|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thủ tướng Anh đặt mục tiêu sớm hoàn thành thỏa thuận thương mại với Mỹ

10:15 | 23/01/2020
Chia sẻ
Một quan chức Anh giấu tên cho biết vấn đề "Brexit" sẽ không được nhắc đến ngoại trừ việc khẳng định Anh đã "bước ra khỏi Brexit".
Thủ tướng Anh đặt mục tiêu sớm hoàn thành thỏa thuận thương mại với Mỹ - Ảnh 1.

Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong tháng tới, Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ thông báo kế hoạch nhằm hoàn thành các thỏa thuận thương mại "chóng vánh" với cả hai đồng minh quan trọng nhất là Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ, trong một bài phát biểu đưa ra tầm nhìn của mình về nước Anh hậu Brexit.

Theo các quan chức thân tín của ông Johnson được báo chí Anh tiếp cận, Thủ tướng Anh sẽ khẳng định mong muốn tiến hành song song các cuộc đàm phán với cả Brussels và Washington, qua đó đặt ra một thách thức to lớn cho đội ngũ mới mẻ các nhà đàm phán thương mại Anh – nhiều người trong số đó sẽ lần đầu tiên được tham gia vào các cuộc đàm phán dạng này.

Chính phủ Anh sẽ công bố những mục tiêu của mình về đàm phán thương mại với Mỹ trong tháng Hai. Trước đó, Anh đã bày tỏ ý muốn hoàn thành một thỏa thuận thương mại "kiểu" Canada với EU vào cuối năm 2020.

Bài phát biểu quan trọng của ông Johnson đang được đội ngũ cố vấn chắp bút trong bối cảnh Anh sẽ chính thức rời EU vào ngày 31/1 tới. Một quan chức Anh giấu tên cho biết vấn đề "Brexit" sẽ không được nhắc đến ngoại trừ việc khẳng định Anh đã "bước ra khỏi Brexit".

London đang chịu áp lực gia tăng từ phía Washington trong việc công khai lập trường đàm phán cho một thỏa thuận thương mại Mỹ-Anh tương lai mà những nhân vật cấp cao ủng hộ Brexit tại Anh lâu nay vẫn mong đợi. Mỹ đã công bố lập trường của mình từ cách đây gần một năm.

Dự kiến ngày 23/1, các quan chức cấp cao của Anh, trong đó có Bộ trưởng Thương mại quốc tế Liz Truss, Ngoại trưởng Dominic Raab và Chánh văn phòng Nội các Michael Gove, sẽ họp để thống nhất chiến lược đàm phán của Anh với các đối tác – trong đó ngoài Mỹ phải kể đến Nhật Bản, Australia, New Zealand…

Theo thỏa thuận Brexit hiện tại Anh không được phép chính thức đàm phán các thỏa thuận thương mại mới với bên thứ ba chừng nào nước này còn là thành viên của EU, song các cuộc thảo luận có thể bắt đầu sau ngày Brexit vào 31/1 tới.

Trong chuyến thăm Anh mùa Hè năm 2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố một thỏa thuận thương mại thực chất có thể tăng "từ ba đến bốn, năm lần" thương mại hiện tại giữa Anh và Mỹ, song Tổng thống Mỹ không giải thích cụ thể sẽ đạt mục tiêu này bằng cách nào.

Các quan chức Anh thì đưa ra đánh giá thận trọng hơn về những lợi ích tiềm năng của thỏa thuận thương mại Anh-Mỹ hậu Brexit. 

Các dự báo được tiết lộ của Chính phủ Anh cho rằng thỏa thuận thương mại với Mỹ về lâu dài có thể giúp kinh tế Anh tăng trưởng thêm khoảng 0,2%. 

Ngược lại, những dự báo này cho rằng Anh có thể thiệt hại 5% tiềm năng tăng trưởng trong vòng 15 năm nếu rời liên minh hải quan của EU và ký một thỏa thuận thương mại kiểu Canada.

Trong cuộc nói chuyện tuần trước với bà Truss, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho rằng thỏa thuận thương mại Mỹ-Anh có thể được ký vào cuối mùa hè năm nay, trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào mùa Thu.

Ông David Henig, Giám đốc Dự án chính sách thương mại Anh tại Trung tâm châu Âu về Kinh tế chính trị quốc tế, cho rằng có thể ký được thỏa thuận thương mại trong khoảng thời gian ngắn như trên – với điều kiện Anh chấp nhận không được nhận quy chế đối xử đặc biệt.

Chuyên gia này cho rằng, "Mỹ có khuôn mẫu đàm phán sẵn và đã từng thực hiện các thỏa thuận nhanh chóng. 

Nhưng một thỏa thuận như vậy chưa chắc đã có lợi cho Anh. Thỏa thuận Mỹ-Australia được hoàn thành trong thời gian ngắn theo yêu cầu của Australia cách đây vài năm đã được đánh giá là tác động tiêu cực đến kinh tế nước này."

Một cựu quan chức Chính phủ Anh là người đảng Bảo thủ cầm quyền cho rằng "hoàn toàn" không có khả năng nào cho Anh và Mỹ đạt được thỏa thuận thương mại toàn diện trong vòng sáu tháng. 

Quan chức giấu tên này cho rằng hai bên có thể ký được một văn bản, nhưng vẫn cần phải được Quốc hội Mỹ thông qua cũng như dư luận Anh chấp thuận. 

Nhiều khả năng thỏa thuận với Mỹ sẽ mất nhiều thời gian hơn thỏa thuận với EU, còn nếu muốn nhanh thì sẽ chỉ là một biên bản ghi nhớ không thực sự có giá trị ràng buộc.

Việc đàm phán song song với cả Mỹ và EU sẽ không hề dễ dàng với Anh, vì những đòi hỏi khác nhau của các đối tác này. Anh sẽ nhấn mạnh lại các yêu sách lâu nay của mình về quyền được tiếp cận thị trường sâu hơn dành cho các nhà sản xuất thực phẩm cũng như các doanh nghiệp dịch vụ tài chính. 

Một trong những yêu cầu đầu tiên sẽ là việc Mỹ "châm chước" cho Anh trong các loại thuế trừng phạt mà Mỹ đang áp dụng với tất cả các nước EU vì tài trợ cho Airbus.

Trong khi đó Washington nhiều khả năng cũng sẽ yêu cầu Anh cho phép các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm của mình tiếp cận sâu hơn, mở ra khả năng món gà "nhúng chlorine" tai tiếng của Mỹ sẽ vào thị trường Anh, cũng như việc phép các công ty y tế Mỹ tham gia nhiều hơn vào Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS). Đây được xem là hai "ranh giới đỏ" với Chính phủ Anh.

Tuấn Anh