|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thủ tướng chỉ ra 5 mũi đột phá để tăng trưởng, khôi phục kinh tế hậu COVID-19

16:52 | 06/05/2020
Chia sẻ
Nhằm phục hồi nền kinh tế trong thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ 5 mũi đột phá để tăng trưởng, phát triển đó là thu hút FDI, đẩy mạnh xuất khẩu, đẩy mạnh đầu tư công, thu hút đầu tư tư nhân, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa.

5 mũi đột phá để tăng trưởng kinh tế hậu COVID-19

Thông tin từ Báo Chính phủ cho biết Chính phủ đã bàn dự thảo nghị quyết chuyên đề về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. 

Theo đó, các kịch bản và giải pháp phục hồi đưa ra đang được xây dựng nhằm không chỉ giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn mà còn có thể đón các cơ hội mới trong trạng thái bình thường mới sau đại dịch COVID-19.

Thủ tướng chỉ ra 5 mũi đột phá để tăng trưởng, khôi phục kinh tế hậu COVID-19 - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (Ảnh: VGP/Quang Hiếu).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định trong bối cảnh đã kiểm soát được dịch bệnh thì nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, đời sống, tăng trưởng. Phải tập trung hơn nữa khởi động lại nền kinh tế, phấn đấu GDP năm 2020 đạt mức tăng trưởng trên 5%, không phải như dự báo của IMF là Việt Nam chỉ có thể tăng trưởng 2,7% - dù đây đã là mức cao nhất Đông Nam Á vẫn theo dự báo của IMF. Cùng với đó, kiểm soát lạm phát dưới 4%.

Thủ tướng nêu rõ 5 mũi đột phá để tăng trưởng, phát triển, vượt qua khó khăn giai đoạn này, đó là thu hút FDI, đẩy mạnh xuất khẩu, đẩy mạnh đầu tư công, thu hút đầu tư tư nhân, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa.

Chính phủ thống nhất cao cần ban hành nghị quyết chuyên đề về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. 

Ba bước mở cửa nền kinh tế

Chia sẻ thêm về kịch bản phục hồi nền kinh tế, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết Bộ đã kiến nghị ba bước đối với điều hành nền kinh tế.

Bước thứ nhất, khi COVID-19 đang diễn ra thì ưu tiên chống dịch là chủ yếu, việc phát triển kinh tế lúc này là cầm cự và giảm thiểu tối đa các thiệt hại do dịch. Khi chúng ta điều hành nền kinh tế trong trung và dài hạn thì việc giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất cũng có nghĩa là tạo điều kiện cho phục hồi sau này nhanh và tốt hơn.

Bước thứ hai, sau khi nguy cơ và tác động của dịch COVID-19 giảm đi nhiều như hiện nay, chúng ta sẽ phục hồi dần dần. 

Bộ cũng đã báo cáo và tham mưu Chính phủ sẽ mở lại dần các hoạt động kinh tế, trước tiên phục hồi thị trường trong nước trước. Đối với thị trường nước ngoài, do dịch bệnh ở nhiều nước trên thế giới vẫn đang có nhiều diễn biến phức tạp, nền kinh tế nước ta chưa thể mở hoàn toàn mà vẫn phải kết hợp giữa phòng chống dịch với phát triển kinh tế.

"Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng trạng thái bình thường mới, có nghĩa là xây dựng các kịch bản, chính sách phát triển kinh tế trong bối cảnh COVID-19 vẫn còn tồn tại, đặc biệt xung quanh nước ta. Chính vì vậy mỗi chính sách đề ra cần phải kết hợp cả 2 mục tiêu là phòng chống dịch và phát triển kinh tế", Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết.

Bước thứ ba là kịch bản xây dựng khi COVID-19 đã yên ổn trên thế giới. Đối với thế giới hiện nay, nền kinh tế nào kết thúc dịch sớm nhất sẽ thành công. Do vậy trong định hướng xây dựng kịch bàn này, Bộ sẽ chú trọng nghiên cứu việc nắm bắt cơ hội để thúc đẩy kinh tế trong nước, tất nhiên sẽ đòi hỏi thay đổi nhiều vào cơ cấu của nền kinh tế nói chung cũng như định hướng và cơ cấu của từng doanh nghiệp, sản phẩm để đón nhận cơ hội này.

"Trong cơ hội này có sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư, đặc biệt các tập đoàn kinh tế lớn đang hết sức cân nhắc trong việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng, trong đó Đông Nam Á là một trong những địa bàn được tính đến đầu tiên và Việt Nam nằm trong số đó", ông Phương nói.

Thứ trưởng cho rằng sau Nghị quyết 42 tập trung chủ yếu vào lĩnh vực an sinh thì cần nhanh chóng ban hành nghị quyết mới có một số giải pháp tiếp nối Chỉ thị 14 của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các chính sách tiền tệ, tài khóa và một số chính sách hỗ trợ khác.

Đồng thời, để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thì cần phải có những giải pháp đồng bộ hơn, mạnh hơn. Ngày 9/5 tới đây, sẽ diễn ra Hội nghị giữa Thủ tướng với các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ những khó khăn để phát triển.

Thủ tướng nhấn mạnh Hội nghị phải thể hiện tinh thần yêu nước, quyết tâm trong điều kiện mới, như lò xo bị nén lại trong mấy tháng qua, giờ bật lên để phát triển, "có chí thì nên" chứ không bàn lùi, than nghèo, kể khổ.


Trúc Minh