Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: 2017 là năm giảm phí cho doanh nghiệp
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ( Ảnh: VGP/Quang Hiếu) |
Phát biểu bế mạc Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp sáng 17/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Thủ tướng, Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp, đưa ra hai nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thời gian tới.
Theo Thủ tướng, với tinh thần chuyển lời nói thành hành động, Hội nghị nói nhiều về thanh tra, kiểm tra, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Vì vậy, Thủ tướng bàn với Thanh tra Chính phủ ra chỉ thị không thanh tra một năm quá một lần. "Chỉ thị đó kí đúng 1 giờ chiều hôm nay, chỉ thị số 20", Thủ tướng nói.
Việt Nam phấn đấu thuộc nhóm đầu ASEAN về môi trường đầu tư
Thủ tướng cho rằng Chính phủ kiến tạo, liêm chính là nhấn mạnh môi trường kinh doanh. Trong đó không chỉ có tự do kinh doanh, tự do sáng tạo mà còn là an toàn với người đầu tư và tài sản vốn đầu tư; không chỉ có chi phí giao dịch thấp mà còn rủi ro thấp; độc quyền kinh doanh không chỉ được kiểm soát mà còn đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, môi trường kinh doanh được an toàn, được bảo vệ, có độ tin cậy cao, vững chắc.
Thủ tướng đánh giá trong một năm qua, Chính phủ và các địa phương đã "gãi" đúng chỗ. Mặc dù chưa hoàn thiện nhưng tính gay gắt đã giảm rất nhiều, nhiều ý kiến góp ý, tính toán cụ thể đã được thể hiện. Mục tiêu năm 2017, Việt Nam phấn đấu đạt nhóm đầu của ASEAN về môi trường kinh doanh, xóa bỏ nhiều rào cản cho phát triển doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ cũng nhận diện các vấn đề cơ bản còn hạn chế.
Về thể chế chính sách, chưa giải quyết được vấn đề mâu thuẫn cho văn bản dưới luật, nhiều quyết sách chưa phù hợp thực tiễn, thiếu minh bạch, tốn kém chi phí về hợp chuẩn. Hàng hóa ra thị trường còn nhiều vướng mắc. Thủ tướng khẳng định tiếp thu ý kiến xây dựng thể chế chính sách bình đẳng giữa công và tư nhân, phù hợp thông lệ quốc tế.
Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp, hiệp hội cần góp ý xây dựng và tổ chức thực hiện, thực thi chính sách để Việt Nam có môi trường tốt hơn, phấn đấu nhóm đầu ASEAN về môi trường đầu tư thông qua thể chế và chính sách.
Ngoài ra, phí bôi trơn doanh nghiệp còn nhiều khó khăn trong thuế, phí. Thuế phí còn cao là vấn đề còn trăn trở, điều kiện kinh doanh trong một số lĩnh vực còn gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Việc tiếp cận tín dụng, thực thi chính sách giao dịch chưa phát huy, nợ xấu, sở hữu chéo, sở hữu ngầm khiến dòng tín dụng xa rời thị trường.
Việc cung cấp thông tin cho doanh nghiệp của cơ quan chức năng còn hạn chế. Thống kê mới trên 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, chưa hoàn thành đầy đủ thị trường như đất đai, tài chính, phát minh sáng chế... Hoạt động thanh tra, kiểm tra, chồng chéo, trùng lắp, gây thiệt hại, búc xúc cho doanh nghiệp.
Năm giảm phí cho doanh nghiệp
Do đó trong thời gian tới, Chính phủ cam kết tập trung 2 vấn đề then chốt. Thứ nhất là tiếp tục kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện. Để làm được điều này, Thủ tướng nhấn mạnh cần duy trì ổn định chính trị, vĩ mô, thượng tôn pháp luật từ trung ương đến địa phương, không gây nhũng nhiễu, khó khăn cho doanh nghiệp.
Cần cởi mở, thân thiện, trao cơ hội cho các thành phần kinh tế. Mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng, không phân biệt công tư. Hoàn thiện các dự án luật, trong đó có luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, sửa đổi quy định về các loại thuế hải quan để giảm thủ tục, giảm thời gian về chi phí thực hiện, xóa bỏ sự ưu ái, thu hồi nguồn lực các tài nguyên để tái phân bổ lại cho các đối tượng, thúc đẩy cổ phần hóa cho các đối tượng có thể tối ưu hóa tiềm lực mà đang có.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ sẽ giảm bớt các gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp như chi phí thủ tục hành chính, dịch vụ công, chi phí logistics, chi phí thẩm định, giám định... "Có đồng chí đề nghị năm nay là năm giảm phí cho doanh nghiệp", Thủ tướng nói.
Ngoài ra, Thủ tướng cho rằng cần thúc đẩy các thị trường hàng hóa, thị trường tài chính, thị trường có yếu tố hành chính một cách đồng bộ.
Thứ hai là nâng cao năng lực cạnh tranh, tối ưu hóa các cuộc cách mạng khoa học, công nghệ. Xây dựng kiến tạo các yếu tố cạnh tranh cho nền kinh tế, cải cách giao dịch, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, phúc lợi xã hội, liên kết bộ ngành. Tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân, giảm chi phí, tăng năng lực cạnh tranh; xây dựng hạ tầng đồng bộ, phát triển nguồn nhân lực; xây dựng thương hiệu sản phẩm Việt Nam, bắt đầu vào cuộc cánh mạng công nghệ 4.0.
Đặc biệt, Thủ tướng cho rằng nên tự tin chuyển sang tâm lý Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam, hãy chiếm lĩnh thị trường thứ 13 của thế giới, sau đó mới các thị trường khác. Cần có sự đồng lòng, đồng tâm của các doanh nghiệp, doanh nhân, cùng sự quyết tâm của các chính phủ, bộ ngành địa phương, đảm bảo quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp; bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.
Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh Chính phủ mong doanh nghiệp cần kinh doanh liêm chính, bảo vệ tốt hơn vấn đề môi trường. Dân cường thì nước thịnh, đất nước không thể giàu mạnh nếu cộng đồng doanh nghiệp yếu kém. Trên tinh thần đó, các cơ quan trên cả nước cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, tự đổi mới, tự cải cách trong môi trường tự do kinh doanh. "Thủ tướng, Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp", Thủ tướng nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: 'Việc buôn bán thịnh suy có quan hệ đến quốc dân thịnh suy'
Trích lời của chí sĩ Lương Văn Can “việc buôn bán thịnh suy có quan hệ đến quốc dân thịnh suy”, Thủ tướng cho rằng những ... |
Bí thư Hải Phòng: 'Không thể can thiệp thô bạo vào quan hệ kinh doanh'
Trả lời về ý kiến của ông Nguyễn Văn Đệ về việc TP Hải Phòng "bẻ kèo" không cho doanh nghiệp đã đầu tư 50 ... |