|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Con thuyền' Brexit hai lần lỡ bến

20:40 | 31/10/2019
Chia sẻ
Ngày 31/10, lần thứ hai trong năm nay, người Anh lại như bị chia thành hai phe buồn vui lẫn lộn, tương tự như thời điểm 7 tháng trước.

Không phải hoang mang vì một kịch bản "chia tay đột ngột" rập rình suốt nhiều tháng nay, những người dân Anh ủng hộ Liên minh châu Âu (EU) thức giấc với một tâm thái nhẹ nhàng khi biết chắc rằng đất nước của họ vẫn là thành viên chính thức của "mái nhà chung" sau hơn 40 năm gắn bó, ít nhất là trong 3 tháng tiếp theo.

'Con thuyền' Brexit hai lần lỡ bến - Ảnh 1.

Cờ Anh (phía trước) và cờ EU (phía sau) bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh ở London ngày 19/10/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Điều mang lại niềm an ủi cho phe này lại là nỗi thất vọng của phe khác. Những người mong muốn Brexit lại thêm một lần lỡ hẹn với "giấc mơ tự do", dù họ có hẳn một thủ tướng hết lòng ủng hộ giấc mơ ấy là ông Boris Johnson. 

Hai lần "lỡ bến" đẩy con thuyền Brexit hướng tới điểm hẹn thứ ba 31/1/2020 và chính trường Anh cũng vẫn như mọi khi, không ngừng tiếp sóng gió, để chặng đường phía trước trở nên khó đoán định và bấp bênh hơn. Lần này là cơn sóng gió mang tên bầu cử sớm, ập đến ngay trước thềm Giáng sinh 2019.

Sau khi khoảng 52% cử tri Anh lựa chọn "ra đi" trong cuộc trưng cầu dân ý tháng 6/2016, cựu Thủ tướng Theresa May là người được chọn cầm lái con thuyền Brexit với lịch trình cập bến đầu tiên dự kiến là ngày 29/3/2019. 

Vượt qua những bế tắc trong đàm phán, EU và Anh cũng đã ký thỏa thuận Brexit vào tháng 11/2018, với hy vọng rằng "con thuyền Brexit" sẽ đi vào vùng biển êm để thuận lợi cập bến.

Tuy nhiên, từ khi thỏa thuận gây tranh cãi bị bác bỏ lần đầu tại Hạ viện Anh, những tính toán sau đó của cựu Thủ tướng May đều thất bại, "con thuyền Brexit" đành lỡ "bến hẹn 29/3", buộc bà phải lần lượt gia hạn Brexit tới tháng 4/2019 rồi lại tới tháng 10/2019 và sau đó là quyết định từ chức với hy vọng tạo bước ngoặt giúp tháo gỡ thế bế tắc.

Kế nhiệm bà May, trong thời gian ngắn từ tháng 7 tới cuối tháng 10/2019, Thủ tướng Johnson liên tục tiếp lửa cho phong trào ủng hộ Brexit với những tuyên bố mạnh mẽ thể hiện quyết tâm đưa nước Anh rời EU bằng mọi giá vào ngày 31/10. 

Nhưng với bất lợi ngay từ đầu là dẫn dắt một đảng cầm quyền đầy chia rẽ về vấn đề Brexit, bên cạnh một quốc hội bị phân mảng, ông Johnson cũng không tránh khỏi những lần thất bại tại hạ viện. 

Kể cả khi đã vượt qua nhiều khó khăn để đạt được một thỏa thuận Brexit mới với EU trong sự ngỡ ngàng của dư luận, ông Johnson vẫn bị hạ viện "trói tay" vì đảng cầm quyền không có thế đa số cần thiết.

Công đảng đối lập luôn chĩa mũi nhọn chỉ trích, để đề xuất rồi thúc đẩy thông qua dự luật "cản đường" Brexit diễn ra đúng hạn. 

Có thể nói, trong thế giằng co liên tục giữa chính phủ và quốc hội, việc chấp thuận để Brexit bị trì hoãn với điều kiện hạ viện phải nhất trí tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn vào ngày 12/12 tới là quân cờ "khả thi" duy nhất vào lúc này với ông Johnson. 

Nhưng có lẽ ông cũng phần nào nhận thức được rằng đây là một ván cược "được ăn cả, ngã về không", bởi cuộc bầu cử này suy cho cùng cũng nhằm giải quyết vấn đề Brexit, vốn đang là "con dao hai lưỡi", mà cá nhân hay đảng phái nào cố gắng tiếp cận cũng đều dễ bị tổn thương.

Nếu giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử, có được thế đa số cần thiết để thúc đẩy Brexit hoàn tất vào cuối tháng Giêng năm sau, nước cờ của ông sẽ là "lùi một bước để tiến hai bước". 

Ký được thỏa thuận Brexit với EU trong thời gian "hỏa tốc", ông Johnson đã khiến nhiều người, cả đồng minh và đối thủ ngạc nhiên, chứng tỏ lời Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng "sẽ là sai lầm nếu ai đó xem thường ông Johnson".

Dù thỏa thuận của ông không được chấp nhận bỏ phiếu trực tiếp tại Hạ viện Anh, nhưng những nỗ lực "thần kỳ" đó phần nào giúp nội bộ đảng Bảo thủ hàn gắn, trở nên đoàn kết hơn và cải thiện đáng kể tín nhiệm của đảng cầm quyền. 

Chuyên gia bầu cử John Curtice từ đại học Strathclyde ở Glasgow (Scotland), cho rằng ông Johnson đang có một chỗ đứng thuận lợi để có được thế đa số, nhưng đây vẫn là một ván cược mà ông phải thắng, bằng không sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.

Nếu tổng tuyển cử dẫn đến một quốc hội treo, nước cờ này của Thủ tướng Anh sẽ bị coi là "tự sát" bởi đó là lúc ông Johnson đứng trước nguy cơ vừa đánh mất giấc mơ Brexit, vừa đánh mất sự nghiệp và đánh rơi cả "vương miện" chỉ vừa mới được gia cố của đảng Bảo thủ.

Trong bối cảnh vấn đề Brexit mỗi ngày một bào mòn lòng tin của người dân dành cho các đảng lớn, cùng với những yếu tố tác động khó lường từ đảng Brexit mới thành lập và một lần "thất hứa" vì không đưa được "con thuyền Brexit" cập bến đúng ngày 31/10, khả năng đảng của ông Johnson thất bại trong cuộc bầu cử sớm cũng không phải là ít. 

Khi đó, các đảng đối lập có thể liên minh và tìm cách cản trở Brexit bằng cách tổ chức trưng cầu dân ý lần thứ hai.

Công đảng đối lập vận động tranh cử bằng chiến lược lợi dụng những điều gây bức xúc đối với bộ máy cầm quyền để kêu gọi thay đổi thực chất và cam kết một cuộc trưng cầu dân ý lần hai về Brexit. 

Ý tưởng trưng cầu dân ý lần hai cũng nằm trong quan điểm của một số đảng khác tham gia cuộc đua sắp tới như SNP của Scotland.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Lê Ánh

Nhóm cổ phiếu nào được dự báo hưởng lợi từ kết quả bầu cử tổng thống Mỹ?
Dựa trên những điểm nhấn về chính sách, Agriseco cho rằng có nhiều điểm đối lập trong cách điều hành nền kinh tế của hai ứng cử viên tổng thống. Nhóm phân tích nêu sự tác động của cuộc bầu cử đến một số nhóm ngành trên thị trường chứng khoán Việt Nam.