Thống đốc đã thực hiện cam kết về phòng chống rửa tiền thế nào?
Gần một nửa doanh nghiệp lớn châu Á – Thái Bình Dương là nạn nhân của tội phạm tài chính | |
NHNN đề xuất sửa đổi Luật Phòng chống rửa tiền |
Các tổ chức tài chính được phép thực hiện dịch vụ thanh toán trong nước và quốc tế phải báo cáo từng giao dịch chuyển tiền điện tử trong nước có mức giá trị từ 500 triệu đồng trở lên hoặc ngoại tệ có giá trị tương đương và giao dịch chuyển tiền điện tử quốc tế ra vào Việt Nam có giá trị từ 1 triệu USD trở lên hoặc bằng ngoại tệ khác có giá trị tương đương. |
Một trong những vấn đề Thống đốc đã cam kết là phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước để kiểm tra phát hiện và xử lý các vi phạm, hạn chế các trường hợp chuyển tiền bất hợp pháp qua các trung gian.
Nêu kết quả thực hiện, về phòng chống rửa tiền, báo cáo cho biết, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã tập trung xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về phòng chống rửa tiền, trong đó đặc biệt là Luật phòng, chống rửa tiền năm 2012 và các văn bản dưới luật.
Đặc biệt, Thông tư 13/2014/TT-NHNN đã hướng dẫn đầy đủ và cụ thể các biện pháp phòng, chống rửa tiền cũng như giúp các tổ chức hạn chế tối đa những rủi ro rửa tiền có thể xảy ra.
Cụ thể, nhằm đánh giá tăng cường đối với khách hàng cá nhân có rủi ro cao, có quy định yêu cầu các tổ chức tài chính thu thập bổ sung thông tin về mức thu nhập trung bình hàng tháng trong vòng ít nhất 3 tháng gần nhất của khách hàng và đối tượng báo cáo của các tổ chức này phải cập nhật thông tin khách hàng định kỳ ít nhất 1 lần/năm.
Đối với giao dịch chuyển tiền điện tử, đã quy định một cách cụ thể về mức giá trị của các giao dịch phải báo cáo Cục Phòng, chống rửa tiền, tạo điều kiện giúp các tổ chức tài chính dễ dàng thực hiện.
Theo đó, các tổ chức tài chính được phép thực hiện dịch vụ thanh toán trong nước và quốc tế phải báo cáo từng giao dịch chuyển tiền điện tử trong nước có mức giá trị từ 500 triệu đồng trở lên hoặc ngoại tệ có giá trị tương đương và giao dịch chuyển tiền điện tử quốc tế ra vào Việt Nam có giá trị từ 1 triệu USD trở lên hoặc bằng ngoại tệ khác có giá trị tương đương.
Giải pháp nữa được nêu là cụ thể hóa trách nhiệm cũng như các biện pháp phòng, chống rửa tiền trong phạm vi các tổ chức tài chính và tổ chức kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan, bổ sung thêm quy định phân công cán bộ, bộ phận chịu trách nhiệm về phòng, chống rửa tiền tại các tổ chức này.
Công tác kiểm toán nội bộ về phòng, chống rửa tiền phải được tổ chức tài chính, tổ chức kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan triển khai hàng năm. Định kỳ đào tạo, bồi dưỡng cho các cán bộ, nhân viên chuyên trách hoặc bán chuyên trách phòng, chống rửa tiền và cán bộ, nhân viên có liên quan về nghiệp vụ phòng, chống rửa tiền…
Theo đó, tổ chức tín dụng có trách nhiệm nhận biết và cập nhật thông tin khách hàng, xem xét, rà soát giao dịch để phát hiện và kịp thời báo cáo giao dịch đáng ngờ về Ngân hàng nhà nước.
Báo cáo của Thống đốc nêu rõ, Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong nước trong việc chuyển giao thông tin, hồ sơ vụ việc, cảnh báo tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân những vấn đề nảy sinh liên quan đến rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố.
"Đến ngày 15/4/2018, Ngân hàng Nhà nước đã nhận được 239 báo cáo giao dịch đáng ngờ, chuyển giao thông tin liên quan đến rửa tiền, tài trợ khủng bố cho cơ quan có thẩm quyền 41 vụ việc liên quan đến 110 báo cáo. Nhận 51 văn bản và đã xử lý 46/51 văn bản từ các cơ quan có thẩm quyền đề nghị rà soát, cung cấp thông tin liên quan tới bị can, bị cáo hoặc đối tượng trong các vụ án", Thống đốc cho biết.
Ngoài ra, Thống đốc đánh giá, hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền tiếp tục được đẩy mạnh cả về chiều rộng và chiều sâu góp phần tích cực vào việc thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền của Việt Nam.
Hiện Ngân hàng Nhà nước đang chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành hoạt động đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố để xác định các mức độ rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố ở các lĩnh vực, ngành, nghề có liên quan, từ đó kiến nghị các giải pháp phù hợp để khắc phục những rủi ro được xác định.
"Công tác phòng, chống rửa tiền đã góp phần quan trọng trong việc phòng, chống tội phạm trong nước và quốc tế, bảo vệ an ninh tài chính - tiền tệ quốc gia và sự an toàn của hệ thống ngân hàng" Thống đốc đánh giá.
Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước khẳng định, các quy định pháp lý thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước liên quan đến cơ chế kiểm tra, kiểm soát, giám sát việc chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài đã được ban hành đầy đủ, đảm bảo chặt chẽ, hạn chế các hoạt động chuyển tiền bất hợp pháp.