Thôn tính nhà sản xuất thuốc diệt cỏ gây ung thư, tập đoàn hóa chất và dược phẩm nhận trái đắng thế kỉ
Tập đoàn hóa chất và dược phẩm Bayer (Đức) sẽ chi hơn 10 tỉ USD để giải quyết hàng nghìn đơn kiện khẳng định rằng thuốc diệt cỏ Roundup của họ gây ung thư, theo thông báo của tập đoàn hôm 24/6, theo CNBC.
Monsanto, công ty mà Bayer mua năm 2018, đã thua trong một vụ kiện cùng năm. Nguyên đơn, Dewayne Johnson, một nhân viên bảo vệ trường, khẳng định thuốc diệt cỏ Roundup đã gây nên bệnh ung thư hạch không Hodgkin trong cơ thể ông. Sau đó, hàng nghìn người khác đã nộp đơn kiện Monsanto.
Werner Baumann, tổng giám đốc Bayer, nói rằng quyết định dàn xếp các vụ kiện là hành động đúng để chấm dứt giai đoạn bất ổn kéo dài.
"Quyết định giải quyết các vụ kiện liên quan tới thuốc diệt cỏ Roundup sẽ tạo điều kiện để chúng tôi tập trung hoàn toàn và hoạt động cung cấp thực phẩm và chăm sóc sức khỏe", ông phát biểu. Tuy nhiên, ông nói tập đoàn sẽ không thừa nhận hành vi sai hay trách nhiệm dân sự với các nguyên đơn.
Ban lãnh đạo Bayer sẽ chi từ 8,8 tới 9,6 tỉ USD để dàn xếp các vụ kiện hiện nay, đồng thời chi 1,25 tỉ USD để giải quyết mọi vụ kiện trong tương lai liên quan tới Roundup, theo thông cáo báo chí của tập đoàn.
Kenneth Feinberg, người hòa giải do tòa án chỉ định, nói rằng quyết định của Bayer là giải pháp "mang tính xây dựng và hợp lí".
Các đơn kiện cáo buộc Monsanto phớt lờ những cảnh báo rằng thuốc diệt cỏ mà họ sản xuất chứa những hóa chất gây ung thư, và giấu diếm nguy cơ với người tiêu dùng.
Hồi tháng 8/2018, một thẩm phán đã yêu cầu Monsanto bồi thường gần 290 triệu USD cho ông Dewayne Johnson. Thẩm phán kết luận Monsanto đã không cảnh báo Dewayne Johnson và nhiều người tiêu dùng khác về nguy cơ từ thuốc diệt cỏ Roundup.
Monsanto kháng cáo, song tòa phúc thẩm vẫn giữ nguyên phán quyết của tòa án sơ thẩm, nhưng giảm 78 triệu USD trong mức bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn.
Rồi năm ngoái, một tòa án ở bang California, Mỹ yêu cầu Monsanto bồi thường cho một cặp vợ chồng hơn 2 tỉ USD vì thuốc diệt cỏ Roundup gây bệnh ung thư cho họ.
Thương vụ Bayer mua Monsanto diễn ra chỉ vài tháng trước khi Dewayne Johnson giành phần thắng trong vụ kiện Monsanto. Sau khi mua, Bayer bỏ tên Monsanto, song vẫn giữ lại các thương hiệu của Monsanto.
Monsanto là một trong những nhà cung cấp chính thuốc trừ cỏ và chất độc da cam mà quân đội Mỹ từng sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Trong giai đoạn 1962-1973, quân đội Mỹ rải khoảng 75,8 triệu lít thuốc trừ cỏ xuống gần 2,6 triệu ha đất tại Việt Nam.
Loại chất độc của Monsanto đã gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng đối với người dân Việt Nam cũng như gây tổn hại cho các binh sĩ Mỹ và các nước khác.
Vì thế, Monsanto là công ty chủ chốt trong 37 công ty hóa chất mà các nạn nhân da cam Việt Nam từng kiện tại Mỹ (từ năm 2004-2009) để đòi đền bù thiệt hại.
Ở Việt Nam, Monsanto cũng có mặt từ năm 1995 dưới hình thức văn phòng đại diện của Công ty Monsanto Thái Lan. Đến tháng 8/2010, Monsanto chính thức thành lập chi nhánh tại Việt Nam, lấy tên là Công ty TNHH Dekalb Việt Nam. Dekalb Việt Nam kinh doanh hạt giống ngô, rau và hướng tới các sản phẩm công nghệ sinh học.
Vào tháng 10/2014, sau hơn 40 năm, Monsanto trở lại khá rầm rộ trên truyền thông Việt Nam với việc dành 1,5 tỷ đồng trao học bổng cho Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực chọn tạo giống và công nghệ sinh học.