Cổ phần hóa chậm, Phó Thủ tướng yêu cầu xem xét trách nhiệm của người đứng đầu Hà Nội và TP HCM
Theo thông tin từ Cổng TTĐT Chính phủ, sáng nay (16/10) tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), trong đó có hoạt động thảo luận, đánh giá cụ thể về tình hình cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước; những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và kiến nghị, đề xuất.
Thông tin từ Hội nghị, theo số liệu tổng hợp của Bộ Tài chính, đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2017, có 526 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, một số bộ, ngành và địa phương trọng điểm nhưng rất chậm trong cổ phần hoá, đặc biệt là Hà Nội và TP HCM. Ảnh minh họa.
Tính đến ngày 30/9/2019, đã có 148 DNNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại theo quyết định của Chính phủ. Số lượng DN chưa được phê duyệt phương án cơ cấu lại là 378 DN (chiếm 71%).
Trong 9 tháng đầu năm 2019 có 9 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Lũy kế giai đoạn 2016 đến tháng 9/2019, đã có 168 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị DN là 443.056 tỉ đồng, trong đó giá trị vốn Nhà nước là 206.694 tỉ đồng.
Về tình hình thực hiện thoái vốn, lũy kế trong giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 9/2019, cả nước đã thoái được 24.510 tỉ đồng, thu về 170.629 tỉ đồng.
Tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2018 có 502 DNNN, theo đó tổng vốn chủ sở hữu tăng 5%, tổng tài sản tăng 2%, tổng doanh thu tăng 9%, nộp ngân sách Nhà nước tăng 5% so với thực hiện năm 2017.
Theo thông tin từ Dân trí, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, đến nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp, tổng công ty "chậm đổi mới, ngại đổi mới" theo kế hoạch và phê duyệt của Thủ tướng. Công tác cổ phần hóa, thoái vốn còn nhiều vướng mắc cả về thể chế và tình hình thực hiện.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp làm rõ thêm giá trị pháp lý, cơ sở pháp lý và hiệu lực của công văn 4544 của Bộ Tài chính.
"Yêu cầu rà soát, sắp xếp lại toàn bộ đất đai của các công ty mẹ, công ty con, công ty cháu của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước. Nếu cần thiết phải có sự điều chỉnh phù hợp thì phải điều chỉnh." - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh vấn đề một số bộ, ngành và địa phương trọng điểm nhưng rất chậm trong cổ phần hoá... trong đó đặc biệt là Hà Nội và TP HCM.
Phó Thủ tướng yêu cầu xem xét nguyên nhân tại sao cổ phần hoá chậm và xem xét trách nhiệm người đứng đầu 2 thành phố này.
Cũng theo lãnh đạo Chính phủ, trong quá trình cổ phần hoá và thoái vốn Nhà nước đã phát hiện những bất cập.
"Hiện nay, bước đầu đã phát hiện những sai phạm, cố ý làm trái quy định của pháp luật trong thoái vốn Nhà nước, làm trái với ý kiến chỉ đạo bằng văn bản của lãnh đạo Chính phủ, vì vậy không thể chủ quan.
Bên cạnh đó là tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, làm cho quá trình tổ chức thực hiện gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét, xử lý trách nhiệm liên quan đến những vụ việc này", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định.
Ngoài ra, thông tin từ Zing cho hay, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho rằng công tác cổ phần hóa còn gặp vướng mắc tập trung ở việc sắp xếp, phương án cổ phần hóa, phương án đất đai trước khi cổ phần hóa.
Ông nêu ví dụ việc cổ phần hóa những doanh nghiệp lớn như Agribank, VNPT, Vinafood 1… đang gặp rất nhiều khó khăn. Một số tập đoàn, tổng công ty có địa bàn hoạt động rộng, có thể vươn tới 63 tỉnh thành nên việc phê duyệt phương án sử dụng đất gặp nhiều bất cập.
"Chỉ cần một địa phương trong tổng số 63 tỉnh không phê duyệt phương án cổ phần hóa là dẫn tới ách tắc hết. Đặc biệt là khó khăn tại các thành phố lớn, công tác phê duyệt rất chậm", ông nói.
Báo cáo của Bộ Tài chính tại hội nghị trên cũng cho biết, việc xử lý các tồn tại, yếu kém của các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương đã đạt được một số tín hiệu tốt.
Theo đó, đã có 2 nhà máy hoạt động sản xuất, kinh doanh có lãi; 4 dự án còn đang thua lỗ đã từng bước khắc phục khó khăn, tiếp tục giảm được lỗ. Với 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất thì đến nay đã có 1 dự án vận hành sản xuất trở lại, 2 dự án đã đủ điều kiện vận hành trở lại nhưng do thị trường khó khăn nên vẫn dừng sản xuất; 3 dự án xây dựng dở dang đang được tiếp tục xử lý.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/