|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: 'Sẽ xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong việc chậm trễ cổ phần hóa, thoái vốn'

20:29 | 08/11/2019
Chia sẻ
Quá trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước đang chững lại trong những năm gần đây. Điều này thể hiện rõ nét tại danh sách bán vốn Nhà nước mà SCIC công bố, với rất nhiều doanh nghiệp được chuyển tiếp từ kế hoạch năm này sang năm khác.

Trong năm 2018, 74/121 số doanh nghiệp trong danh sách bán vốn của SCIC là chuyển tiếp từ năm trước.

Phần lớn doanh nghiệp này sau đó tiếp tục chuyển sang năm 2019 và với tiến độ thoái vốn của năm nay thì gần như chắc chắn lại tiếp tục được chuyển sang năm 2020.

Trả lời các chất vấn của đại biểu Quốc hội trong phiên họp chiều nay 8/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết từ 2016 đến nay có 168 doanh nghiệp đã cổ phần hóa. 

Tuy nhiên, số doanh nghiệp này chủ yếu được cổ phần hóa trong giai đoạn từ 2017 trở về trước.

Trong 9 tháng đầu năm 2019, chỉ có 9 doanh nghiệp Nhà nước được phê duyệt phương án cổ phần hóa và 12 doanh nghiệp được thoái vốn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu ra những vấn đề lớn nhất cản trở quá trình cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước, bao gồm: Pháp lí đất đai; giới hạn tỉ lệ sở hữu nước ngoài; vấn đề về thẩm định giá...

Về vấn đề giới hạn tỉ lệ sở hữu, Thủ tướng cho biết "không phải mọi doanh nghiệp ta đều phải thị trường hóa, mà một số doanh nghiệp then chốt, yết hầu của nền kinh tế như những ngân hàng lớn, doanh nghiệp quốc phòng an ninh, điện, cảng và sân bay sẽ giữ lại".

Hiện nay, Chính phủ đã thông qua kế hoạch để thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và trong thời gian tới sẽ tập trung chỉ đạo triển khai đề án cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước.

"Và thậm chí sẽ xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong việc chậm trễ cổ phần hóa, thoái vốn tại những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ", Thủ tướng cho biết.

Các doanh nghiệp không thực hiện tốt quá trình cổ phần hóa thì phải bàn giao về Ủy ban Quản lí vốn Nhà nước và SCIC để tái cơ cấu theo qui định.

Đến vấn đề đất đai, mà theo Thủ tướng là một trong những cản trở chính đến tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn, thì các cấp chính quyền và doanh nghiệp Nhà nước phải rà soát lại toàn bộ quĩ đất.

Đồng thời, Thủ tướng cũng bày tỏ thông cảm với doanh nghiệp khi "vấn đề xác định giá trị đất đai vừa qua trong một số nghị định cuả Chính phủ cũng chưa rõ, chưa tốt nên làm chậm trễ quá trình. Bây giờ ta phải tập trung làm tốt cái này để làm cơ sở cho cổ phần hóa".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ rõ rằng muốn cổ phần hóa doanh nghiệp không chỉ là đứng lên kêu gọi. Quá trình này còn là công cuộc phấn đấu để có những hội động quản trị tốt hơn, giám sát và chống tham nhũng trong từng doanh nghiệp.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng cho biết sẽ thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước gắn liền với việc niêm yết trên thị trường chứng khoán.

"Chúng tôi sẽ công khai những doanh nghiệp không làm tốt điều này và xem xét trách nhiệm của người lãnh đạo doanh nghiệp đó", Thủ tướng nói thêm.

Thừa Vân