hơn 6.000 người đăng ký thử nghiệm giai đoạn 3 vắc xin phòng COVID-19 Nano Covax của Việt Nam.

Như Ngọc

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.