|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Những mốc quan trọng trong tiến trình Brexit

15:31 | 06/01/2020
Chia sẻ
Nếu không có gì thay đổi, Anh sẽ rời Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 31/1. Tuy nhiên đó chưa phải là kết thúc của quá trình Brexit mà sẽ có một giai đoạn chuyển tiếp để hai bên tiếp tục đàm phán chi tiết về mối quan hệ sau này.

Trường hợp không đạt được thỏa thuận thứ hai vào cuối năm 2020 cũng có nghĩa giao thương hàng hóa và dịch vụ giữa Anh với EU sẽ phải chịu chi phí và rào cản cao hơn.

Anh sẽ rời EU vào ngày 31/1

Với 358 phiếu thuận và 234 phiếu chống, Hạ viện Anh hôm 20/12/2019 đã thông qua về nguyên tắc dự luật Brexit do Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson, mở đường cho việc nước Anh sẽ rời khỏi EU vào ngày 31/1 tới, kết thúc 3,5 năm đất nước bị chia rẽ từ cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề Brexit năm 2016.

Mặc dù các điều khoản cụ thể của Dự luật sẽ chính thức được thảo luận kỹ lưỡng hơn bởi các nhà lập pháp thuộc cả hai viện Quốc hội Anh trong những ngày tới, song với chiến thắng vang dội của Đảng Bảo thủ do Thủ tướng Johnson dẫn đầu, nhiều khả năng Dự luật này sẽ được thông qua.

Những mốc quan trọng trong tiến trình Brexit - Ảnh 1.

Nếu không có gì thay đổi, Anh sẽ rời EU vào ngày 31/1 tới.

Còn nhớ vào tháng 10, các nhà lập pháp Anh ban đầu cũng đã phê duyệt Dự luật, nhưng từ chối khung thời gian quá ngắn để phê chuẩn, cuối cùng đã dẫn đến cuộc tổng tuyển cử tại Anh hồi giữa tháng 12. 

Cuộc bầu cử đã mang lại thắng lợi vang dội cho Đảng bảo thủ của ông Johnson với 80 ghế ở Hạ viện và đã phá vỡ sự bế tắc đã gây khó khăn cho chính trị Anh trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, những thay đổi trong Dự luật hiện nay so với phiên bản được đệ trình lên quốc hội hồi tháng 10 vẫn đang gây nhiều tranh cãi. Một trong những điểm đáng chú ý là Dự luật mới cấm bất kỳ sự gia hạn nào đối với giai đoạn chuyển tiếp của Anh kéo dài đến qua thời hạn 31/12/2020. 

Theo các chuyên gia điều đó sẽ làm tăng cơ hội cho Brexit không thỏa thuận khi mà quãng thời gian còn lại để hai bên đàm phán và đi đến một thỏa thuận thống nhất là khá ngắn ngủi.

Một thay đổi khác là việc các tòa án của Anh được phép xem xét lại các luật do Tòa án Công lý châu Âu đưa ra. Tuy nhiên, điều khoản về quyền của người lao động đã bị xóa bỏ, mặc dù chính phủ đã nói rằng vấn đề này sẽ được giải quyết trong một dự luật riêng.

Những mốc thời gian quan trọng

Dưới đây là một số mốc thời gian quan trọng trong tiến trình Brexit trong năm 2020 nếu Dự luật Brexit được Quốc hội Anh thông qua.

Giữa tháng 1: Các nhà lập pháp châu Âu gặp nhau lần đầu tiên vào năm 2020 và dự kiến sẽ bật đèn xanh cho Thỏa thuận Brexit – văn kiện nêu rõ cách thức Anh rời khỏi EU. 

Văn kiện dài 541 trang này và hiện đã được phê chuẩn tại Hạ viện ngày 20/12 và sẽ được xem xét kỹ lưỡng hơn trong Quốc hội Anh thời gian tới.

Ngày 31/1: Vương quốc Anh sẽ rời khỏi EU lúc 11 giờ chiều, giờ London. Giai đoạn chuyển tiếp sẽ chính thức bắt đầu từ thời điểm đó. Trong giai đoạn chuyển tiếp, sẽ không có bất cứ điều gì thay đổi trong mối quan hệ của các doanh nghiệp và công dân Anh với EU và luật pháp EU vẫn sẽ được áp dụng trên lãnh thổ của Anh. 

Tuy nhiên, chính phủ Anh sẽ mất quyền bỏ phiếu tại Brussel, bù lại chính phủ Anh có thể ký kết các thỏa thuận thương mại với các nước thế giới khác trong giai đoạn này.

Mục đích của giai đoạn chuyển tiếp là cho phép cả hai bên đàm phán để cùng nhau đưa ra một thỏa thuận thứ hai về mối quan hệ trong tương lai giữa hai bên. Điều này bao gồm các thỏa thuận thương mại mới cũng như các thỏa thuận về bảo mật và chia sẻ dữ liệu; tiêu chuẩn hàng không; cung cấp điện và điều tiết thuốc…

Ngày 25/2: Các bộ trưởng châu Âu dự kiến gặp nhau tại Brussels. Đây có thể là thời điểm họ chấp thuận một ủy thác đàm phán mới cho Michel Barnier, người đã lãnh đạo quá trình Brexit từ phía châu Âu kể từ khi Anh chính thức yêu cầu rời khỏi EU vào năm 2017. 

Điều này có nghĩa là các cuộc đàm phán về mối quan hệ trong tương lai giữa Anh và EU có thể bắt đầu vào cuối tháng 2, đầu tháng 6.

Tháng 6: Hội nghị thượng đỉnh EU – Anh dự kiến sẽ diễn ra. Tại thời điểm này, cả hai bên sẽ phải quyết định liệu họ có thể hoàn tất mối quan hệ thương mại mới vào cuối năm 2020 hay không. 

Thủ tướng Boris Johnson đã nói rằng ông không muốn kéo dài quá trình chuyển tiếp và ông đã xây dựng Dự luật Brexit mới để ngăn cản việc gia hạn giai đoạn chuyển tiếp đến sau ngày 31/12/2020.

Tháng 11: Các nhà lập pháp châu Âu đã gợi ý rằng cuộc họp của họ vào cuối tháng 11 là thời điểm cuối cùng có thể để họ ký kết một thỏa thuận thứ hai, nếu giai đoạn chuyển tiếp sẽ kết thúc vào năm 2020.

Ngày 31/12: Với điều kiện là không có gia hạn và một thỏa thuận đã được thực hiện, ngày này sẽ đánh dấu thời điểm các thỏa thuận mới và một mối quan hệ mới sẽ có hiệu lực.

Tuy nhiên, các quan chức cấp cao của EU đã gióng lên hồi chuông cảnh báo, cho rằng 11 tháng là một mốc thời gian đầy thách thức. Trong bối cảnh này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen cho biết hồi đầu tháng này rằng, EU sẽ tìm cách tập trung vào các vấn đề cấp bách nhất.

Mai Ngọc