|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cần đẩy mạnh hơn quá trình xử lý nợ xấu tại các ngân hàng

12:32 | 10/01/2018
Chia sẻ
Thủ tướng lưu ý với ngành ngân hàng về quá trình xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các TCTD vẫn diễn ra chậm hơn so với yêu cầu.
thu tuong nguyen xuan phuc can day manh hon qua trinh xu ly no xau tai cac ngan hang NHNN mục tiêu 2018 tín dụng tăng 17%, phương tiện thanh toán tăng 16%
thu tuong nguyen xuan phuc can day manh hon qua trinh xu ly no xau tai cac ngan hang Một năm nhiều 'chuyện lạ' với ngành ngân hàng

5 mặt của ngành ngân hàng được Thủ tướng đánh giá cao

“Ngân hàng vừa là nguồn lực, vừa là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”. Đó là ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những đóng góp quan trọng của ngành Ngân hàng đối với phát triển kinh tế trong năm 2017.

Thủ tướng đánh giá cao sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) năm qua thể hiện 5 mặt chính.

thu tuong nguyen xuan phuc can day manh hon qua trinh xu ly no xau tai cac ngan hang
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Nguồn: Website NHNN.

Thứ nhất, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, duy trì được sự ổn định của thị trường tiền tệ, kiểm soát lạm phát ở mức 3,53%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra.

Điều này đã tạo dư địa để Chính phủ điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý và tạo điều kiện thuận lợi cho chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác phát huy tác dụng.

Thứ hai, tỷ giá, thị trường ngoại tệ, thị trường vàng được điều hành ổn định và diễn biến tích cực, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ xuất khẩu, thực hiện tốt mục tiêu chống đô la hóa, vàng hóa.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Chính sách tỷ giá hợp lý đã giúp tăng nhanh quỹ dự trữ ngoại hối nhà nước lên trên 53 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay, góp phần huy động được nguồn lực ngoại tệ, củng cố vị thế, tăng tiềm lực và uy tín quốc gia, tạo lòng tin cho các nhà đầu tư ngoài nước, người dân trong nước”.

Thủ tướng khẳng định: “Nhà nước công khai bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người gửi tiền”.

Thứ ba, ngành Ngân hàng tiếp tục phát huy vai trò là kênh cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế với tổng dư nợ tín dụng đến cuối năm 2017 đạt trên 6,5 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 18%, tức là đã cung ứng thêm 1,2 triệu tỷ đồng nguồn vốn cho nền kinh tế trong năm 2017.

Cơ cấu tín dụng đã có sự chuyển dịch tích cực, vốn tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên với nhiều chương trình tín dụng ưu đãi được triển khai tích cực tạo động lực hỗ trợ trực tiếp cho các ngành, lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế.

Tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa... đều đạt mức tăng trưởng cao.

Tín dụng đối với các lĩnh vực rủi ro (chứng khoán, bất động sản...) được kiểm soát tương đối tốt. Chính sách lãi suất được điều hành hợp lý. Lãi suất cho vay trong năm qua đã giảm 0,5-1% giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí vốn. Các ngân hàng cam kết sau Hội nghị này tiếp tục giảm tiếp 0,5%.

Thứ tư, quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu giai đoạn 2 (2016-2020) được ngành Ngân hàng quan tâm triển khai ngay từ đầu nhiệm kỳ. Ngành Ngân hàng đã tích cực xây dựng, trình Chính phủ ban hành Đề án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu và chủ động đề xuất hoàn thiện hành lang pháp lý giúp đẩy nhanh quá trình này.

Hai văn bản pháp lý quan trọng được Quốc hội thông qua là Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Các TCTD.

Thứ năm, chỉ số “Tiếp cận tín dụng” của Việt Nam đã tăng 3 bậc và đứng thứ 4 trong ASEAN. Năm 2017 cũng là năm thứ hai liên tiếp NHNN dẫn đầu các Bộ, ngành về chỉ số cải cách hành chính.

Quá trình xử lý nợ xấu vẫn diễn ra chậm so với yêu cầu

Thủ tướng cũng lưu ý một số vấn đề cần được ngành Ngân hàng tiếp tục quan tâm xử lý.

Về tín dụng, NHNN chưa chủ động mạnh mẽ theo hướng thị trường để góp phần thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế; Quá trình xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các TCTD vẫn diễn ra chậm hơn so với yêu cầu.

Một số TCTD còn thiếu mạnh dạn, thiếu quyết tâm trong việc giải quyết hạn chế yếu kém và xác định lộ trình, giải pháp thực hiện tái cơ cấu và chiến lược phát triển kinh doanh…

Để khắc phục những hạn chế tồn tại nêu trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành Ngân hàng đi tiên phong trong thực hiện phương châm hành động năm 2018 của Chính phủ với 10 chữ “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” để hỗ trợ Chính phủ chương trình triển khai kinh tế - xã hội toàn năm 2018 và cả nhiệm kỳ.

Tuệ An

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.