Động thái lạ của Grab: Mạnh tay chi tiền mua chuỗi cửa hàng bán đồ tươi sống tại Malaysia
Khi Grab xuất hiện trên thị trường vào năm 2021, mô hình kinh doanh theo đuổi rất rõ ràng: một startup không phụ thuộc nhiều vào tài sản cố định. Grab cung cấp một nền tảng kết nối người dùng với các dịch vụ như gọi xe và giao đồ ăn. Startup này thu phí từ cả hai chiều, nguồn cung và nhu cầu, khi thực hiện kết nối họ với nhau.
Mọi thứ bắt đầu thay đổi khi Grab niêm yết trên sàn Nasdaq vào hôm 3/12 và thu hút thêm 4,5 tỷ USD vốn đầu tư. Chưa đầy hai tuần sau đó, vào hôm 13/12, Grab công bố mua lại chuỗi bán đồ tươi sống Malaysia Jaya Grocer.
Các chuyên gia ngành nói với Tech in Asia rằng động thái của Grab không chỉ cho thấy bước chuyển dịch trong mô hình kinh doanh của Grab mà còn khẳng định bước tiến của nó từ hình ảnh một startup trở thành một tập đoàn đa quốc gia.
Mặc dù việc thâu tóm Jaya Grocer được xem là một tín hiệu tích cực với Grab, các chuyên gia đồng thời cảnh báo rằng các lĩnh vực thương mại nhanh (quick commerce hay q-commerce) và giao đồ tươi sống đang ngày càng nóng lên.
Grab đã chi bao nhiêu tiền để mua lại Jaya Grover?
Grab không công bố số tiền mà nó bỏ ra để mua Jaya Grocer. Dù vậy, các chuyên gia trong mảng bán lẻ và tiêu dùng ước tính quy mô thương vụ có thể dao động trong khoảng từ 358,6 triệu USD đến 430,3 triệu USD). Hiện tại, Jaya Grocer đang vận hành 40 cửa hàng.
Việc Grab mua lại Jaya Grocer được thực hiện chỉ 17 ngày sau khi những người đồng sáng lập Jaya Grocer, gia đình Teng, mua lại toàn bộ cổ phần chuỗi này từ AIGF Advisors với giá khoảng 98,2 triệu USD cho 45% cổ phần. Trước đó, AIGF Advisors trở thành cổ đông của Jaya Grocer vào năm 2016 với số tiền đầu tư 71,7 triệu USD.
Điều này đồng nghĩa với việc gia đình Teng đã có một deal hời khi mua lại cổ phần và bán lại cho Grab. Tech in Asia cho biết Teng Yyew Huat là cổ đông lớn của Jaya Grocer và sở hữu khoảng 55% cổ phần.
Một nước đi chiến lược
Victor Chua, đối tác quản lý của công ty đầu tư mạo hiểm Vynn Capital, nói rằng mua lại Jaya Grover là nước đi chiến lược của Grab vì hai lý do.
"Đầu tiên, động thái này củng cố chuỗi cung ứng bằng cách thâm nhập sâu vào chuỗi cung ứng để tối ưu vận hành và lợi nhuận", ông Chua nói. "Thứ hai, Grab sẽ có mô hình tổng thể hơn từ ngoại tuyến đến trực tuyến. Cả hai lý do này đều giúp Grab hiện thực hóa tham vọng siêu ứng dụng".
Một lợi ích tiềm năng khác là người dùng Grab có thể tìm đến một nhà cung cấp duy nhất để có thể mua được toàn bộ các loại đồ tươi sống mà họ cần thay vì phải tìm kiếm một cửa hàng nào đó thông qua ứng dụng này nhưng mặt hàng cũng không có. Đây sẽ là lợi thế cạnh tranh của Grab so với Lazada hay Shopee.
Dù thế, Jaya Grocer sẽ là một nỗi lo lắng về lợi nhuận cho Grab. Trong năm 2020, Jaya Grocer lỗ 16,3 triệu USD trên doanh thu 320,3 triệu USD. Một ngân hàng đầu tư thị trường Đông Nam Á nhận định mua lại Jaya Grocer có thể sẽ mang đến cho Grab cơ hội học hỏi.
"Jaya Grocer có kinh nghiệm xử lý về logistics, đặc biệt là quản lý kho hàng, tối ưu không gian và phân phối", ngân hàng đầu tư này nhận định. "Các cửa hàng đồ tươi sống có thể trở thành trung tâm phân phối cho các tài xế giao hàng", chuyên gia này nói thêm. Đây chính là lợi thế của Grab trên cuộc đua q-commerce.
Cạnh tranh khốc liệt
Thế nhưng liệu Grab có thể bắt kịp các đối thủ? Grab đang gia nhập cuộc chơi "dark store" (các cửa hàng lập ra chỉ dành cho mục đích mua sắm trực tuyến) mở Malaysia. Tại thị trường này, Foodpanda đang là đơn vụ tiên phong khi phát triển hệ thống Pandamart đồng thời có mạng lưới đối tác là các chuỗi lớn như 7-Eleven. Foodpanda triển khai dịch vụ q-commerce ở Malaysia, bao gồm giao đồ tươi sống, vào năm 2019.
Afzan Lutfi, giám đốc tại Foodpanda, nói với Tech in Asia rằng công ty này đang có hơn 50 Pandamart tại Malaysia với độ phủ địa lý còn cao hơn Jaya Grocer. Afzan Lutfi nói thêm rằng Foodpanda có cách tiếp cận toàn diện hơn khi làm việc với cả các chuỗi siêu thị lớn và các cửa hàng địa phương nhỏ được yêu thích.
Grab cố gắng cạnh tranh với Foodpanda bằng cách ra mắt GrabMart. Thế nhưng, ở Malaysia, dịch vụ giao hàng nhanh của nó chỉ mở cửa từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Thời gian giao hàng vào ngày hôm sau hoặc giao hàng theo lịch nằm trong khoảng từ 7 giờ sáng đến 11 giờ 30 tối.
Khung giờ này vẫn chưa cạnh tranh được với Foodpanda khi Foodpanda giao hàng nhanh hơn và hoạt động trong khung giờ dài hơn. Ở Malaysia, Pandamart mở cửa từ 7 giờ sán đến 11 giờ 30 tối.
Ông Afzan khẳng định Foodpanda có thể giao hàng "trong vòng 20 đến 25 phút sau khi nhận được đơn". Bên cạnh Foodpanda, thị trường còn có sự tham gia của những cái tên khác như Shopee, công ty đang tích cực mở rộng mảng giao hàng nhanh.
Bất chấp cạnh tranh, mua lại Jaya Grocer "vẫn là chiến lược của Grab và là một trong số các chiến lược có mức độ chắc chắn cao. Vì thế đây là một nước đi hợp lý", ngân hàng đầu tư nói.
Đánh cược vào mảng giao hàng
Grab lỗ EBITDA 212 triệu USD trong quý III/2021, tăng so với mức lỗ 128 triệu USD của cùng kỳ năm trước đó.
Dù vậy, mảng giao hàng của Grab tăng trưởng 63% so với cùng kỳ và GMV đạt mốc 2,3 tỷ USD. Nếu xét riêng ở mảng Grabmart, Grabmart đang tăng trưởng khoảng 380% mỗi năm. Grab đang đẩy mạnh mảng giao hàng thông qua cách hợp tác với nhiều ông lớn Đông Nam Á.
Một thách thức khác với Grab là không dễ thực hiện được các thương vụ tương tự như thâu tóm Jaya Grocer ở các thị trường khác. Về phần mình, Grab cũng từ chối chia sẻ về điều này.
Ông Chia của Vynn Capital nhận định không dễ để Grab có thể thực hiện chiến lược tương tự do phụ thuộc vào việc tìm kiếm các chuỗi đồ tươi sống địa phương có thể bổ trợ được cho hoạt động kinh doanh của Grab.