|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thủ phủ cua Cà Mau mong tìm thị trường mới trong dịch Covid-19

20:50 | 22/02/2020
Chia sẻ
Giá cua giảm sâu do dịch Covid-19, người dân thủ phủ cua Cà Mau kỳ vọng sẽ tìm được thị trường mới từ Thái Lan, Singapore...

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Trung Quốc hạn chế nhập khẩu nông sản của Việt Nam. Đặc biệt, mặt hàng cua vốn là một trong những sản phẩm được thị trường Trung Quốc rất ưa chuộng đang giảm giá sâu, thậm chí các thương lái địa phương ngưng thu mua do không có đầu ra.

Giá cua giảm sâu

Thủ phủ của con cua Cà Mau chính là vùng đất bạt ngàn rừng đước, rừng mắm huyện Năm Căn. Những ngày này người dân nuôi cua nơi đây đứng ngồi không yên khi giá cua liên lục lao dốc. 

Anh Lữ Minh Thảo (ở xã Tam Giang, huyện Năm Căn) cho biết: khoảng ngày 25, 26 Tết, thương lái đến tận nhà anh thu mua cua với giá từ 750.000 - 800.000 đồng/kg.

Thủ phủ cua Cà Mau mong tìm thị trường mới trong dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Giá cua Cà Mau đang giảm sâu do xuất khẩu khó khăn.

Vài ngày giáp Tết gia đình anh đã kiếm được hàng chục triệu đồng từ con cua. Từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, không chỉ giá giảm mạnh mà thương lái còn ngưng không thu mua cua làm ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế gia đình.

"Giá cua bây giờ còn có trăm mấy, hai trăm, thương lái không mua gì hết. Một số bà con bắt cua thấy giá rẻ phải thả cua lại, một số rọng lại bị chết. Bây giờ có mấy hộ không có tiền đóng lãi tiền vay nữa, gặp khó khăn rất nhiều", anh Thảo nói.

Theo ghi nhận của phóng viên, giá cua gạch tại huyện Năm Căn chỉ còn hơn 300.000 đồng/kg; cua thịt loại 1 cũng chỉ còn khoảng trên 200.000 đồng/kg. Hằng năm, giá cua sau Tết Nguyên đán thường giảm nhưng chưa năm nào giảm đột ngột và giảm sâu như năm nay. Nếu so với cùng kỳ năm trước, giá cua thương phẩm cũng đang thấp hơn khoảng 30 - 40%.

Nguyên nhân giá cua giảm mạnh là do thị trường xuất khẩu gặp khó khăn. Trong đó, thị trường Trung Quốc, chiếm khoảng 80% sản lượng xuất  khẩu mặt hàng cua của huyện Năm Căn gần như không nhập hàng.

Ông Trần Thanh Dũng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Cua Biển Nam nêu ý kiến: "Đề xuất với các ngành có thẩm quyền liên quan tạo điều kiện cho anh em thương lái cũng như bà con nhân dân ở mở rộng thị trường các nước khác như: Thái Lan, Singapore. 

Trước mắt, gỡ được phần rối về đại dịch, nhưng sau này được thị trường rộng mở hơn, chớ không phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc quá nhiều".

Cần thị trường mới

Thống kê của Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Năm Căn, toàn huyện có gần 25.000 ha đất nuôi cua xen canh với tôm. Hàng năm, sản lượng thu hoạch đạt từ 5.000 đến 6.000 tấn cua thương phẩm. 

Từ khi dịch bệnh Corona bùng phát ở Trung Quốc đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sản xuất của bà con nông hộ cũng như các cơ sở kinh doanh mặt hàng cua ở vùng đất ngập mặn này.

Thủ phủ cua Cà Mau mong tìm thị trường mới trong dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Con cua Cà Mau đang cần thị trường mới.

Hiện ngành chức năng huyện Năm Căn đang tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân. Tuy nhiên, trong phạm vi, quyền hạn và thực tế tại địa phương, ngành chức năng huyện này cũng chỉ biết kiến nghị.

Ông Phạm Trường Giang, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Năm Căn nêu rõ: Bây giờ mình đang tìm thị trường khác, trong nước thì doanh nghiệp làm được, còn ra nước ngoài doanh nghiệp không làm được, trừ khi người ta tìm tới.

"Hiện nay, cua chủ yếu xuất theo đường tiểu ngạch. Chúng tôi rất mong Nhà nước đứng ra, hoặc là tỉnh liên hệ với Bộ Công Thương mời doanh nghiệp về hợp tác. 

Còn các doanh nghiệp nhỏ lẻ ở địa phương không có khả năng để liên hệ giao dịch mua bán. Địa phương cũng chỉ phản ánh, kiến nghị chứ không thực hiện được việc này", ông Giang cho hay.

Dịch Covid-19 ở Trung Quốc còn diễn biến phức tạp trong khi, thị trường xuất khẩu cua của tỉnh Cà Mau lại gần như phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường nước này. 

Nếu dịch bệnh Covid-19 tiếp tục kéo dài, tình hình sản xuất, kinh doanh cua của người dân Cà Mau sẽ tiếp tục đối diện nhiều khó khăn hơn. Trước thực trạng này, các cấp ngành liên quan cần vào cuộc kịp thời và có giải pháp tháo gỡ cho người dân.

Trần Hiếu