|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Đề xuất người đi đấu giá đất phải chứng minh năng lực tài chính

16:24 | 28/10/2024
Chia sẻ
Đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất cần phải yêu cầu người tham gia đấu giá đất chứng minh được khả năng tài chính để mua tài sản, nhằm loại bỏ những người chỉ đấu giá để bán lại.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội phát biểu tranh luận. (Ảnh: quochoi).

Tại phiên thảo luận về báo cáo giám sát hoạt động thị trường bất động sản và nhà ở xã hội ngày 28/10, Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cho rằng, một trong những vấn đề nổi cộm hiện nay khiến nhiều người dân quan tâm, lo lắng đó là giá bất động sản tại các thành phố lớn rất cao và liên tục tăng lên.

Một trong những nguyên nhân theo Đại biểu đó là các lực lượng thị trường như môi giới tung tin thổi giá, hay người tham gia đấu giá đất cố tình đẩy giá lên cao để kiếm lời.

Để kiểm soát giá bất động sản, đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất cần phải yêu cầu người tham gia đấu giá chứng minh được khả năng tài chính để mua tài sản, nhằm loại bỏ những người chỉ đấu giá để bán lại.

Ông Cường cho rằng những người có nhu cầu thật sẽ không ngại chứng minh khả năng thanh toán. Do vậy, phiên đấu giá sẽ loại bỏ được những người tham gia để mua đi, bán lại, đặc biệt là người trả giá cao rồi bỏ cọc. Bên cạnh đó, cách làm này sẽ tránh phải tăng tiền đặt cọc, tránh hạn chế số người tham gia đấu giá và mất đi tính cạnh tranh.

Đại biểu Dương Văn Phước, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam tranh luận. (Ảnh: quochoi). 

Tranh luận với vị này về vấn đề không tăng tiền cọc, Đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam) cũng đồng tình việc cần đánh giá năng lực của người đấu giá. Nhưng thực tế, ông Phước cho rằng trong từng phiên đấu giá không thể đánh giá kịp.

Dẫn chứng tại Quảng Nam, Đại biểu nói có một phiên đấu giá mỏ cát giá ban đầu chỉ là 1,8 triệu. Nhưng sau 200 vòng đấu giá, từ 8h sáng ngày hôm nay đến 8h sáng ngày hôm sau, kết quả mỏ cát được trả giá hơn 370 tỷ đồng, có nghĩa cát từ 150.000 đồng/m3 lên tới 2,3 triệu đồng/m3. "Nguy cơ bỏ cọc là chắc chắn, chúng tôi có thể khẳng định như vậy", ông Phước nói.

Mục tiêu của người đấu giá ở đây là muốn thắng bằng được để bỏ cọc, nhằm mục đích độc quyền, lũng đoạn và đẩy giá lên cao. Theo quy định, tiền đặt cọc tối đa là 20% giá khởi điểm. Để đạt mục đích, doanh nghiệp sẵn sàng bỏ cọc.

Ngay tại Hà Nội cũng có nhiều phiên đấu giá đất diễn ra thâu đêm suốt sáng, theo vị đại biểu này.

Để khắc phục tình trạng bỏ cọc, trục lợi đối với thị trường bất động sản, Đại biểu Dương Văn Phước đưa ra giải pháp là cần tăng giá tiền đặt cọc theo từng vòng, theo lũy tuyến để buộc người đấu giá phải cân nhắc khi bỏ cọc.

Ngoài ra, cần phải có chế tài mạnh để cấm các doanh nghiệp tiếp tục đấu giá trên một số lĩnh vực. Ví dụ như là đấu giá vật liệu xây dựng thì không cho họ đấu giá nữa. Có như vậy mới hạn chế được các trường hợp bỏ cọc.

Tranh luận với đại biểu Dương Văn Phước về lí do vì sao không nên tăng phí đặt cọc, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, hiện nay phí đặt cọc đang được quy định là 5 - 20%.

“Chẳng hạn như, giá bất động sản ban đầu là 10 tỷ thì phí đặt cọc là 2 tỷ, không phải ai tham gia đấu giá thì đều được mua bất động sản đó ngay, 10 người tham gia thì chỉ được một người mua. Chi phí dồn tiền đặt cọc vào đó đã tạo ra cản trở tâm lý nên rất ít người tham gia đăng ký mua”, ông Cường phân tích.

Do đó, vị đại biểu này cho rằng không nên tăng phí đặt cọc mà cần tăng điều kiện của những người tham gia đấu giá.

Đại biểu nêu rõ, người mua có thể minh chứng tài sản thông qua việc sao kê tài khoản ngân hàng hoặc thông qua các bất động sản như sổ đỏ. Nếu người đó bỏ cọc thì sẽ bị xử lý bỏ cọc bằng tài sản tương đương giá trị đấu giá. Nếu bỏ cọc thì nững tài sản này sẽ bị đưa ra tòa và phong tỏa để xử lý. 

Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, với cách làm như vậy thì sẽ đạt được một số lợi ích. Cụ thể, những người không có tiền mà tham gia đấu giá chỉ nhằm mục tiêu mua xong bán lại thì không có đủ điều kiện để minh chứng và không tham gia đấu giá được.

Còn những người thật sự mua bất động sản để sử dụng thì họ sẽ chứng minh được ngay. Riêng với những người trả giá cao mà bỏ cọc thì chắc chắn sẽ bị xử lý tài sản đó với giá trị rất lớn, qua đó ngăn chặn được tình trạng bỏ cọc như thời gian qua.

Qua những phân tích nêu trên, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, quy định này phải làm trước khi nộp hồ sơ và hoàn toàn có đủ điều kiện và có đủ thời gian để người tham gia đấu giá chuẩn bị cũng như cơ quan quản lý đấu giá có thể kiểm soát.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng nêu một thực trạng được cho là “làm trái quy luật thị trường”. Đó là trong khi nhu cầu cao, hàng nghìn người xếp hàng đấu giá ngày đêm thì chỉ có vài chục đến hàng trăm thửa đất được đưa ra.

“Vô hình trung chúng ta đang làm cho thị trường méo mó, giữa cung và cầu không công khai minh bạch. Vấn đề nữa liên quan đến loại đất đưa ra để đấu giá, đây là giai đoạn gần như cuối cùng để xác định trong các đô thị loại 3,4 sẽ hạn chế phân lô bán nền. Nếu các khu đất không đưa vào quy hoạch chi tiết, không xây dựng hạ tầng đồng bộ mà chỉ phân lô bán nền sẽ tạo điều kiện cho giới đầu cơ. Do đó, cần xem xét thí điểm sớm sàn giao dịch bất động sản”, Phó Thủ tướng nói.

Công Tâm