Thứ trưởng Công Thương: Có thể áp biện pháp phòng vệ nếu Grab độc quyền
Uber rút khỏi và sự nổi lên của các doanh nghiệp địa phương, con đường phía trước của Grab liệu có thênh thang? | |
Singapore, Malaysia kiểm soát đặc biệt khi Grab mua Uber |
Trả lời VnExpress tối 2/4, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, cơ quan này vẫn chưa nhận được văn bản trả lời của Công ty TNHH GrabTaxi về vụ Grab mua lại hoạt động của Uber tại thị trường Đông Nam Á.
"Không loại trừ khả năng chúng tôi sẽ áp dụng biện pháp tạm thời với Grab, Uber, song mọi phán quyết sẽ được đưa ra sau khi chúng tôi nhận được báo cáo về hợp đồng mua bán này. Tuy nhiên đến giờ Bộ vẫn chưa nhận được báo cáo trên", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Cũng theo vị này, Luật Cạnh tranh 2004 quy định, những trường hợp mua bán - sáp nhập (M&A) có ảnh hưởng lớn đến mức độ cạnh tranh của thị trường sẽ bị hạn chế. Cụ thể nếu thị phần sau khi Grab mua Uber trên 30% thì doanh nghiệp phải gửi báo cáo đến cơ quan cạnh tranh về vụ mua bán. Trường hợp thị phần sau sáp nhập trên 50% thì thương vụ sẽ thuộc diện bị hạn chế, trừ trường hợp miễn trừ mới được phép tiến hành.
Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời tại buổi họp báo chiều tối 2/4. Ảnh: Võ Hải |
Theo các chuyên gia, hiện nay việc "định danh" Grab, Uber tại Việt Nam vẫn chưa rõ ràng, là hãng taxi truyền thống hay chỉ là dịch vụ kết nối vận tải theo hợp đồng... Vì thế, việc xác định thị phần tại Việt Nam gặp khó khăn. Tuy nhiên, Thứ trưởng Công Thương khẳng định, dù hoạt động theo hình thức nào thì Grab, Uber vẫn phải hoạt động đảm bảo cạnh tranh theo quy định của luật.
"Chắc chắn quyền lợi của tài xế, người tiêu dùng sẽ được đảm bảo theo pháp luật cạnh tranh", ông nói thêm.
Trước đó ngày 27/3, Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã gửi văn bản yêu cầu Công ty TNHH GrabTaxi cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến việc Grab mua lại hoạt động kinh doanh của Uber tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có thị trường Việt Nam.
Tương tự, Uỷ ban quản lý cạnh tranh Singapore cũng yêu cầu Grab, Uber gửi báo cáo, “làm rõ chi tiết” về thoả thuận mua lại giữa hai doanh nghiệp này. Hiện Uỷ ban này đã áp dụng biện pháp phòng vệ tạm thời với Grab do "có cơ sở cho thấy Grab vi phạm cạnh tranh".
Hôm 25/3, Uber Technologies phát đi thông báo xác nhận bán mảng kinh doanh tại Đông Nam Á cho đối thủ Grab, đánh dấu sự rút lui thứ 2 tại châu Á. Theo thỏa thuận, Uber sẽ bán toàn bộ mảng kinh doanh tại thị trường 620 triệu dân này, kể cả dịch vụ giao đồ ăn Uber Eats cho Grab. Đổi lại, họ sẽ nhận 27,5% cổ phần trong Grab. Từ 8/4, toàn bộ khách hàng và tài xế dùng Uber sẽ chuyển qua ứng dụng của Grab.