|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thống đốc Lê Minh Hưng: Mặt bằng lãi suất hiện nay giảm 60% so với năm 2011

11:00 | 17/05/2017
Chia sẻ
So với mặt bằng lãi suất cho vay tại một số nước trong khu vực như Myanmar,Indonesia, Thái Lan, Singapore, mặt bằng lãi suất cho vay bằng VNĐ của Việt Nam hiện nay vẫn ở mức tương đối hợp lý với tương quan kinh tế vĩ mô.
thong doc le minh hung mat bang lai suat hien nay da 60 so voi nam 2011
Thống đốc Lê Minh Hưng: Mặt bằng lãi suất hiện nay đã giảm mạnh

Phát biểu trong Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với Doanh Nghiệp, Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho rằng mặt bằng lãi suất hiện nay đã giảm mạnh.

So với mức mặt bằng lãi suất năm 2011 thì đã giảm 60% và phù hợp với mục tiêu điều hành, diễn biến tiền tệ, lạm phát. Đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích của người gửi tiền - tổ chức tín dụng (TCTD) và khách hàng, ông Hưng cho hay.

Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay diễn biến ổn định từ năm 2016 đến nay, đặc biệt từ cuối tháng 9/2016 đã giảm 0,3 - 0,5%/năm lãi suất huy động và giảm 0,5- 1%/năm lãi suất cho vay đối với SXKD, lĩnh vực ưu tiên.

"Lãi suất một số nước trong khu vực như Nhật Bản, Trung quốc đúng là ở mức thấp so với mức lãi suất hiện tại của Việt nam. Nhưng điều đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố của kinh tế vĩ mô ở các nước đó như: Lạm phát được kiềm chế ở mức thấp, kinh tế vĩ mô ổn định; Khả năng dự báo và hoạch định kế hoạch sản xuất, kinh doanh (SXKD) của doanh nghiệp cao. Mặt khác, hoạt động SXKD của doanh nghiệp không quá phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng", ông Hưng chia sẻ.

Trong khi đó, Việt Nam là nước đang phát triển, nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế xã hội của tất cả các khu vực kinh tế đều ở mức cao, kinh tế vĩ mô về cơ bản ổn định nhưng các cân đối lớn của nền kinh tế chưa thực sự bền vững, kỳ vọng lạm phát còn cao và dễ biến động, xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn.

Đồng thời thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu chưa phát triển đồng bộ dẫn tới nhu cầu vốn của doanh nghiệp cũng như vốn đầu tư cho phát triển kinh tế phụ thuộc lớn vào hệ thống ngân hàng,... Các yếu tố này đã ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất cho vay của TCTD, ông Hưng nhìn nhận.

Tuy nhiên, so sánh số liệu với một số nước trong khu vực như Myanmar, lãi suất cho vay ở mức 13%/năm, Indonesia là 11,9%/năm, Thái Lan là 6,3%/năm, Singapore là 5,4%/năm thì mặt bằng lãi suất cho vay bằng VNĐ của Việt Nam hiện nay khoảng 6-11%/năm,lãi suất cho vay bằng ngoại tệ trong khoảng 3-4%vẫn ở mức tương đối hợp lý với tương quan kinh tế vĩ mô.

Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để điều hành lãi suất ổn định, phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát; tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Phấn đấu đến năm 2020 giảm lãi suất cho vay trung bình trong nước có tính cạnh tranh so với mức lãi suất cho vay trung bình trong nhóm ASEAN-4.

Đồng thời, đặc biệt quan tâm đến lãi suất ưu đãi đối với các doanh nghiệpthuộc lĩnh vực ưu tiên, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ cao, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có sản phẩm cạnh tranh được trên thị trường quốc tế.

Diệp Bình