|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thống trị mảng giao đồ ăn tại Đông Nam Á nhưng Grab vẫn chưa thể vượt qua đối thủ này ở Việt Nam

07:48 | 28/01/2022
Chia sẻ
Tại Việt Nam, Grab và ShopeeFood (trước đây là Now) có thị phần ngang bằng nhau trong năm 2021.

Theo báo cáo Nền tảng Giao đồ ăn tại Đông Nam Á của Momentum Works cho năm 2021, mặc dù con số tăng trưởng không ấn tượng như trong năm 2020, mảng giao đồ ăn tại khu vực vẫn tiếp tục tăng trưởng trong năm 2021. Đông Nam Á ghi nhận mức tăng trưởng 30% để nâng tổng giá trị hàng hoá giao dịch (GMV) mảng giao đồ ăn lên mốc 15,5 tỷ USD, cao nhất trong lịch sử.

Tăng trưởng này là bằng chứng cho thấy đại dịch có tác động đủ lâu dài lên hành vi người tiêu dùng trong bối cảnh người dân, đặc biệt là ở khu vực thành thị, đã trở nên quen thuộc với sự tiện dụng của dịch vụ giao đồ ăn, Momentum Works nhận định.

Grab 'thống trị' mảng giao đồ ăn Đông Nam Á nhưng cục diện cạnh tranh tại Việt Nam mới thực sự khốc liệt - Ảnh 1.

GMV mảng giao đồ ăn tại Đông Nam Á từ 2018 đến 2021. (Nguồn: Momentum Works, Đồ hoạ: Thái Sơn).

Không quá ngạc nhiên khi thị trường giao đồ ăn lớn nhất Đông Nam Á vẫn giữ nguyên "thứ hạng" như năm 2020 và lần lượt là Indonesia, Thái Lan và Singapore. Dù vậy, Thái Lan và Malaysia là hai quốc gia có dung lượng thị trường tăng trưởng mạnh nhất trong năm 2021 so với cùng kỳ năm trước đó. Điều này thể hiện sức mạnh tiêu dùng tại đây bất chấp đại dịch COVID-19.

Trong khi đó, Việt Nam là thị trường tăng trưởng ít nhất trong khu vực. Đây cũng là điều dễ hiểu khi đại dịch COVID-19 khiến dịch vụ giao đồ ăn phải ngừng hoạt động tại nhiều thành phố lớn trong nhiều tháng.

Grab 'thống trị' mảng giao đồ ăn Đông Nam Á nhưng cục diện cạnh tranh tại Việt Nam mới thực sự khốc liệt - Ảnh 2.

GMV mảng giao đồ ăn tại các quốc gia Đông Nam Á trong năm 2021. (Nguồn: Momentum Works, Đồ hoạ: Thái Sơn).

Grab vẫn là "ông vua" giao đồ ăn Đông Nam Á khi đóng góp tới gần một nửa (49%) tổng GMV trong khu vực của mảng dịch vụ này, ước tính ở mức 7,6 tỷ USD. Foodpanda là công ty lớn thứ ahi với GMV 3,4 tỷ USD (22% thị phần). Gojek cán đích ở vị trí số 3 với GMV 2 tỷ USD (14%) thị phần.

Với GMV ấn tượng, Grab đứng đầu thị trường ở 5 trong số 6 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, bao gồm Singapore, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam (chung hạng với ShopeeFood) và Philipines. Foodpanda đứng đầu thị trường Malaysia dù chỉ có thành tích nhỉnh hơn Grab chút đỉnh. Tại Việt Nam, Grab có 41% thị phần, tương đương với ShopeeFood (trước đây là Now). Baemin và Gojek lần lượt có 15% và 3% thị phần tại Việt Nam.

Grab 'thống trị' mảng giao đồ ăn Đông Nam Á nhưng cục diện cạnh tranh tại Việt Nam mới thực sự khốc liệt - Ảnh 3.

GMV mảng giao đồ ăn tại các quốc gia Đông Nam Á của các công ty cung cấp dịch vụ trong năm 2021. (Nguồn: Momentum Works, Đồ hoạ: Thái Sơn).

Cũng trong báo cáo của mình, Momentum Works cho biết một số công ty như Line Man, Grab, Gojek và Foodpanda đang tích cực mở rộng các mảng kinh doanh liên quan đến giao đồ tươi sống và thương mại nhanh (quick commerce). Sở dĩ các công ty này có thể làm như vậy nhờ năng lực giao nhận có sẵn và tập người dùng lớn.

Nam Khánh