|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thống đốc NHNN lý giải vì sao doanh nghiệp bất động sản khó tiếp cận vốn

20:24 | 28/10/2024
Chia sẻ
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng có những dự án bất động sản khả thi, có khả năng trả nợ nhưng ngân hàng vẫn phải từ chối cho vay nếu không phù hợp với khả năng cân đối vốn của ngân hàng.

Chiều 28/10, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng thông tin đến ngày 28/10, tăng trưởng tín dụng của bất động sản cao hơn so với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Dư nợ tín dụng của bất động sản đạt 3,15 triệu tỷ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2023, chiếm 20% tổng dư nợ chung của nền kinh tế.

Tính đến cuối tháng 9/2024, dư nợ tín dụng bất động sản (BĐS) phục vụ mục đích tự sử dụng ở mức 1,88 triệu tỷ đồng, tăng 4,62% và dư nợ tín dụng kinh doanh BĐS là hơn 1,26 triệu tỷ, tăng hơn 16%.

 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại cuộc họp chiều ngày 28/10. (Ảnh: Báo Chính Phủ)

Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, tiềm ẩn rủi ro an toàn kỳ hạn

Tín dụng bất động sản tăng nhanh thời gian qua, tuy nhiên một số đại biểu vẫn phản ánh về tình trạng doanh nghiệp khó tiếp cận vốn. 

Theo ý kiến của đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu), phần lớn các doanh nghiệp BĐS nhỏ và vừa gặp khó khăn khi tiếp cận vốn tín dụng một phần vì thiếu tài sản bảo đảm, một phần do các ngân hàng kiểm soát rủi ro trong cho vay BĐS, có thời điểm lãi suất cho vay lên từ 12-14%.  

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng cho rằng thời điểm thị trường BĐS sôi động trước đây, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn tín dụng nên chấp nhận vay với lãi suất cao để triển khai dự án. Đây là một trong các lý do đẩy giá nhà tăng cao.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh vốn đầu tư vào thị trường BĐS thường có giá trị lớn, thời hạn dài và cần huy động từ nhiều kênh, trong khi vốn ngân hàng chỉ là một kênh huy động vốn. Theo quy định của pháp luật hiện hành, các tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ tự quyết định cấp tín dụng trên cơ sở thoả thuận với khách hàng về mức cho vay, thời hạn và lãi suất.

Bên cạnh đó, các TCTD cần phải luôn đảm bảo các tỷ lệ an toàn, tỷ lệ thu hồi vốn để sẵn sàng chi trả cho người gửi tiền. Các TCTD phải thận trọng khi cho vay mới và đặc biệt là đối với các dự án bất động sản có kỳ hạn dài. 

“Ngay cả khi có những dự án bất động sản khả thi, có khả năng trả nợ nhưng ngân hàng vẫn phải từ chối cho vay nếu không phù hợp với khả năng cân đối vốn của ngân hàng. Hiện nay, hệ thống ngân hàng chủ yếu huy động vốn ngắn hạn trong khi nhu cầu thị trường BĐS chủ yếu lại là vay dài hạn”, Thống đốc cho biết.

Phản ánh về nhận định về lãi suất cho vay còn cao, Thống đốc thông cho rằng "doanh nghiệp đi vay bao giờ cũng muốn lãi suất vay thấp. So với mặt bằng lãi suất chung, lãi suất cho vay BĐS thường cao hơn do kỳ hạn dài và các TCTD cũng phải trả lãi suất huy động cao hơn cho các kỳ hạn dài như vậy.

Trong bối cảnh lãi suất quốc tế tăng rất cao, mặt bằng lãi suất tại Việt Nam vẫn được kiểm soát, lãi suất cho vay mới giảm khoảng 3% từ đầu năm 2022 đến nay. Các TCTD cũng dành nguồn lực tài chính để miễn, giảm lãi suất cũng như là miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp và người dân, ước tính tổng giá trị khoảng 60.000 tỷ đồng".

Mục tiêu phát triển nhà ở xã hội phụ thuộc nhiều vào nguồn lực nhà nước

Theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội, việc tiếp cận vốn của các dự án nhà ở xã hội đang là thách thức lớn. Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) cho biết thủ tục vay vốn còn nhiều bất cập, nhiều đối tượng có nhu cầu mua nhà nhưng chưa đủ điều kiện để được hỗ trợ vay vốn.

Do đó, đại biểu kiến nghị cần bảo đảm bố trí đủ nguồn vốn NSNN để thực hiện chính sách phát triển nhà ở xã hội; trong đó đề nghị NHNN có chủ trương cải cách các thủ tục hành chính xét duyệt, cho vay mua nhà ở xã hội.

Đối với tín dụng nhà ở xã hội, Thống đốc cho hay việc thực hiện mục tiêu phát triển nhà ở xã hội phụ thuộc nhiều vào nguồn lực nhà nước. Hiện nay, Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) đang triển khai 4 chương trình tín dụng chính sách nhà ở xã hội song ngân hàng này chỉ là đơn vị giải ngân, đối tượng vay do quy định của các bộ, ngành đề ra.

Thời gian qua, ngành ngân hàng đã ủng hộ phát triển nhà ở xã hội bằng gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, đến nay đã tăng lên 145.000 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn do các TCTD tự huy động được từ người dân, sử dụng chính nguồn lực của mình để giảm lãi suất cho người vay (1,5 - 2%/năm).

“Giải ngân gói tín dụng này vẫn còn ít, hiện mới được 1.700 tỷ đồng do đang ở giai đầu. Hơn nữa, sau COVID-19, nguồn thu của người có thu nhập thấp ngày càng khó khăn nên nhu cầu vốn chưa cao. Hy vọng thời gian tới, khi khó khăn giảm bớt, nhu cầu vốn của người dân sẽ tăng lên,” Thống đốc cho hay.

Thống đốc nhấn mạnh, mục tiêu phát triển nhà ở xã hội cần nguồn lực từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, cũng cần phải khảo sát nhu cầu sở hữu nhà ở hay nhu cầu đi thuê nhà từ người dân để từ đó có giải pháp phù hợp trong thời gian tới.

Minh Nguyệt