|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Doanh nghiệp vẫn gặp khó về thủ tục liên quan đến đất đai và xây dựng

09:31 | 28/11/2021
Chia sẻ
Theo báo cáo của VCCI, đứng đầu nhóm thủ tục hành chính đang gây khó cho các doanh nghiệp là các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng và các thủ tục về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Tỷ lệ doanh nghiệp gặp trở ngại với hai nhóm thủ tục này lần lượt ở mức cao là 50% và 48%, dù đây là vấn đề vốn đã được kiến nghị tháo gỡ nhiều năm nay.

Tại hội nghị Đối thoại doanh nghiệp về cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng và lĩnh vực liên quan do Bộ Xây dựng phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, TS Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, đã công bố báo cáo khảo sát thực tế từ các doanh nghiệp trên phạm vi cả nước, theo Báo Chính phủ.

Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu trực tuyến Hà Nội. (Ảnh: Bộ Xây dựng).

Cụ thể, qua báo cáo, doanh nghiệp phản ánh còn gặp nhiều vướng mắc khi triển khai dự án liên quan tới nhiều lĩnh vực thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng và các lĩnh vực liên quan.

Trong số 10 nhóm thủ tục được đánh giá, hai thủ tục dễ thực hiện nhất đối với các doanh nghiệp là kết nối cấp thoát nước và kết nối cấp điện khi tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn với hai thủ tục này thấp nhất, lần lượt là 24,3% và 27,6%. 

Trong khi đó, doanh nghiệp còn gặp khó khăn nhất định khi tiến hành các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng và các thủ tục về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Tỷ lệ doanh nghiệp gặp trở ngại với hai nhóm thủ tục này lần lượt là 50% và 48%, cao nhất trong các thủ tục được đánh giá.

Nghiên cứu chi phí thời gian trong hoạt động cấp phép xây dựng, một doanh nghiệp điển hình trung bình cần khoảng ba lượt đến cơ quan quản lý Nhà nước để hoàn tất xin cấp phép xây dựng trong năm 2020, con số này không có thay đổi đáng kể so với khảo sát trong năm 2019. 

Tuy nhiên, số ngày từ lúc doanh nghiệp nộp hồ sơ xin cấp phép xây dựng đến khi nhận giấy phép trong năm 2020 đã có sự cải thiện đáng kể so với năm 2019.

Theo Báo Xây dựng, phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho biết: Ngành Xây dựng là ngành kinh tế quan trọng của đất nước đóng góp lớp trên 6% GDP cả nước, tổng giá trị các công trình hạ tầng cầu đường nhà xưởng bất động sản rất lớn chiếm khoảng 20% GDP và tạo việc làm cho hàng triệu lao động và cơ sở vật chất thiết yếu cho các ngành kinh tế.

Theo ông Phạm Tấn Công, kết quả báo cáo trên là trải nghiệm trực tiếp của gần 2.000 doanh nghiệp có thực hiện hoạt động xây dựng công trình trong hai năm gần nhất, trong số gần 10.200 doanh nghiệp phản hồi khảo sát của VCCI.

Cũng tại buổi hội thảo, bà Nguyễn Minh Thảo, Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương, cho rằng giải pháp về cải cách thủ tục hành chính như một gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, là giải pháp bền vững, dài hạn mà các doanh nghiệp mong chờ như thủ tục về đầu tư, đất đai, môi trường.

Từ thực tế nghiên cứu, đại diện Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương cho rằng dư địa cải cách vẫn còn nhiều đồng thời đề xuất cùng với việc cắt giảm thời gian ở mỗi thủ tục cần phải khắc phục được những mâu thuẫn và chồng chéo giữa các lĩnh vực đất đai, xây dựng và môi trường.

Trên tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, tập trung tháo gỡ khó khăn về cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng và các lĩnh vực liên quan, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết sẽ tập trung chỉ đạo các cục, vụ và các đơn vị trực thuộc Bộ tiếp thu, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp nhằm kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện về mặt thể chế, gỡ vướng về chính sách đối với các lĩnh vực quản lý Nhà nước thuộc Bộ Xây dựng.

Phương Trang