Thu nhập của người lao động giảm mạnh do dịch COVID-19
Tình hình lao động việc làm quý III của thị trường lao động cho thấy, số người có việc làm giảm đáng kể so với quý trước và cùng kỳ năm trước; tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng lên mức cao nhất kể từ khi dịch xuất hiện đến nay. Đặc biệt, thu nhập bình quân tháng của người lao động sụt giảm nghiêm trọng so với quý trước và cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, quý III/2021, hầu hết các ngành kinh tế đều ghi nhận mức sụt giảm thu nhập bình quân của người lao động so với quý trước và cùng kỳ năm trước.
Theo đó, người lao động làm việc trong khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng về thu nhập nặng nhất với mức thu nhập bình quân đạt 6,2 triệu đồng/tháng, giảm 13,5% so với quý trước. Lao động khu vực công nghiệp và xây dựng có mức thu nhập bình quân đạt 5,8 triệu đồng/tháng, giảm 13,2% so với quý trước.
Thu nhập bình quân của lao động quý III/2021 đạt 5,2 triệu đồng/tháng, giảm 847.000 đồng so với quý trước và giảm 573.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, để thu hút lại lao động quay trở lại thị trường lao động cũ trong bối cảnh hiện nay là thách thức khá lớn đối với doanh nghiệp và Chính phủ. Người lao động sẽ khó quay lại thị trường lao động, cũng như doanh nghiệp khó tuyển dụng lao động nếu dịch bệnh tại những địa phương này vẫn diễn biến phức tạp.
Trước tình hình này, Tổng cục Thống kê đề xuất Chính phủ có những biện pháp kịp thời như: tiếp tục phủ xanh vaccine toàn dân đặc biệt là những thị trường lao động năng động thu hút nhiều lao động sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát được dịch COVID-19 hiện vẫn diễn biến phức tạp ở các tỉnh phía Nam để tạo ổn định tâm lý của người dân. Từ đó, tạo niềm tin vào chính sách phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ người dân gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Cùng với đó, các địa phương có chính sách hỗ trợ tốt người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sơ sản xuất để tạo tâm lý cho người lao động yên tâm làm việc. Điều này nhằm giữ chân người lao động, tránh xảy ra hiện tượng thiếu hụt lao động tại những địa phương đang có dịch bệnh phức tạp.
Bên cạnh đó, các địa phương hỗ trợ kịp thời với những lao động kể cả lao động phi chính thức đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 như: lao động đang phải tạm hoãn việc, chấm dứt hợp đồng lao động, hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho người lao động.
Mặt khác, các địa phương chăm lo sức khỏe, đời sống của người dân, đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; trong đó, thực hiện đảm bảo lương thực, thực phẩm và các dịch vụ thiết yếu, dịch vụ y tế, an sinh xã hội cho người dân, có giải pháp hỗ trợ phù hợp với các nhóm đối tượng cụ thể.
Cùng đó, phát huy, lan tỏa tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống. Đối với các địa phương nơi tiếp nhận lao động di cư quay về cần tạo điều kiện bố trí công ăn việc làm cho người lao động...