Thủ tục hành chính vẫn 'hành' người dân và doanh nghiệp
Việc mỗi cơ quan quản lý quản một bộ dữ liệu và không chia sẻ cùng các cơ quan, đơn vị khác đang gây không ít khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp và cả các cơ quan, đơn vị quản lý địa phương.
Bộ dữ liệu đã có nhưng chưa có quy chế chia sẻ gây khó khăn không ít cho cả người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý. (Ảnh minh họa: KT)
Gần nhất, anh N.D.B - một thành viên của diễn đàn lớn trên mạng xã hội đã chia sẻ sự bức xúc của mình khi không thể giao dịch được với ngân hàng chỉ vì lẽ số căn cước công dân không giống với số chứng minh thư đã đăng ký khi lập mới tài khoản.
Anh N.D.B cho hay: “Cầm cái thẻ căn cước ra ngân hàng để rút tiền thì ngân hàng không chấp nhận thẻ căn cước vì trước đó dùng đăng ký bằng chứng minh thư. Ngân hàng yêu cầu về địa phương xác nhận số chứng minh thư cũ kia với số căn cước công dân mới này là một”.
Điều trớ trêu là anh đang làm việc tại miền Bắc trong khi quê lại ở trong Nam.
“Sao cơ quan quản lý không tính đến chuyện thêm một dòng số chứng minh nhân dân cũ vào thẻ căn cước. Vì nhiều giấy tờ sử dụng số chứng minh thư cũ như đăng ký xe, nhà đất, thẻ ngân hàng, bảo hiểm… Giờ mỗi lần đi làm gì lại phải đi xin giấy xác nhận lại thì thực sự mất công”, anh N.D.B thắc mắc.
“Có ai trên đời cầm cái thẻ căn cước công dân, giờ đi đâu lại phải cầm theo cái giấy xác nhận nữa thật vô lý. Như vậy hóa ra sinh ra cái thẻ căn cước công dân lại không có tác dụng gì?”, anh N.D.B bức xúc.
Chia sẻ của một thành viên về sự phiền hà mình gặp phải khi cơ quan quản lý chưa có sự chia sẻ dữ liệu chung. (Ảnh chụp màn hình).
Mới đây, một đại sứ của Việt Nam ở nước ngoài đã chia sẻ trên facebook cá nhân việc ban tổ chức yêu cầu chụp ảnh thẻ lên máy bay chuyến công tác để làm thanh toán.
Đại sứ chia sẻ: “Các thủ tục hành chính của Việt Nam từ quan trọng đến bé nhỏ vẫn còn nhiều. Tôi đã than khóc với các cơ quan như quản trị, kế toán, văn phòng từ nhiều năm nay, mà những thứ như Bộ Tài chính, Kho bạc đòi cán bộ đi công tác phải nộp lại thẻ lên máy bay mới chịu thanh toán công tác phí rất mất thời gian và lãng phí công sức bao người”.
Theo vị đại sứ này, còn biết bao những thứ không cần thiết như thế này từ nhỏ đến lớn, lãng phí lượng lớn nguồn lực vốn đã thiếu, nhất là trong thời kỳ công nghệ 4.0 nhưng thủ tục vẫn còn ở mức 0.4.
Không ít người đều chung sự bức xúc với vị đại sứ về vấn đề thủ tục hành chính tại Việt Nam.
Thành viên cho biết, việc thanh toán tiền công tác phí thông qua thẻ lên máy bay (boarding pass) bắt buộc ở nhiều quốc gia, tuy nhiên đối với Việt Nam phiền phức hơn. Đó là nếu mua vé và muốn được thanh toán thì phải lấy đủ 3 báo giá của 3 công ty bán vé khác nhau rồi giá vé sẽ được thanh toán theo giá rẻ nhất.
“Một hãng máy bay thì lấy đâu ra mà ba báo giá. Giá vé thường được fix cố định, tìm code vé là ra giá tiền. Quy định này thực sự nhiêu khê”, thành viên cho hay.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI
Trao đổi với giới truyền thông mới đây, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng thừa nhận việc cải cách thủ tục hành chính tại Việt Nam hiện vẫn còn nhiều điểm nghẽn.
Những điểm nghẽn này đang níu Việt Nam lại so với tốc độ phát triển không ngừng của các quốc gia trong giai đoạn cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Theo đại diện VCCI, quản trị doanh nghiệp Việt Nam đang xếp cuối cùng trong 6 nền kinh tế hàng đầu của Asean, với khoảng cách khá xa so với nhóm dẫn đầu.
Một trong những nguyên do có thể tính đến là vấn đề về thủ tục hành chính còn rườm rà, gây lãng phí không ít thời gian, nguồn lực.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để cải thiện vấn đề thủ tục hành chính, một bộ dữ liệu chung hay sự chia sẻ dữ liệu với nhau giữa các cơ quan quản lý hành chính sẽ giúp tiết kiệm nguồn lực, thời gian của nhà nước, doanh nghiệp và cả người dân.
Dự thảo Nghị định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số đang được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tiến trình liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước, hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử.
Giới chuyên gia cho rằng, để tận dụng tốt cơ hội từ cuộc cách mạng số, Việt Nam cần sớm có cơ sở pháp lý cho việc chia sẻ, hệ thống dữ liệu hay dữ liệu cần được kết nối, liên thông, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp cho người dân, doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, điều hành nội bộ Chính phủ.
Nghị định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số được đánh giá là sẽ xóa bỏ được tình trạng cát cứ thông tin, dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương, giúp minh bạch hóa và tạo được hệ sinh thái cho kinh tế số phát triển.