|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: NHNN không khuyến khích người dân nắm giữ vàng

11:02 | 11/11/2024
Chia sẻ
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết với chủ trong chống vàng hoá, USD hoá nền kinh tế, cơ quan này không khuyến khích người dân nắm giữ vàng. Bởi, khi nắm giữ vàng, giá trị rất lớn nhưng đồng nghĩa số tiền đó không thể sử dụng để huy động vào dòng chảy của nền kinh tế.

 

Sáng 11/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực ngân hàng, thị trường vàng. 

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cho rằng việc người dân nắm giữ vàng sẽ hạn chế nguồn vốn đưa vào nền kinh tế:"Vàng trong dân là vàng chết, trong khi nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh rất lớn. Đề nghị Thống đốc cho biết thời gian tới cần tập trung thực hiện những giải pháp gì để vàng trở thành nguồn lực của nền kinh tế".

Phản hồi ý kiến của đại biểu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nướcNguyễn Thị Hồng cho biết với chủ trong chống vàng hoá, USD hoá nền kinh tế, cơ quan này không khuyến khích người dân nắm giữ vàng. Bởi, khi nắm giữ vàng, giá trị rất lớn nhưng đồng nghĩa số tiền đó không thể sử dụng để huy động vào dòng chảy của nền kinh tế.

"Nếu tiền đó chuyển hoá thành Việt Nam Đồng thì có hội huy động vào sản xuất, kinh doanh, đầu tư. Chính vì vậy, theo tinh thần của Nghị định 24 chống vàng hoá, Ngân hàng Nhà nước không khuyến khích người dân nắm giữ vàng miếng vì giá trị cao. Đây cũng là lý do nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, đồng thời quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh loại vàng này". 

Bà Hồng cho biết để không khuyến khích người dân mua, nắm giữ vàng miếng, theo kinh nghiệm các nước,  Ngân hàng Nhà nước đang đánh giá tổng kết nghị định 24 để có giải pháp hạn chế nắm giữ vàng.

Vàng hiện nay là vấn đề đau đầu của thế giới. Trước khi Ngân hàng Nhà nước can thiệp, giá vàng quốc tế 2.300 - 2.400 USD/ounce nhưng đến bây giờ tăng trên 2.700 USD/ounce. Nếu tính từ đầu năm đến nay, giá vàng quốc tế tăng tới hơn 50%.

Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã can thiệp vào thị trường vàng nhằm đưa chênh lệch vàng trong nước và quốc tế hẹp dần.

"Chúng tôi không khuyến khích nắm giữ vàng. Nếu để cho nhu cầu vàng tăng cao thì chênh lệch vàng trong nước và quốc tế có thể sẽ tiếp tục nới rộng ra, tiềm ẩn rủi ro buôn lậu", bà Hồng cho biết. 

Đại diện của Ngân hàng Nhà nước bổ sung, giá vàng hiện vẫn biến động, chưa thực sự ổn định do yếu tố khách quan của thế giới. Do đó, cơ quan này sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến của thị trường, căn cứ vào mục tiêu chính sách tiền tệ trong thời gian tới để xem xét chính sách can thiệp.

Về lâu dài, quan điểm chung của Ngân hàng Nhà nước là chống vàng hoá, khiến vàng không phải là mặt hàng hấp dẫn để đầu tư, đầu cơ. Đối với nhu cầu tích luỹ vàng theo truyền thống Á Đông, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ có giải pháp cung ứng vàng ra thị trường phù hợp", bà Hồng nói. 

Giá vàng biến động mạnh, ai được ai mất?

Liên quan tới việc thị trường vàng vẫn chưa ổn định, nhất là khi giá vàng biến động mạnh,  bà Hồng giải thích thực tế người dân mua cao thì bán cao và ngược lại. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh vàng, họ sẽ tính toán phương án và mức giá sao cho không phải chịu rủi ro bởi họ chỉ là đơn vị trung gian.

Còn tổ chức mua vàng rồi sau đó bán lại, họ cũng chịu rủi ro về vốn. Theo quy định hiện nay, các doanh nghiệp không được vay để mua vàng. Do đó, các doanh nghiệp này cũng phải thận trọng trong cân đối vốn bởi mua lúc cao, bán khi thấp có thể chịu rủi ro.

Bản thân Ngân hàng Nhà nướccũng phải có các biện pháp phòng ngừa rủi ro khi mua vàng trên thị trường quốc tế về bán can thiệp trong nước.

"Vàng có giá trị cao, giá lên xuống thất thường. Ngân hàng Nhà nước cảnh báo người dân, doanh nghiệp khi đầu tư vào kim loại quý cần thận trọng, tính toán phù hợp", bà Hồng nói.

H.Mĩ