|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cổ phần hóa không phải chuyện riêng của doanh nghiệp nhà nước

10:15 | 20/10/2019
Chia sẻ
Hiệu quả sản xuất, kinh doanh còn thấp. Tiến độ cổ phần hóa chậm. Nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa chưa tuân thủ qui định về quản lí giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Công tác đào tạo cán bộ có năng lực còn bất cập, người tài ít vào doanh nghiệp nhà nước (DNNN)...
Cổ phần hóa không phải chuyện riêng của doanh nghiệp nhà nước - Ảnh 1.

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để có những thay đổi về chất, đảm bảo các nền tảng để lớn mạnh trong bối cảnh mới của nền kinh tế.

Bức tranh hoạt động của DNNN vừa được Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN vẽ lại một cách chân thực, đi cùng hàng loạt giải pháp. 

Từ rà soát lại hệ thống luật pháp, hoàn thiện, tạo quyền chủ động lớn hơn, trách nhiệm rõ ràng hơn cho tập đoàn, tổng công ty nhà nước… đến những đề xuất chế độ lương, thưởng gắn với kết quả kinh doanh, kể cả khung mức độ rủi ro trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để tạo tâm lý an tâm và thúc đẩy tìm kiếm hiệu quả đầu tư…

Nhưng phải nhắc lại câu nói của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong hội nghị này. Đó là DNNN như chiếc ô tô tải đi giữa đường phố đông người.

Nghĩa là sự chậm trễ trong cơ cấu lại, sự kém hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DNNN không phải chuyện riêng của khu vực này. Thậm chí, tốc độ của nền kinh tế, tốc độ của cả nỗ lực cơ cấu lại để chuyển đổi mô hình tăng trưởng của nền kinh tế đang phụ thuộc vào tốc độ của chiếc ô tô tải giữa đường.

Phải nhắc lại mục tiêu của nhiệm vụ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước những năm qua được xác định rất rõ.

Một là, để doanh nghiệp nhà nước có cơ cấu hợp lý hơn.

Hai là, nâng cao hiệu quả hoạt động, sản xuất kinh doanh, tăng sức cạnh tranh, tăng tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của DNNN; kiện toàn nâng cao năng lực quản lý và năng lực quản trị theo chuẩn mực quốc tế.

Ba là, tập trung xử lý dứt điểm các tồn tại, yếu kém của DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, theo cơ chế thị trường.

Bốn là, hoàn thiện mô hình quản lý, giám sát DNNN và vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Hoàn tất 4 mục tiêu trên, DNNN mới thực sự có những thay đổi về chất, đảm bảo các nền tảng để lớn mạnh trong bối cảnh mới của nền kinh tế.

Song đây cũng chỉ là những mục tiêu ban đầu mà khu vực này phải đạt được sau quá trình cơ cấu lại. Với nguồn lực lớn đang nắm giữ, với những lợi thế lớn trong xây dựng và phát triển, DNNN không thể đi chậm trong nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ, tiên phong trong hình thành chuỗi giá trị và nâng cao năng lực  cạnh tranh.

Trong Hội nghị trên, Thủ tướng Chính phủ đã đặt rõ yêu cầu: “Các đồng chí phải là người đi đầu trong thực hiện cuộc cách mạng 4.0”.

Mục tiêu tới đây của khu vực DNNN sẽ không chỉ là cơ cấu lại, mà phải hoạt động theo cơ chế thị trường hiện đại, đầy đủ và hội nhập; dẫn đầu khu vực doanh nghiệp Việt Nam về năng suất lao động và tỷ suất lợi nhuận; đạt trình độ công nghệ hiện đại tương đương với các nước trong khu vực; đáp ứng đầy đủ chuẩn mực quốc tế về quản trị công ty.

Cũng đã có yêu cầu có 3 đến 5 DNNN niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán lớn trên thế giới; 1 - 3 DNNN thuộc danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới theo xếp hạng của các tổ chức quốc tế có uy tín...

Rõ ràng, sự nghiêm túc trong triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN; tư tưởng ngại thay đổi, thậm chí có trường hợp tham nhũng, che giấu sai phạm, cố tình làm chậm, không thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ quan trọng này không phải là chuyện riêng của DNNN.

Bảo Duy