Thủ phủ Đồng Nai công bố hết dịch tả heo châu phi, khuyến khích người chăn nuôi tái đàn
Đồng Nai chính thức hết dịch tả heo châu Phi sau gần 1 năm
Ngày 25/3, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành văn bản số 3119/UBND-KTN công bố tỉnh Đồng Nai đã hết dịch tả heo châu Phi.
Theo nội dung văn bản, từ ngày 15/3/2020, toàn bộ 137/137 xã, phường, thị trấn (100% các địa phương) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã qua 30 ngày không tái phát dịch tả heo châu Phi. UBND các huyện, TP Long Khánh và TP Biên Hòa đã thực hiện công bố hết dịch trên địa bàn.
Việc công bố hết dịch tả heo châu Phi nhằm tạo thuận lợi cho việc vận chuyển, kinh doanh, giết mổ, tiêu thụ heo và sản phẩm từ heo trên địa bàn Đồng Nai và các tỉnh, thành phố trong cả nước; đảm bảo theo qui định của Luật Thú y năm 2015 và theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT).
Dịch tả heo châu Phi xuất hiện ở Đồng Nai từ ngày 17/4/2019 trên địa bàn huyện Trảng Bom. Tính đến ngày 31/12/2019, dịch bệnh này đã xảy ra tại 137 xã, phường, thị trấn của tỉnh, ảnh hưởng đến 5.371 hộ chăn nuôi. Số heo tiêu hủy lên đến 450.000 con.
Trước đó, theo báo cáo công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) ngày 12/3, cả nước có 98,7% số xã có dịch tả heo châu Phi đã qua 30 ngày. Trong đó có 39 tỉnh, TP đã hết dịch, bao gồm các vùng chăn nuôi lớn như Hà Nội, Hưng Yên... và bây giờ là thủ phủ chăn nuôi Đồng Nai.
Đến ngày 10/3, tổng đàn heo của cả nước đạt gần 24 triệu con, tương đương 74% so với trước khi có bệnh (khoảng 31 triệu con vào tháng 12/2018). Trong đó, lượng heo nái đạt 2,7 triệu con, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu nhân giống phục vụ tái đàn.
Theo dự báo, lượng heo tái đàn sẽ tăng cao từ tháng 3, đẩy nguồn cung thịt heo cho năm 2020 đạt khoảng 4 triệu tấn.
Đẩy mạnh tái đàn sau dịch
Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu rõ, đối mặt với “thách thức kép” trong bối cảnh dịch COVID- 19 diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu và dịch bệnh trong chăn nuôi, các đơn vị trực thuộc Bộ phải nỗ lực tìm mọi giải pháp để đảm bảo thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu; trong đó có việc tái đàn chăn nuôi heo.
Kinh nghiệm từ các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học cho thấy, không chỉ giúp tiết kiệm chi phí chăn nuôi mà còn giúp nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi, từ đó phòng chống hiệu quả các bệnh truyền nhiễm, trong đó có dịch tả heo châu Phi.
Tuy nhiên, điều kiện để nhân rộng mô hình này đòi hỏi các trang trại chăn nuôi phải được xây dựng ở địa điểm phù hợp, đảm bảo cự li an toàn với các khu vực xung quanh.
Ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai, cho hay tỉnh này đã căn bản khống chế được dịch tả heo châu Phi. Đây là điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi trong việc tính đến chuyện tổ chức tái đàn heo, theo báo Đồng Nai đưa tin.
Tuy nhiên, Đồng Nai đã ban hành văn bản qui định điều kiện tái đàn đối với các cơ sở chăn nuôi chưa xảy ra dịch tả và cả các cơ sở đã xảy ra dịch tả. Các cơ sở trên phải có đơn đăng kí với UBND xã nơi tổ chức chăn nuôi để thực hiện các bước kiểm tra và chỉ được phép tái đàn khi đủ các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học.
“Những cơ sở tái đàn tự phát không đăng kí hoặc không thực hiện đúng cam kết về đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi sẽ không được nhận hỗ trợ của Nhà nước khi dịch tả heo châu Phi tái phát”, ông Giang cho biết thêm.
Ông Võ Văn Chánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương và sở, ngành liên quan cần quan tâm hỗ trợ cho doanh nghiệp, người chăn nuôi tái đàn, tăng đàn heo, nhất là quan tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc khi đầu tư dự án mới như quĩ đất, thủ tục, hồ sơ, nguồn vốn…
"Đồng Nai sẽ hỗ trợ hết mức cho những nhà đầu tư quan tâm đến việc liên kết, hỗ trợ người chăn nuôi đầu tư nuôi heo theo hướng bền vững vì nó không chỉ góp phần giải quyết vấn đề đảm bảo nguồn thực phẩm cho thị trường mà còn giúp ổn định đời sống của người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh", Phó chủ tịch UBND tỉnh cho hay.
Giảm giá heo xuống mức độ hợp lí
Ngoài việc tập trung chỉ đạo tái đàn heo theo hướng đảm bảo an toàn sinh học, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến còn cho biết Bộ NN&PTNT đang đẩy mạnh, kết nối với các doanh nghiệp tăng nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm trong nước.
Trên cơ sở dịch tả heo châu Phi đã qua, trước đó, ngày 10/3 Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã yêu cầu các doanh nghiệp lớn đưa giá heo hơi về ngưỡng 70.000 đồng/kg.
Bộ sẽ tiếp tục đề nghị 17 tập đoàn, doanh nghiệp lớn phải thực hiện theo khuyến nghị, theo yêu cầu của Chính phủ, của Bộ NN&PTNT đưa giá heo dần xuống mức độ hợp lí để phát triển một cách lành mạnh và bền vững...
Còn trong cuộc họp Thường trực Chính phủ về giải pháp bình ổn giá thịt heo chiều 20/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, cơ quan quản lí Nhà nước về giá kiên quyết đưa giá thịt heo hơi xuống dưới 60.000 đồng/kg bằng các biện pháp phù hợp. Nếu không, Thủ tướng sẽ quyết định nhập khẩu thịt heo từ các nước như Nga, Mỹ,… để giảm giá, phục vụ người tiêu dùng.
Tuy nhiên, đến nay, giá heo vẫn chưa có nhiều thay đổi. Cập nhật ngày 26/3, giá heo tại miền Bắc dao động từ 80.000 - 85.000 đồng/kg, miền Trung, Tây Nguyên từ 70.000 - 84.000 đồng/kg và miền Nam từ 78.000 - 82.000 đồng/kg.